Các chương trình nấu ăn hẹn hò giấu mặt (Blind-dating cooking show) đang giúp củng cố vị thế của thể loại truyền hình thực tế rất được yêu thích này.
Khi tình yêu đến từ… cái miệng!
Ngạn ngữ nói “con đường đến trái tim của một người là đi qua dạ dày”. Nay phát hiện này cũng áp dụng cho chương trình nấu ăn hẹn hò giấu mặt. The Washington Post thuật:
Khi Blue Kim cắn miếng đầu tiên trong món tteokbokki của thí sinh Tyler muốn hẹn hò với cô, khuôn mặt nhăn nhó cho khán giả biết Tyler sẽ không được chọn. Kim nói: “Có một chút ấn tượng hơn so với món của người trước, nhưng nó vẫn chưa đủ tốt. Thậm chí tôi có cảm giác là anh ấy chưa bao giờ làm tteokbokki mà do người khác làm!”. Bình phẩm này khởi đầu cho cuộc công kích Tyler trong một video lan truyền trên mạng có tựa đề “Cô gái Hàn Quốc chọn người hẹn hò dựa trên món tteokbokki!”. Kim phàn nàn về độ mặn của món ăn, than phiền thiếu rau và luộc trứng quá chín trước cả khi nhân vật lộ diện…
Một bữa ăn tự nấu có thể là lời tuyên bố rõ ràng về tình yêu, và là cánh cửa nhìn vào tính cách của một ai đó. Gần đây, các kênh YouTube nổi tiếng như BuzzFeed, A*Pop, Jubilee, Delish đã đưa ý tưởng này lên một tầm cao mới khi cho xuất bản các video trò chơi (game) hẹn hò với các tiêu đề như “Chàng trai Pháp chọn người hẹn hò dựa trên món ăn Pháp họ nấu” hoặc “Hẹn hò mù quáng 5 chàng trai dựa trên khả năng nấu ăn của họ” (ám chỉ không nhìn thấy mặt mà chỉ đánh giá qua món ăn).
Bất kể kênh YouTube nào, hầu hết các video đều tuân theo khuôn mẫu tương tự để thu hút người xem. Những người dự thi chuẩn bị món ăn ấn tượng nhất của họ và ngồi trong phòng liền kề, trong khi người họ muốn hẹn hò phê bình thẳng thừng món ăn họ nấu.
Chris Jereza, người dẫn chương trình dạy nấu ăn dành cho người khiếm thị A*Pop bắt đầu quảng bá thể loại “yêu qua món ăn” vào cuối năm 2021, sau khi nghiên cứu hợp nhất thể loại “video ẩm thực” và các chương trình hẹn hò thực tế. Anh nói: “Tôi thích mọi người đánh giá người khác mà không cần gặp mặt. Nấu ăn chỉ là một cách để làm điều này bởi vì nó mang lại cảm nhận trực tiếp rất thú vị”. Kim đăng ký tham gia A*Pop vì nghĩ rằng đây sẽ là một trò chơi vui vẻ, lãng mạn. Nhưng đến lúc ngồi vào chương trình, cô mới thấy thật là rất khó dự đoán món ăn này sẽ đại diện cho loại người nào.
Các kênh YouTube như Jubilee và BuzzFeed đã sản xuất từ lâu các video kết hợp trò chơi hẹn hò giấu mặt kết hợp với các sở thích cá nhân như âm nhạc, trang phục… Việc kéo dài nhiều năm của các chương trình như “Love Is Blind” và “The Circle” cho thấy thể loại video hẹn hò “ăn để yêu” đang có sức hút rộng rãi. Các thí sinh không phải là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng hay đầu bếp thực thụ như trong chương trình truyền hình “Top Chef”.
Chính khả năng nấu ăn chỉ ở mức bình thường đã dẫn đến các giả định thú vị về người nấu. Nếu một món ăn được trình bày nghệ thuật, người nếm sẽ cho rằng thí sinh là một nghệ sĩ hoặc là người thích quan tâm đến từng chi tiết. Nếu thí sinh làm theo công thức mà không có “dấu ấn” riêng sẽ bị đánh giá là người muốn “an toàn”, không thích rủi ro. Các video “ăn để yêu” được cho là “chủ quan cá nhân và hời hợt trong đánh giá”, nhưng với một số khán giả, việc dự báo tính cách của thí sinh từ thức ăn họ nấu cũng có ý nghĩa.
Thực ra các chương trình hẹn hò dùng thực phẩm làm trung tâm không phải là khái niệm mới. Chương trình “Date Plate” của Food Network từng được phát sóng vào năm 2003. “Cooking for Love”, một chương trình của Canada do Thea Andrews thực hiện, có cảnh ba anh chàng độc thân nấu ăn để được một người phụ nữ giấu mặt chọn hẹn hò cũng từng ra đời năm 1995. Gần 20 năm sau, khán giả lại quan tâm đến thể loại chương trình hẹn hò thực tế nhưng đa dạng hơn. Nhiều chương trình ra mắt dưới dạng video ngắn trên YouTube có sự tham gia của người Mỹ gốc Á, người dân các đảo Thái Bình Dương và cộng đồng giới tính khác LGBTQ.
Tạo cú huých mới cho các chương trình hẹn hò
Các video hẹn hò qua ẩm thực tiếp tục thu hút người xem, nhưng “ăn để yêu” có giống ngoài đời thực không?
Đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain, người không né tránh những ẩn dụ về tình dục khi mô tả đồ ăn, từng nói: “Nếu bạn không thích tình dục thì bạn không thể nấu ăn”. Đồng ý với Bourdain, Kath DeGennaro, một nhà văn chuyên viết về ẩm thực, nhận định: “Nấu ăn là một bài kiểm tra đáng tin cậy về khả năng tương thích trong… phòng ngủ! Qua cách ăn uống hoặc cách nấu nướng của ai đó, bạn có thể biết họ quan hệ tình dục thế nào”.
Những người từng nấu ăn cho buổi hẹn hò đầu tiên, hoặc được ăn cũng nhận thấy sự tương đồng trong các mối quan hệ. Ví dụ cặp Andrea Meggiato và Michelle Jimenez-Meggiato, những người sáng lập The Pizza Cupcake. Sau vài lần gặp gỡ tình cờ vào năm 2015, Andrea hẹn Michelle đi ăn pizza cho buổi hẹn hò đầu tiên. Nhưng khi cô bước vào căn hộ nhỏ ở New York của anh, cô đã rất ngạc nhiên khi thấy một chiếc bàn có nguyên liệu làm bánh pizza gồm húng quế tươi, cà chua chín và men mua từ tiệm bánh pizza địa phương. “Thể hiện kỹ năng nấu ăn kiểu Ý là cách duy nhất để tôi gây ấn tượng với Michelle và chiếm trái tim cô ấy – Andrea nói.
Hầu hết các chương trình thi nấu ăn đều thử thách và áp lực với các giám khảo không khoan nhượng, nhưng những chương trình hẹn hò bằng món ăn nhẹ nhàng hơn nên khán giả thấy tính giải trí cao hơn. Có những khoảnh khắc đáng nhớ, những câu nói hay và cả những đĩa thức ăn buồn cười. Nhưng chúng nhắc nhở người xem không cần phải quá nghiêm túc về món ăn. Chính góc nhìn mới mẻ này đã lôi kéo hàng triệu người theo dõi và cổ vũ cho các thí sinh nấu ăn theo cách của họ để chiếm lĩnh trái tim của ai đó.