Theo các nhà nghiên cứu, chứng rối loạn nhận thức về cơ thể mình (Body dysmorphia) đã gây ra nỗi ám ảnh cơ bắp (muscle obsession) ở nam giới khiến họ “tập mãi vẫn thấy thiêu thiếu!”. Hệ quả là hại nhiều hơn lợi.
Bị cơ bắp ám ảnh đến bệnh hoạn
Được kích thích bởi tốc độ phát triển chóng mặt của các nhân vật vai u thịt bắp trên truyền thông mạng xã hội và ngành công nghiệp thực phẩm chức năng nằm ngoài tầm kiểm soát, ngày càng có nhiều thiếu niên tuổi teen và đàn ông ra sức luyện tập thể hình đến mức gây nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể.
Tập tạ với liều lượng đúng là tốt cho sức khỏe, nhưng để cho “hình ảnh cơ thể” trở thành nỗi ám ảnh dẫn đến việc tập luyện quá mức là điều không nên.
Jason Nagata, bác sĩ nhi khoa chuyên về chứng rối loạn ăn uống ở tuổi vị thành niên tại Đại học California ở San Francisco, nhận định: “Quan niệm đã là đàn ông thì phải to lớn và vạm vỡ đã khiến nhiều cậu bé dù tuổi còn nhỏ vẫn cố gắng ép cơ thể mình giống như thế!”.
Năm 2019, một nghiên cứu được Nagata công bố trên tạp chí Journal of Adolescent Health cho thấy khoảng một phần ba nam thiếu niên thú nhận đang nỗ lực chấn chỉnh lại cơ thể của mình sao cho vạm vỡ hơn. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của hơn 15,000 học sinh trung học trong cuộc khảo sát 2015 Youth Risk Behavior Survey.
Năm 2021, trong cuộc thăm dò Current Opinion in Pediatrics, Nagata và các đồng tác giả tiết lộ: “Khoảng 22% nam và nữ thiếu niên tuổi teen đang tham gia vào một số loại xây dựng cơ bắp. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên cho thấy các em đang rơi vào trường hợp này là ngoại hình, kích thước cơ thể và lựa chọn thực phẩm đã trở thành mối bận tâm và ám ảnh khiến chất lượng cuộc sống bị giảm. Bản thân tập thể hình không có gì xấu mà vấn đề là nó diễn ra thế nào trong nhận thức của người tập. Vì vậy, khi ai đó nói rằng việc tập thể dục đang làm cho họ lo lắng và bận tâm hơn là niềm vui thì việc học tập, giao tiếp hoạt xã hội của họ đã bị ảnh hưởng và nên xem đây là những dấu hiệu cảnh báo đỏ”.
Washington Post thuật, Gabriela Vargas, bác sĩ nhi khoa và Giám đốc trang web Young Men’s Health tại Bệnh viện Nhi đồng Boston kêu gọi các bậc cha mẹ nên chú ý khi con cái bắt đầu quá chú trọng vào những gì chúng đang ăn và cắt bỏ các nhóm thực phẩm cần thiết trong khi tăng đáng kể lượng protein cho cơ bắp.
Tăng từ một suất protein mỗi ngày lên năm suất (trước và sau khi tập luyện) nhiều lần trong ngày là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về sai dinh dưỡng.
Vargas lưu ý: “Các dấu hiệu khác cha mẹ cần chú ý là con cái có ngắm nhìn cơ thể mình quá mức trước gương không, có thường xuyên kiểm tra cơ bụng hoặc cố che giấu ngoại hình vì cảm thấy chưa đạt được mục tiêu tập luyện (mặc quần áo rộng thùng thình chẳng hạn).
Nếu cha mẹ thấy con mình đang tập thể dục cường độ cao hoặc sử dụng nhiều chất bổ sung protein thì hãy thảo luận ngay với con về lý do tại sao chúng không cần làm như thế và khuyên chúng giảm tập thể dục và thôi bổ sung protein quá mức. Ám ảnh thể hình và ăn uống của con cái cũng có thể giải quyết bằng lời khuyên của bác sĩ”.
Rủi ro cho sức khoẻ là rất cao khi thiếu niên hấp thụ chất dinh dưỡng không đúng và tập thể hình quá mức. Nó cũng nguy hiểm như giảm cân đột ngột do rối loạn ăn uống, chán ăn. Khi thiếu niên bị mất năng lượng do nạp không đủ lượng calo hoặc tập thể dục quá mức, chúng cũng không nhận được đủ số dinh dưỡng cần thiết cho việc tập thể dục và hoạt động trao đổi chất cơ bản.
Nagata nói: “Khi cơ thể bị đói vì tập thể dục quá nhiều hoặc dinh dưỡng không đầy đủ, quá trình sản xuất hormone gồm cả testosterone, hormone quan trọng để xây dựng cơ bắp sẽ chậm lại. Nam giới bị rối loạn ăn uống và suy dinh dưỡng này sẽ có mức testosterone thấp và mức độ ham muốn tình dục thấp.
