Sáng sớm 3 Tháng Tư 2023, một cây me tây trong trường học ở Sài Gòn bị bật gốc đã đổ nhào ra đường.
Tai nạn đã làm sáu người bị cây đè phải cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có một sản phụ đang mang thai được 8 tuần và một nam sinh lớp 7. Ngoài ra, còn có 9 xe gắn máy bị cây đè hư hỏng nặng.
Tiền Phong đưa tin khoảng 7 giờ 15 phút cùng ngày, nhiều phụ huynh đưa con tới trường cấp 2 Trần Văn Ơn trên đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn) thì một cây me tây cao khoảng 15m (49.2 feet), đường kính gốc khoảng 1m (39.3 inches) trong khuôn viên trường bất ngờ bật gốc, đè sập tường. Nhiều phụ huynh và học sinh đã tháo chạy tán loạn trong sự hốt hoảng. Tại hiện trường, có 4-5 xe gắn máy bị tán cây đổ đè lên làm hư hỏng, thân cây nằm chắn ngang đường và phần gốc trồi lên khỏi mặt đất, phần rễ cây thấy rõ đã bị mục ruỗng.
Theo một bảo vệ của trường Trần Văn Ơn, thời điểm cây đổ trời nắng ráo, không có gió và cây me tây này tuổi thọ cũng gần 100 năm.
Trao đổi với Tiền Phong vào buổi trưa cùng ngày, bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết họ đã tiếp nhận một nạn nhân nữ 32 tuổi đang mang thai tuần thứ 8, nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương. Bà bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái. Các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện gấp cuộc phẫu thuật cấp cứu cho bà. Theo Sức Khỏe và Đời Sống, ngoài nạn nhân nữ đang mang thai, còn có ông chồng của bà cũng bị xây xát nhẹ và đang điều trị ở bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Một nạn nhân nữ khác cấp cứu ở bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình là bà N.T.L (57 tuổi, một phụ huynh) trong tình trạng bị gãy 9 xương sườn, và chấn thương ngực. Con trai của bà T.L, là nam sinh lớp 7 tên Đ.N. (13 tuổi) đã được cấp cứu tại bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái. Hai nạn nhân khác nhẹ hơn, chỉ xây xát bên ngoài, được cấp cứu tại bệnh viện quận 1 là N.T.A.V (20 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) và N.V.T. (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân).
Trao đổi với ZingNews, đại diện trường Trần Văn Ơn cho biết ngày 22 Tháng Hai 2023, nhà trường đã thuê người kiểm tra cây me tây này (không rõ là đơn vị nào) nhưng kết quả là cây không có dấu hiệu bất thường, hoa vẫn nở và cành lá vẫn xum xuê (!) Với tai nạn vừa xảy ra, nhà trường hứa sẽ phối hợp với công ty cây xanh kiểm tra từng cây, nếu phát hiện mục ruỗng phần gốc sẽ đốn hạ – lại đốn hạ, mà không cần biết nguyên nhân thật sự từ đâu?
Khi trao đổi với Người Lao Động, đại diện công ty Công viên Cây xanh thành phố (Sài Gòn) cho biết nguyên nhân cây me tây 70-80 tuổi trong khuôn viên trường bị ngã đổ là do phần rễ bị mục ruỗng hoàn toàn. Vị này khuyến cáo cây xanh trồng trong khuôn viên các cơ quan trường học, nhất là cổ thụ, hàng năm cần được kiểm tra và cắt tỉa định kỳ mới bảo đảm an toàn.
Pháp Luật chiều cùng ngày đã đưa tin Ủy ban thành phố (Sài Gòn) giao các đơn vị có liên quan nắm bắt lại tình hình sự việc, xác định trách nhiệm và sớm có báo cáo về vụ cây bật gốc tại trường cấp 2 Trần Văn Ơn, quận 1. Cụ thể, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban, chỉ thị Sở giáo dục và Ủy ban quận 1 tổ chức thăm hỏi em học sinh, phụ huynh và người đi đường bị thương; chỉ thị công an thành phố xác định trách nhiệm, báo cáo; chỉ thị cơ sở giáo dục rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường để bảo đảm an toàn.
