Một cuộc khảo sát do Ipsos thực hiện mới công bố, cho thấy gần một nửa nhà khoa học nữ trên toàn thế giới bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 26 Tháng Bảy đến ngày 12 Tháng Chín, 2022 với sự tham gia của 5,000 nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, làm việc tại hơn 50 tổ chức công và tư tại 117 quốc gia.
Theo kết quả, 49% các nhà khoa học nữ được hỏi, tiết lộ bản thân họ trải qua ít nhất một lần bị quấy rối. Một nửa trong số trường hợp đó xảy ra sau khi phong trào chống quấy rối và bạo lực tình dục “#MeToo” nổi lên vào năm 2017. 65% nhà khoa học nữ cho biết việc quấy rối ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của họ, nhưng chỉ 20% nạn nhân báo cáo việc này với tổ chức. 20% số người được hỏi, cho biết họ từng ở trong tình huống bị người khác gọi bằng danh xưng thiếu tôn trọng hoặc xúc phạm. 24% bị hỏi nhiều lần theo chiều hướng xâm phạm đời sống riêng tư hoặc tình dục, khiến họ cảm thấy không thoải mái.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn nạn nhân của các vụ quấy rối là người mới bắt đầu sự nghiệp, tức tuổi đời còn khá trẻ. Khoảng một nửa số nạn nhân cho biết họ phải tránh mặt một số nhân viên khác tại nơi làm việc. Trong khi đó, 20% người được hỏi nói họ cảm thấy không an toàn nơi công sở. Gần 65% cho rằng các giải pháp chống nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc hiện nay là chưa đủ.
Nói với AFP, bà Alexandra Palt, người làm việc trong quỹ tài trợ cho nghiên cứu, nhấn mạnh cuộc khảo sát cho thấy kể từ phong trào #MeToo, lĩnh vực khoa học chưa có nhiều cuộc cách mạng chống quấy rối và bạo lực tình dục như vậy. Quỹ đã hợp tác với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để hỗ trợ các nhà khoa học nữ, đồng thời kêu gọi các tổ chức nghiên cứu và học thuật áp dụng các chính sách không khoan nhượng tình trạng quấy rối và đưa ra các cam kết về ngân sách để giải quyết vấn đề này. “Cần phải có một hệ thống báo cáo nội bộ hiệu quả và minh bạch. Nếu muốn khai thác hết tiềm năng của phụ nữ trong nghiên cứu, trước tiên, họ phải cảm thấy an toàn,” bà Palt nói. Số nhà khoa học nữ trên thế giới chiếm 33% và 4% trong số đó đoạt giải Nobel.
Trong khi đó, riêng tại Mỹ, giới trí thức trong học đường cũng bị quấy rối tình dục nhiều nhất. Theo kết quả khảo sát mới nhất mà Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) công bố, gần 50% số giáo viên ở Mỹ muốn đổi nghề hoặc nghỉ việc. Nhiều thầy cô giáo và các nhân viên trường học cho biết họ từng là nạn nhân của các hành động bạo lực, đe dọa và quấy rối tình dục trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Cứ ba giáo viên lại có một người cho biết họ đã từng chịu ít nhất một lần bị quấy rối bằng lời nói hoặc hành vi đe dọa của một học sinh, chiếm 33%; 29% cho biết từng chịu một hành vi quấy rối của cha mẹ học sinh. Con số này thậm chí còn cao hơn đối với các nhà quản lý trường học khi khoảng 37% số người được hỏi nói đã phải chịu ít nhất một vụ quấy rối hoặc đe dọa bạo lực từ học sinh và 42% chịu sự quấy rầy từ phụ huynh.
Kết quả khảo sát còn cho thấy khoảng 14% giáo viên bị học sinh hành hung. Ít nhất 18% số nhà tâm lý học học đường, nhân viên xã hội, 15% số nhà quản lý trường học và 22% số nhân viên trường học bị sinh viên bạo hành ít nhất một lần trong đại dịch. Đó là một trong những lý do khiến 49% giáo viên ở Mỹ mong muốn hoặc lên kế hoạch nghỉ hoặc chuyển việc khác.
Cuộc khảo sát này được tiến hành từ Tháng Bảy năm 2020 đến Tháng Sáu năm 2021, với 14,966 người tham gia, trong đó có 9,370 giáo viên, 860 nhà quản lý, 1,499 nhà tâm lý học học đường và nhân viên xã hội và 3,237 nhân viên trường học từ cấp mẫu giáo đến lớp 12 từ tất cả 50 tiểu bang và vùng lãnh thổ Puerto Rico. APA cho rằng kết quả khảo sát cho thấy bạo lực đối với các nhà làm giáo dục thực sự là vấn đề y tế công cộng và cần có giải pháp toàn diện dựa trên nghiên cứu.
Vào ngày 10 Tháng Hai vừa qua, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật tạo thuận lợi cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc tố cáo lên tòa án. Dự luật trên sẽ vô hiệu hóa bất cứ điều khoản nào trong hợp đồng lao động cấm nạn nhân bị tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục kiện kẻ xâm hại hoặc công ty chủ quản lên tòa án. Theo các nghị sĩ bảo trợ dự luật, khoảng 60 triệu người lao động Mỹ đang bị ràng buộc bởi điều khoản quy định họ không được kiện hành vi quấy rối tình dục lên tòa án mà phải khiếu nại qua trọng tài. Trong một số trường hợp, người lao động thậm chí không được biết về điều khoản này. Luật sư của các nạn nhân cho rằng tiến trình phân xử qua trọng tài làm hạn chế trách nhiệm giải trình của đối tượng quấy rối và cản trở việc công khai các cáo buộc.
Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand (đảng Dân Chủ) người đồng bảo trợ dự luật khẳng định sẽ không còn tình trạng người bị tấn công hay quấy rối tình dục ở nơi làm việc không được kiện chủ sử dụng lao động. Ông Gillibrand cùng với Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng Hòa) khởi xướng dự luật trên vào năm 2017, khi phong trào “#MeToo” báo động về mức độ phổ biến của nạn tấn công tình dục đối với phụ nữ, nhất là ở nơi làm việc.
Hiện, dự luật đang chờ Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.