Một trong những thách thức lớn của hành vi ‘tối đa hóa ngoại hình’ là thay vì tăng cường lại kìm hãm sự phát triển của cơ thể. Ở những cậu bé đang trong giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, mức testosterone tương đối thấp sẽ tiết chế tăng khối lượng cơ bắp”. Bryn Austin, giáo sư tại khoa Khoa học Xã hội và Hành vi thuộc Đại học Harvard, lưu ý: “Các bé trai từ 10 đến 14 tuổi chưa bước vào giai đoạn phát triển sau của tuổi dậy thì nên không có nội tiết tố hỗ trợ tăng cơ đáng kể dù có tập tạ và bổ sung nhiều protein. Sức mạnh cơ bắp sẽ cải thiện hiệu suất thi đấu của các vận động viện, nhưng để trông đẹp hơn, vạm vỡ hơn ở lứa tuổi teen… trong gương soi lại là chuyện khác. Cơ bắp lớn hơn nhưng không mạnh hơn và nhanh hơn. Thể hiện nam tính bằng cách ‘bơm phồng’ cơ lên là không đúng”.
Tác động từ các phương tiện truyền thông xã hội
Những nghiên cứu mới về tuổi teen tập thể hình đã phát hiện trong 25 năm qua, các nhân vật trong game đã trở nên cơ bắp hơn, với bắp tay phổng phao và ngực rộng. “Việc tăng kích thước của các nhân vật hành động trong game đã thực sự kích thích nỗi ám ảnh về một cơ thể lý tưởng tập trung vào vóc dáng săn chắc, cơ bắp và ảnh hưởng xấu đến nhận thức của nam giới trước tuổi vị thành niên” – môt nhà nghiên cứu viết.
Thực tế cho thấy các bé trai ngày nay thích những món đồ chơi siêu cơ bắp hơn những món đồ chơi hiền hoà trước đó. “Lý do là vì chúng tiếp xúc với những ví dụ về cơ bắp từ khi còn rất bé” – Nagata nói.
Austin bổ sung: “Cuối thời thơ ấu, hết bậc tiểu học và bước qua tuổi vị thành niên, nhiều học sinh bắt đầu nuôi những kỳ vọng về cái gọi là cơ thể lý tưởng khi lớn lên”. Cơ bắp trong đồ chơi và phim hoạt hình siêu anh hùng được các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Instagram khuếch đại hơn nữa.
Nhờ sử dụng thuật toán nắm bắt được thị hiếu của người dùng, tất cả những gì bọn trẻ cần làm là một cú nhấp chuột vào một nội dung xây dựng cơ bắp và chúng sẽ tiếp tục nhận được nhiều nội dung tương tự hơn nữa ở những lần sau. Vào mạng càng nhiều, nhìn đâu cũng thấy “vai u thịt bắp: Chúng càng ảo tưởng là ai cũng có thể làm được như thế. “Thậm chí, cơ bắp lực lưỡng đang được xem là chuẩn mực xã hội, là ‘bản lĩnh đàn ông thời nay’ – Vargas nói – Rất khó để các bậc cha mẹ biết được con cái họ đang bị hành hạ bởi nỗi ám ảnh này”.
Áp lực gia tăng của mạng xã hội lớn hơn nhiều so với các hình thức thông tin truyền thống như sách, truyền hình, phim ảnh. Lúc đó một cậu bé tuổi teen bình thường không bao giờ mong mình sẽ trở thành siêu nhân trong một bộ phim hay trở thành người nổi tiếng có cơ bắp.
Nhưng bây giờ, các nhân vật cơ bắp xuất hiện nhan nhản và mang tính đại chúng nên bọn trẻ tin rằng chúng cũng làm được. Nghiên cứu tác động của mạng xã hội đối với tuổi teen cho thấy hành vi ăn uống không điều độ, sự không hài lòng về cơ bắp và lạm dụng steroid có liên quan đến việc lứa tuổi này dành nhiều thời gian hơn cho Instagram TikTok.
Nagata nói: “Những phát hiện như thế chứng minh mạng xã hội đang tạo áp lực cho thiếu niên về cơ bắp”. Nếu phương tiện truyền thông xã hội là “ngọn lửa”, thì thổi bùng ngọn lửa là các chất bổ sung tăng cường cơ bắp rất phổ biến, với hơn một nửa nam giới từ tuổi vị thành niên đến tuổi trưởng thành sớm sử dụng bột protein hoặc sữa lắc (shake) bổ sung. Các sản phẩm này nhắm chủ yếu vào bé trai, nam giới nhưng chưa được liên bang quy định về tính an toàn hoặc hiệu quả nên để lại những câu hỏi chưa được giải đáp.
Austin nói: “Có rất nhiều phân tích phòng thí nghiệm cho thấy các chất bổ sung tăng cường cơ bắp và những gì chúng ghi trên nhãn không hề phản ánh những gì thực sự có trong chai, viên và bột”. Nhưng việc cố gắng tìm ra chất bổ sung an toàn cho thiếu niên tập thể hình là điều hầu như không thể.
Vì vậy, Vargas có lời khuyên: “Tốt nhất là không nên dùng bất kỳ chất bổ sung nào. Nếu bệnh nhân chưa hiểu, tôi sẽ giới thiệu họ đến một chuyên gia dinh dưỡng phòng khám hoặc chuyên gia dinh dưỡng trong cộng đồng để đả thông. Điều quan trọng cần nhớ là Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) khuyến nghị chỉ cần 60 phút hoạt động thể chất hàng ngày là đã có thể mang lại lợi ích tích cực cho nam giới.
Nếu thiếu niên vẫn muốn tăng cường cơ bắp, hãy thảo luận nghiêm túc với cha mẹ, huấn luyện viên và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc của mình”.