Đây không phải là lần đầu cây xanh trong trường học ở Sài Gòn bị bật gốc. Ba năm trước (sáng sớm ngày 26 Tháng Năm 2020), cây phượng trong sân trường cấp 2 Bạch Đằng, quận 3, bất ngờ bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em sinh năm 2008, học sinh lớp 6, bị tử vong.
Sau tai nạn này, Sở xây dựng thành phố đã khảo sát hơn 430 cây trong 21 trường, và đề xuất đốn hạ nhiều cây bị sâu bệnh, mục thân, có nguy cơ đổ.
Điều cực đoan là sau đó nhiều trường học tại Sài Gòn đã đốn hạ sạch các cây phượng, khiến truyền thông trong nước phải lên tiếng phản đối.
Trao đổi với ZingNews ngày 1 Tháng Sáu 2020, GS. Lê Huy Bá, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (ĐH Công nghiệp thành phố), phân tích nguyên nhân khiến cây phượng bật gốc là việc bê tông hóa xung quanh cây. Ông nói: “Chúng ta trồng cây nhưng lại đổ bê tông, lát gạch lên toàn bộ phần rễ của nó, chỉ để lại một hố ở phần gốc. Bộ rễ sẽ không ‘thở’ được, rễ cây ăn nổi nhiều hơn, dễ bật gốc”.
PGS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc Cảnh quan và Cây xanh đô thị, ĐH Lâm Nghiệp, cũng đồng ý và phân tích: “Các trường xây bồn bằng gạch hoặc bê tông, cao 40-45cm (1.3 – 1.4 feet), sau đó lại đổ lớp đất dày vào trong bồn. Đất càng dày, rễ càng khó hô hấp và dần cũng thối, hỏng. Nhìn phía trên, cây vẫn xanh tươi nhưng thực tế gốc rễ không còn sự sống”.
Theo ông Hà, khi trồng cây, các trường học, cơ quan nên chọn cây nhỏ và không nên làm bê tông hóa khu vực rễ cây, cố gắng để nước, phân bón có thể thoát xuống phần gốc, nếu tốt hơn thì có thể bón phân theo tán cây. Với những cây to, đường kính từ 40 cm (15 inches), rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh giòn, dễ gãy, gốc dễ mục… phải có chuyên viên về cây xanh “thăm khám” định kỳ.
Trả lời VOV ngày 10 Tháng Sáu 2020, ông Trần Viết Mỹ, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp thành phố (Sài Gòn) cũng chỉ ra rằng hầu hết các sân trường hay công sở ở đô thị đều tráng một lớp bê tông dày, điều này khiến bộ rễ cây bị yếm khí, lâu ngày còn trơ mỗi gốc, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể ngã đổ. Theo ông Mỹ, cái sai ở đây là xem lại cách trồng, cách chăm sóc rồi bảo dưỡng hàng năm, định kỳ của nhà trường.
Nhận định của ba chuyên viên ngành lâm nghiệp là ông Bá, ông Hà và ông Mỹ không được trường Trần Văn Ơn rút kinh nghiệm. Khi nhìn hình ảnh chụp phần gốc rễ bị mục nát của cây me tây có thể thấy chung quanh gốc cây này nhà trường đã lấp đất và lát gạch bên trên, không chừa một khoảng không nào cho bộ rễ sinh sôi.
Đáng nói là hành động ngu ngốc này đang phổ biến ở nhiều vỉa hè của chung cư và trên nhiều con đường ở Sài Gòn. Hầu hết những cây trồng ở vỉa hè chung cư và trên đường phố Sài Gòn nếu hiện diện ở mặt tiền của nhà phố (đang buôn bán) thì thường họ sẽ đổ bê tông hình vuông chung quanh cây và xây cao lên, mục đích là làm đẹp và có bệ ngồi chung quanh, mà hủy hoại luôn sự sinh trưởng của bộ rễ cây. Chẳng có cơ quan nào ở Sài Gòn có trách nhiệm đi phạt những hành động này hết, giống như việc xả rác bừa bãi trên các dòng kênh rạch vậy, để rồi khi xảy ra tai nạn lại nháo nhào hỏi nhau “Trách nhiệm thuộc về ai?”.