Được quận 3 áp đặt thành “Phố ẩm thực” và khai trương ngày 21 Tháng Mười Hai 2022, đến nay 92 quán ăn uống ở đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3, Sài Gòn) dài cổ chờ khách mỗi ngày.
Thanh Niên ngày 23 Tháng Tư 2023 đã làm phóng sự ảnh cho thấy sự đìu hiu vì ế ẩm của con phố này vào cuối tuần, dù nằm ngay giữa trung tâm quận 3. Cái gọi là phát triển “kinh tế đêm” của ngành du lịch thành phố bằng cách hình thành các tuyến phố ẩm thực vào ban đêm ở mỗi quận để thu hút du khách ghé thăm Sài Gòn, khó mà thành công. Đâu phải cứ giương tấm bảng “Phố ẩm thực” thì du khách tự động tìm đến?
Đường Nguyễn Thượng Hiền được quận 3 quy hoạch thành Phố ẩm thực chỉ một đoạn (giữa Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu), có chiều dài 368m (1,207 feet), hoạt động từ 19 giờ đến 23 giờ mỗi ngày. Trong khung giờ này, xe hơi bị cấm đi lại, chỉ có xe hai bánh được lưu thông một chiều từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Đình Chiểu.
Tuy vậy, con đường này vốn xưa kia là đường rày xe lửa nên rất hẹp, bề ngang khoảng chừng 6m, không có lề đường, nay chừa mỗi bên 1m (3.2 feet) để hàng quán kê ghế cho khách ngồi (coi như chiếm lòng đường) thì thường chỉ đủ chỗ cho các shipper giao nhận đồ ăn thức uống đứng chờ. Mặt khác, con đường nhỏ, các hàng quán cũng nhỏ, cả bề rộng lẫn bề dài (có quán rộng 2m, bề dài cũng chừng đó, chỉ kê vài ghế là hết chỗ). Khách có nhu cầu ăn uống cũng ngại – dù ngồi trong quán hay lòng đường thì cũng chật hẹp như nhau, vì thế các chủ quán ở đây nói với Thanh Niên họ chỉ bán được cho khách mang đi hoặc bán qua các app (bị trừ nhiều phí nên lời rất ít).
Ban ngày đi ngang con đường này để nối sang các đường khác, ai cũng muốn đi cho nhanh vì đường chật hẹp, đông xe, đã vậy hàng quán bày hàng gần như chìa hết ra đường (vì không có lề đường), thật khó mà dừng lại để mua đồ, chứ đừng nói ăn uống. Còn ban đêm, làm sao mời dân từ các quận khác chạy ra đây để ăn? Nếu là dân địa phương tại quận 3 thì họ đã quen thuộc với hàng quán ở khu chợ Bàn Cờ hay trong các con hẻm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Võ Văn Tần…
Ông Gia Huy, chủ quán trà sữa, trả lời Thanh Niên: Đã 4 tháng trôi qua, tình hình không khá hơn, do lượng xe chạy nhiều và nhanh, khách không dừng lại. Thỉnh thoảng có khách ngoại quốc đi qua thì họ chỉ ghé mắt xem mà không vào ăn. Bà Nguyễn Hải Yến, buôn bán tại đây than thở doanh thu mỗi tháng không như kỳ vọng, chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng và chi phí cho nhân viên, sợ không cầm cự nổi hết năm. Ông Anh Tuấn, một người có cửa hàng sửa đồ ở đây thừa nhận, các quán xá ở đây ít có khách ngồi lại vì diện tích quá hẹp, không có nơi để xe trong khi nhà giữ xe ở số 1 Nguyễn Thượng Hiền cách quá xa, gây bất tiện.
Một khách qua phố này là ông Trần Hữu Huy (ngụ quận 8) nhận xét: Tôi toàn mua mang về vì không có đủ chỗ ngồi cho cả gia đình. Với lại tuyến đường này đông xe qua lại khá nguy hiểm, chưa kể bụi bặm, mất vệ sinh. Tôi nghĩ nên cấm toàn bộ xe vào khu vực này nhưng chỉ sợ khó cho shipper.
Bạn đọc nghĩ sao? Đa số đều phản đối việc con đường này biến thành phố ẩm thực, vì quá chật hẹp, xe chạy “như bướm”, trong đó bạn đọc le***@gmail.com nhận định: “Việc quy hoạch phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền đã thể hiện tầm nhìn ngắn và sự thiếu hiểu biết của người quy hoạch. Thứ nhất: Đường Nguyễn Thượng Hiền nhỏ hẹp với cả con đường chỉ rộng khoảng 8m với lòng đường rộng chừng 5-6m mà hàng quán bán lấn chiếm hết vỉa hè xuống tới lòng đường, gây kẹt xe từ trước lúc hoạch định làm phố ẩm thực. Đường Nguyễn Thượng Hiền trước nay là đường tắt, nối từ vòng xoay 3/2 về Nguyễn Thị Minh Khai nên lưu lượng xe rất đông, nay chặn lại làm phố ẩm thực, góp phần gây kẹt xe nghiêm trọng. Thứ hai: Kẻ vạch 1.5m dưới lòng đường cho buôn bán, hàng quán để ghế cho khách ăn mà xe chạy sát ngay ghế ngồi, chưa kể nhiều người chạy xe ẩu lạng lách, ngồi ăn mà cứ hồi hộp không biết khi nào bị xe đụng thì ai dám ăn, lại chen chúc trong khói bụi, ăn có ngon không? Thứ ba: Lòng đường nhỏ hẹp, rồi vạch hết 1/2 lòng đường cho buôn bán, vậy muốn ngồi ăn thì đậu xe ở đâu ? Tính sơ sơ ba cái, ế là phải. Người làm quy hoạch nên nhìn tổng thể vĩ mô đừng hành động duy ý chí…”.
Tóm lại, cứ để người dân hoạt động bình thường thì không sao, tới chừng các ông các bà quan chức quy hoạch xong (nhằm thu tiền thuế nhiều hơn), tuyên bố rùm beng là quận 3 có “Phố ẩm thực”, thì ế chỏng gọng!
Ngay cả phố đi bộ Nguyễn Huệ, trung tâm quận 1, nhiều người đi lại như thế, mà các hàng quán chung quanh còn ế nữa là… quận 3!