Thực ra đặt vấn đề trách nhiệm lúc đó là đã quá trễ. Nếu có trách nhiệm, và cả sự hiểu biết, Công an tỉnh An Giang đã không làm một việc ngu xuẩn, đó là huy động 400 người bước lên chiếc cầu bộ hành Nguyễn Thái Học (ở TP. Long Xuyên) để thử tải, nhằm xác minh nghi vấn thiết kế cầu bị thay đổi.
Chuyện như thế này:
Chiếc cầu Nguyễn Thái Học bắc qua rạch Long Xuyên, gồm cầu chính dài 120 m, rộng 16 m dành cho xe hơi, xe máy và cầu dành cho người đi bộ bên cạnh, rộng 5.7m-9.5 m được xây dựng với vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Nó được khởi công vào Tháng Năm 2019, và hoàn thành vào năm 2021.
Theo báo cáo từ cơ quan công an tỉnh thì họ nhận được nhiều lời phàn nàn của người đi bộ, sao đi trên cầu này thấy nó không được an toàn, thấy có vẻ như bị rung lắc, rồi thỉnh thoảng lại thấy công nhân đến dặm vá mặt cầu.
“Đi bộ trên cầu mà có cảm giác như đi trên… võng”, có người nói như thế, rồi nhiều người khác đứng trên cầu nhắm mắt lại để cảm nhận, xong cũng nói: “Chắc cầu làm sai thiết kế rồi!” Có người nói như biết rồi: “Theo tôi thì thiết kế không sai, chắc tại bên thi công ‘ăn’ nhiều xi măng, cốt thép quá nên giờ nó như răng bà lão”.
Thế là một đồn mười, mười đồn trăm… Còn người dân có gởi đơn lên cơ quan công an hay không thì chỉ có họ công an mới biết.
Công an chỉ được học cách điều tra tội phạm chứ làm sao biết chất lượng công trình như thế nào. Thế là họ nhờ Phân viện Khoa học Giao thông vận tải phía Nam về cây cầu này giám định chất lượng công trình.
Thế là mấy ông bà ở phân viện lục tục rủ nhau xuống TP. Long Xuyên. Sau khi lắp đặt máy móc thiết bị tại các vị trí kiểm tra, họ nói với công an họ cần khoảng 400 người để thử tải cây cầu này. Thời gian thử tải dự kiến vào ngày 5 Tháng Tư.
Công an tỉnh đã đề nghị chính quyền TP Long Xuyên huy động 400 người từ các trường học, dân quân, dân phòng, đoàn thể đóng ở địa bàn. Người tham gia phải nặng từ 60 kg trở lên.
Ông Phạm Văn Hùng, Phó phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam, người trực tiếp chỉ huy thử tải, cho biết phân viện đã có kế hoạch thử tại rất khoa học rồi, bảo đảm sau khi thử tải sẽ cho ra kết quả chính xác.
Ông trình bày kế hoạch (chắc do ông nghĩ ra) như sau: Ban đầu sẽ mời nhóm 50 người đi qua cầu, sau đó nâng lên 100-200-300, cuối cùng là 400 người. Trong các lần di chuyển này, phân viện dùng thiết bị đo hướng suất, biến dạng, dao động để ghi nhận các thông số làm cơ sở phục vụ điều tra. Quá trình thử tải sẽ dừng nếu máy móc phát hiện dấu hiệu bất thường, không bảo đảm an toàn.
Có người hỏi “lỡ máy móc bị hư, cây cầu có dấu hiệu bất thường mà nó không phát hiện ra thì sao?” thì ông trả lời cứ yên tâm, sức tải của cây cầu bộ hành này lên tới gần 5 ngàn người, cao hơn nhiều lần số người cần huy động, nên rất bảo đảm an toàn.
Cũng ông “nhiều chuyện” đó thắc mắc tiếp rằng, “nói thứ thế thì 400 người chúng tôi thử tải thì được gì, sao các ông không huy động vài ngàn người cho đủ nặng?” Nghe đến đây thì ông Hùng như muốn “nổi khùng” nên lên giọng:
“Đừng nghĩ vấn đề trầm trọng chúng tôi đem con người ra thử tải mà chỉ mời người dân tham quan cầu như thường ngày. Trong những dịp lễ hội, ngày Tết số lượng người trên cầu gấp nhiều lần số được huy động mà có việc gì đâu?”
Ông còn “gằn giọng” cho biết việc thử tải với cầu bộ hành là tải động, không phải tải tĩnh nên không thể dùng các biện pháp khác. Cầu có thiết kế hàng khá thoáng, hàng nghìn người có thể đi qua, với “mật độ 400 người khó xảy ra nguy cơ chèn ép, xô đẩy gây ra hỗn loạn”.
Ông Hùng như không còn giữ được bình tĩnh nên trả lời có vẻ “tào lao”, trước thì “mời” người dân thử tải cây cầu, sau lại nói đến “tham quan cầu như thường ngày” thôi.
