Áp lực công việc thì cao, lương lại thấp, nên không chỉ các y, bác sĩ mà rất nhiều viên chức y tế tại các bệnh viện công ở Quảng Ngãi, đồng loạt nghỉ việc.
Một vị lãnh đạo giấu tên nói, hồi đó tỉnh cũng có chính sách “thu hút nhân tài”, trải thảm đỏ mời y, bác sĩ giỏi về Quảng Ngãi. Nhưng do không giữ được lời hứa cải tổ hệ thống, khiến môi trường làm việc không được cải thiện, chế độ lương bổng lại thấp, nên chẳng mấy ai chịu ở lại.
Một số bác sĩ tin theo lời lãnh đạo tỉnh về đây đầu quân, thời gian sau họ cũng “bỏ của chạy lấy người” bỏ lại sau lưng câu nói: “Đừng tin những gì lãnh đạo Quảng Ngãi nói…”
Báo Lao Động trích lời Bác sĩ H.T.N đang công tác tại một bệnh viện tư nhân ở TP Quảng Ngãi, cho biết:
“Trước kia, tôi làm việc ở một bệnh viện công lập tuyến tỉnh ở TP Quảng Ngãi, tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó, năm 2019, tôi xin nghỉ việc ở bệnh viện công lập để chuyển sang làm việc cho một bệnh viện tư nhân ở TP Quảng Ngãi”.
Lý do chuyển công tác cũng rất đơn giản, “do khối lượng công việc ở bệnh viện công lập lớn, song mức lương lại quá thấp. Chuyển sang bệnh viện tư nhân mức lương cao gấp 3-4 lần so với bệnh viện công lập”.
Không chỉ bác sĩ H.T.N mà nhiều năm qua, “làn sóng” nghỉ việc ở các cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế tư nhân ở Quảng Ngãi ngày càng nhiều. Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay các cơ sở y tế công lập đang bị “chảy máu” chất xám. Chi phí để đào tạo đối với sinh viên ngành y hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế, đặc biệt là bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp, dẫn đến rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng số viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng trong giai đoạn từ 2018-2023 khoảng 130 người với nhiều lý do khác nhau, do đó ngành y tế Quảng Ngãi vẫn còn thiếu nhân lực, đặc biệt thiếu bác sĩ để duy trì và phát triển các chuyên khoa sâu đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là một trong những nguyên nhân lớn khiến hàng ngày ở Quảng Ngãi có hàng trăm lượt người dân vất vả, tốn kém “bấm bụng” ra các tỉnh Đà Nẵng, Huế, vào Sài Gòn… để khám bệnh.
Anh V.H.T ở phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi cho hay: “Tôi bị đau thắt ngực, thiếu máu não, những bệnh này ở Quảng Ngãi vẫn chữa được, nhưng tôi vẫn tự lái xe hơi ra Huế để khám bệnh bởi thủ tục khám bệnh ở Huế rất nhanh, chuyên nghiệp. Đội ngũ y bác sĩ giỏi, thuốc do bác sĩ kê cũng chất lượng hơn…”.
Nhiều bác sĩ lo ngại rằng, nếu chính quyền không có chính sách giữ chân người tài, chỉ vài năm nữa thôi, các bệnh viện công ở tỉnh này cũng sẽ phải đóng cửa vì không còn bác sĩ.