Mạng xã hội Facebook ở Việt Nam mấy ngày qua sôi sùng sục với vụ tranh cãi về ý kiến của ông Châu Đoàn sau khi ông Nguyễn Lân Thắng – một nhà hoạt động xã hội có tiếng – bị kết án sáu năm tù giam và hai năm quản chế hôm 11 tháng Tư 2023.
Tranh cãi dữ dội về mọi đề tài đã thành chuyện thường ngày của mạng Facebook, song ý kiến của ông Châu Đoàn đụng tới một vấn đề hết sức nhạy cảm”: Đánh giá ông Hồ Chí Minh như thế nào. Những ý kiến tranh luận từ nhiều phía có thể cho thấy phần nào những suy nghĩ của người dân sau hơn 70 năm dưới chế độ cộng sản.
Hai nhận định gây bão dư luận
Ngay sau khi bản án ông Nguyễn Lân Thắng được tòa án bù nhìn đưa ra, ông Châu Đoàn đã đăng một bài viết ngắn dưới tiêu đề: “Các vị muốn người dân thành cái gì?”, trong đó ông thẳng thắn bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với bản án nặng nề “cho một người chỉ đơn giản là nói lên tiếng nói bất bình trước một hiện thực xã hội be bét.” “Những bản án này… sẽ biến thế hệ trẻ thành một thế hệ hèn nhát, thấy sai không dám lên án, thấy cái đúng bị ức hiếp không dám bảo vệ? Cái thái độ sống câm lặng đớn hèn ấy mà ăn vào máu thế hệ trẻ thì lấy tinh thần mạnh mẽ ở đâu để chống ngoại xâm khi cần?” ông viết.
Ý kiến thượng dẫn của ông Châu được hầu hết bạn bè ông trên mạng tán thành và được bà Lê Bích Vượng – phu nhân ông Nguyễn Lân Thắng – đăng lại trên trang nhà của bà.
Sóng gió chỉ bắt đầu nổi lên khi ông Châu Đoàn đăng bài thứ hai, dưới tiêu đề “Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng”, trong đó ông cho biết “Từ những năm trước, tôi đã không đồng ý với việc Thắng có thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh.” Ông Châu ca tụng ông Hồ “không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hóa, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp”. Ông cho rằng “Ta là hậu sinh, ta phân biệt đúng sai để tránh sai lầm trong hiện tại và tương lai. Ta không cần đạp đổ ai để nâng mình lên. Làm thế là hạ sách, là sai”.
Chỉ sau nửa ngày, bài thứ hai của ông Châu liên quan đến nhân vật Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 1,200 bình luận, 167 lượt chia sẻ và hơn 3,600 lượt biểu lộ cảm xúc. Có nhiều người tán thành, thậm chí khen ngợi ý kiến của ông Châu, song phần lớn phản đối quyết liệt nhận định thượng dẫn của ông; có nhiều ý kiến gay gắt, chửi bới thiếu lịch sự, làm ông phải “block [chặn, xóa] mỏi cả tay” như ông bộc bạch. Để bày tỏ quan điểm, nhiều người dùng Facebook đã viết những bài riêng trên trang của họ; dẫn chứng những tài liệu lịch sử được phổ biến rộng rãi để chứng minh Hồ Chí Minh không phải là lãnh tụ, chân dung văn hóa, yêu nước và có tư tưởng dân chủ như ông Châu khẳng định. Ngay một bậc tu hành như Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải từ Vatican cũng dụng công viết một bài dài với lập luận rất thuyết phục: “Tản mạn về status của võ sư Đoàn Bảo Châu viết về kỹ sư Nguyễn Lân Thắng” mà SGN đã đăng lại hầu bạn đọc.
Đi xa hơn, nhiều nghi vấn lịch sử lâu nay vẫn bị coi là cấm kỵ với người trong nước, ai nói đến có thể bị bỏ tù, nhân dịp này được những tiếng nói phản biện nhắc lại, hệ thống hóa lại để một mặt phản bác ông Châu, một mặt phá vỡ những ảo tưởng về nhân vật đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, gây bao tang thương khốn khổ cho dân tộc Việt từ giữa thế kỷ trước đến tận bây giờ. Cuộc tranh luận quanh ý kiến của ông Châu Đoàn về vụ án Nguyễn Lân Thắng nhanh chóng biến thành cuộc cãi vã dữ dội về Hồ Chí Minh, về dân chủ và về quyền luận định các nhân vật của lịch sử của các thế hệ ngày nay. Số bài phản biện như thế rất nhiều, bạn đọc có thể dò tìm trên mạng Facebook.
Châu Đoàn là một người viết Facebook có số người theo dõi (followers) khá lớn, gần 150,000 người. Ngoài ra, ông (tên thật là Đoàn Bảo Châu) là một võ sư, nhiếp ảnh gia, thông dịch viên, nhà tiểu thuyết, và nhà báo có nhiều năm làm việc cho các hãng truyền thông nước ngoài. Sinh ra, lớn lên và học hành ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng ông Châu là một người có ý chí và nỗ lực vươn lên đáng nể; chỉ riêng việc ông học tiếng Anh thành thạo tới mức thường được thuê làm phiên dịch cabin cho các đoàn ngoại giao nước ngoài đến làm việc ở Hà Nội đã cho thấy ông hòa nhập rất tốt với cái mới. Thông tin mà ông góp vào các bản tin của Reuters, Associated Press, The New York Times… về các cuộc biểu tình ở Hà Nội, về thảm họa môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung… đã góp phần giúp thế giới bên ngoài hiểu được phần nào thực tế trong nước. Vài năm gần đây, ông thường đăng lên Facebook những ý kiến phản đối nhà cầm quyền cộng sản và được ủng hộ mạnh.