Về phía địa phương, Trung tá Nguyễn Đức Hậu, Trưởng công an TP Long Xuyên, cho hay đã phân công khoảng 50 cảnh sát giữ an ninh, điều tiết giao thông, hỗ trợ công tác thử tải cầu. Chiều 4 Tháng Tư, công an sẽ phổ biến các vấn đề liên quan, phát số thứ tự cho những người tham gia. Ông Hậu cho biết “số người huy động được phổ biến thông tin đầy đủ, thực hiện theo sự điều tiết. Hơn nữa khu vực bên dưới cầu khá rộng rãi việc giữ an ninh không quá phức tạp”.
Như vậy có nghĩa là bên công an đã “huy động” đủ 400 người rồi. Thế mới biết vẫn có nhiều người “yêu nước, yêu CNXH”, sẵn sàng làm “chuột bạch” cho mấy ổng thí nghiệm sức chịu đựng của cây câu bộ hành có vấn đề này. Chẳng biết họ chỉ đồng ý miệng thôi, hay có ký vào văn bản chấp nhận không thưa kiện nếu xảy ra tai nạn hay không?
Nếu công an lấy được 400 chữ ký “tình nguyện làm chuột bạch” thì họ sẽ chẳng chịu chút trách nhiệm nào nếu “chuột bạch” chẳng may rơi xuống nước.
Mọi chuyện đang êm thì ông Tiến sĩ Chu Công Minh, chuyên ngành cầu, đường thuộc Đại học Bách Khoa ở Sài Gòn, “xía” vào nói móc họng ông Hùng. Ông Minh nói, nếu công trình đã bị đặt nghi vấn về sai thiết kế, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc huy động hàng trăm người thử tải phía trên là bất hợp lý. Phương án này được hiểu như đưa rất nhiều người lên một cây cầu “bị lỗi” để “thử nghiệm”.
Vậy cây cầu bộ hành ở Long Xuyên có khả năng sập không?
Một chuyên gia về xây dựng cầu cho rằng phải xét nhiều yếu tố. Thứ nhất, nếu nó bị “rút ruột” thì trước sau gì cũng sập. Thứ hai, nếu đám đông “lỡ” bước đều nhịp thì chẳng biết điều gì sẽ xảy ra, dù trên lý thuyết phần trăm xảy ra chuyện này rất thấp.
Tại sao đám đông bước đều nhịp có thể làm sập cầu
Trên thế giới đã có vài câu chuyện về những cây cầu bị sập liên quan đến một định luật vật lý, mà học sinh trung học nào cũng biết.
Câu chuyện đầu tiên xảy ra vào thời Hoàng đế Napoleon (nước Pháp). Trong cuộc hành quân đến Tây Ban Nha, đoàn quân của Napoleon hùng dũng bước đều tăm tắp trên một chiếc cầu thì bất ngờ một đầu cầu bung ra và rớt xuống lòng sông.
Lịch sử thế giới cũng ghi nhận tại thành phố Saint Peterbourg của Nga cũng xảy ra vụ việc tương tự khi một đội quân đang đi trên chiếc cầu lớn bắc qua sông vào thành phố, họ cũng bước đều khiến cầu bị sập.
Tháng Tư năm 1983, một lữ đoàn lính diễu hành bước đều qua cầu treo Broughton của Anh. Theo các ghi chép vào thời điểm đó, cây cầu đã bị đổ gãy dưới chân các binh sĩ, ném hàng chục người xuống nước.
Vậy tại sao đoàn người bước đều qua cầu lại khiến cây cầu vững chắc bị sập?
Giải thích theo định luật vật lý thì các cấu trúc như những cây cầu mặc dù trông có vẻ vững chắc và không xê dịch, nhưng lại sở hữu một tần số rung động tự nhiên bên trong chúng. Một lực tác động vào một vật thể với tần số ngang bằng tần số rung động tự nhiên của vật thể, sẽ khuếch đại rung động của vật thể – hiện tượng được gọi là “cộng hưởng cơ học”.
Nếu các binh sĩ diễu hành đồng loạt qua cầu, họ đã tạo ra một lực ở tần số của bước đi. Nếu tần số bước đều của họ gần khớp với tần số rung động tự nhiên của cây cầu và việc cộng hưởng cơ học đủ lớn, cây cầu có thể rung lắc cho tới khi bị gãy sập vì cử động đó.
Vậy tại sao xe cộ đi qua cầu rầm rập suốt ngày nhưng cầu không bị sập?
Lý do là bởi mặc dù lực do xe cộ qua cầu lớn hơn rất nhiều so với lực mà con người gây ra nhưng lực này mang tính chu kỳ. Xe qua cầu cũng không có sự nhịp nhàng nên có thể triệt tiêu một phần chấn động, không thể sinh ra hiện tượng cộng hưởng.
Thế những người có trách nhiệm ở Long Xuyên có biết chuyện những cây cầu bị sập không?
Có lẽ họ không, vì… đã học đến trung học đâu!