Cho đến hôm 11 Tháng Tư 2023 khi ông viết những dòng thượng dẫn tâng bốc ông Hồ Chí Minh. Có người đoán rằng có thể ông bị áp lực nào đó từ nhà cầm quyền, từ cơ quan an ninh buộc ông phải “quay xe”, nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy; những lời ông viết về ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chắc là suy nghĩ thật của chính ông chứ không do áp lực bên ngoài.
Cộng sản và cuộc tẩy não
Dù chết mà chưa chôn đã hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh vẫn còn là một thứ thần hộ mệnh của chế độ cộng sản Việt Nam; đụng vào ông Hồ là gây nguy hiểm cho sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Hơn 70 năm qua, đảng đã dày công thần thánh hóa ông Hồ thành một thứ “cha già dân tộc”, thậm chí đưa tượng ông vào chùa đặt bên cạnh tượng Phật, Bồ Tát để dân chúng quỳ lạy nhang khói; âm thầm dựng lên một thứ tôn giáo (?) mới gọi là Đạo Hồ Chí Minh để quyến rũ những tầng lớp bình dân ít học và mê tín. Guồng máy tuyên truyền khổng lồ và tinh vi của đảng đã rất thành công khi tẩy não được cả một dân tộc, từ em bé nhi đồng đến các bậc nhân sĩ trí thức đều răm rắp tin câu chuyện của đảng về một “Bác Hồ” nhân ái, tài giỏi xuất chúng, hy sinh hạnh phúc gia đình để lo cho dân cho nước, danh nhân văn hóa thế giới (sic!) trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. Một nhạc sĩ tài hoa như Văn Cao còn viết ra câu hát “Non sông theo từng bước cha già (HCM)” thì đủ biết công cuộc tẩy não đã sâu rộng đến mức nào.
Cuộc tẩy não (brainwashing) không chỉ liên can tới nhân vật Hồ Chí Minh mà còn bao trùm tất cả những nhân vật, sự kiện văn hóa lịch sử khác, nhằm làm cho dân chúng – cả các thế hệ tương lai – chỉ biết nghe theo và tin vào câu chuyện của đảng, coi đó là chân lý tuyệt đối không cần tìm hiểu hay tranh cãi.
Hiện tượng ông Châu Đoàn tâng bốc các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, chê bai ông Nguyễn Lân Thắng “chế giễu hình ảnh Hồ Chí Minh” không phải là chuyện riêng biệt của một cá nhân; nó phản ánh quan điểm của một khối dân chúng đông đảo, dù bất mãn với nhiều mặt cuộc sống nhưng vẫn tin tưởng và tôn sùng chế độ cộng sản và tư tưởng của nó, đôi lúc tự mâu thuẫn với chính mình. Đây là hậu quả của một chính sách tẩy não tinh vi vốn là đặc điểm của các thể chế độc tài toàn trị từ thời Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành… thế kỷ trước cho đến Vladimir Putin, Tập Cận Bình hiện nay. [Để hiểu thêm về chính sách tẩy não của các chế độ độc tài, nên đọc bài phân tích sâu sắc của nhà thơ, nhà chính luận Trần Trung Đạo ở Boston trên Facebook của ông]
Thấy gì từ cuộc tranh luận?
Điều không may cho đảng CSVN là mạng internet toàn cầu trong vài chục năm gần đây đã mở mắt cho một bộ phận dân Việt trong nước, cho họ tiếp cận những thông tin và kiến thức đa dạng, đa chiều nằm ngoài sự kiểm soát của guồng máy tuyên giáo của đảng. Nhờ thông tin đa chiều, người ta biết được sự thật về ông Hồ Chí Minh không phải như đảng tô vẽ, biết được tội ác khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam không giống như đảng tuyên truyền. Nhưng sự tồn tại đông đảo những người bị tẩy não trong nước cho thấy tác động thức tỉnh của dòng chảy thông tin tự do vẫn chỉ mới bắt đầu. Một người có học thức và có điều kiện tiếp nhận thông tin đa chiều như ông Châu Đoàn mà vẫn nuôi ảo tưởng Hồ Chí Minh là “chân dung văn hóa” thì đại khối dân chúng trong nước còn bị mê muội đến mức nào.
Qua vụ tranh cãi hiện nay, có thể nói sự nghiệp “khai dân trí” theo lời cụ Phan Châu Trinh để dân chủ hóa đất nước còn rất gian nan. Dù sao vụ tranh cãi chung quanh ý kiến của ông Châu Đoàn có khi lại là một dịp tốt để công chúng hiểu những biến cố và nhân vật lịch sử gần với sự thật hơn thay vì chỉ được nhồi nhét vào đầu câu chuyện tuyên truyền một chiều của đảng. Với ông Châu Đoàn, đây cũng là cơ hội để ông thức tỉnh và bổ sung kiến thức về lịch sử, về dân chủ mà xem ra hiểu biết của ông còn khá hời hợt.
Đọc thêm: