Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc (6)

Minh họa: eila-lifflander-unsplash

Áp lực của Việt Cộng ngày càng gia tăng phía Đông đảo, khiến quận phải quyết định rút tiểu đội Địa Phương Quân từ ấp Bãi Bổn về Hàm Ninh, nếu không sẽ có ngày mất cả lính với ấp. Mà bỏ trống Bãi Bổn tức là mất Bãi Bổn, mà mất thật!

Sau đó thỉnh thoảng anh có dịp đi qua vùng biển trên, và lần nào cũng thế anh dùng viễn kính cố nhìn vào ấp Bãi Bổn. Vẫn còn những hàng dừa xanh chạy dài theo bãi biển nhưng chẳng còn một mái nhà nào. Tự nhiên anh nhớ lại, những lần trước, ngồi bập bềnh trên thuyền, đợi ghe nhỏ trong ấp ra đón, tưởng tượng như có những trai tráng lực lưỡng mình trần đang sửa soạn đánh những tiếng trống bập bùng và những cô gái đảo đang sửa soạn những vòng hoa để quàng vào cổ những khách lạ.

Bây giờ thì không còn tưởng tượng được nữa. Ông già Tám Vân, một thời đóng vai cướp biển nghĩa hiệp và nhiều người khác đã tan tác đi về một phương trời nào rồi. Họ có muốn ở lại cũng không được nữa, Việt Cộng đã san bằng ấp này rồi. Nếu không thì cũng bị chiến hạm đi qua thỉnh thoảng nã vào một vài quả trọng pháo như nã vào các vùng tự do pháo kích.

Mất một ấp, quận phải tìm cách tạo thêm các ấp khác, nhưng lần này không dễ dàng gì như những lần trước. Số dân còn lại đều nằm sâu trong đảo, sống dựa vào các vườn tiêu hay làm rẫy. Nếu lập ấp ngay nơi đó thì không thể được, mà tìm cách quy dân thì thật khó khăn vô cùng.

Anh được yêu cầu viết một thông cáo kêu gọi dân chúng di chuyển về xã Dương Đông. Họ sẽ được giúp đỡ, cấp đất, cây và mái tôn để làm nhà, gạo cùng thực phẩm trong những tháng đầu. Trong thông cáo cũng không quên đề cập đến lợi ích của việc quy dân về các vấn đề y tế, xã hội, kinh tế, giáo dục và an ninh v.v… Thông cáo ra đã nhiều lần mà chẳng thấy ai nhúc nhích. Quận bèn phải dùng cách xua dân.

Lần đầu đi bằng đường bộ, đã nhùng nhằng lại bị du kích bám theo chặn đường. Hôm đó, anh đứng chờ ở ngả phi trường để chuẩn bị tiếp cư, nhưng được tin họ phải trở về tay không và thám báo cho biết, may mà chỉ có “một con” bị thương. Lần sau, quận cố dùng cách đưa dân ra phía biển, gần hơn và có ghe chờ để di chuyển. Lôi thôi thế nào, cũng vẫn bị du kích bám theo, tỉa làm mất luôn “một con”. Quận đành phải ngưng mọi kế hoạch quy dân.

Mỗi lần có lính chết, anh lại phải nghe hàng tuần dài tiếng gào khóc, kể lể của người vợ lính từ khu trại gia binh phía sau quận. Nhiều đêm ngủ không nổi. Có lần anh xuống thăm, thấy tội nghiệp người đàn bà, mắt sưng húp, nhìn thấy anh, chị ta lại càng vật vã, gào to bên cạnh mấy đứa con nhỏ mình trần lem luốc, ê a như chẳng biết có chuyện gì xảy ra. Nhìn những cảnh đó, anh không thể cầm lòng được, nhiều lúc muốn khóc. Không biết tương lai người đàn bà và những đứa trẻ thơ này rồi sẽ ra sao.

Đại Úy Hùng mỗi lần nghe tiếng khóc thì sốt ruột chịu không nổi, luôn luôn giục anh:

-Ông tìm hộ một số tiền nào giúp mẹ con nó về quê, chứ ở đây chờ tiền tử tuất thì đến bao giờ. Mà nó cứ ngồi khóc như thế này thì lòng dạ nào mà lính đánh nhau được!

Mỗi lần có một tên du kích nào bị hạ, nhận diện được có liên hệ với người trong quận, lính thường cố mang xác về nhà lồng chợ để bà con họ mang về chôn cất, cũng là luôn thể để cảnh cáo. Nhưng mãi chẳng có ai dám lên nhận. Mấy ngày xác bị ruồi bâu lại bay mùi hôi làm các tiệm xung quanh phải đóng cửa, nên lính thường phải đến tận nhà áp tải người liên hệ đến nhận lãnh về.

Sau một ít tuần điều nghiên, quận và chi khu đều đồng ý không thể dùng quân sự được và quyết định dùng biện pháp bao vây kinh tế để quy dân. Biện pháp này cần phải một thời gian dài, nhưng an toàn hơn.

Phú Quốc là một hòn đảo có nhiều tài nguyên quan trọng. Lâm sản có gỗ quý, khoáng sản có một vài quặng mỏ. Phía Nam đảo có vườn cao su đã bị bỏ hoang. Hải sản thì biển đầy cá và nước mắm nổi tiếng ai cũng biết. Ngoài ra, hạt tiêu cũng đứng hàng đầu, quan trọng không kém. Anh đã theo rõi và làm thống kê, một năm Phú Quốc xuất đảo khoảng trên 300 tấn, đứng đầu toàn quốc, gấp ba lần Bà Rịa, tỉnh đứng thứ nhì. Anh cũng đã có dịp nếm thử tiêu cứt chồn và tiêu ngâm dấm để đưa cay khi ngồi nhậu khô thiều hay mực nướng.

Điều lôi thôi nhất là tất cả các vườn tiêu lại nằm trong các vùng hoàn toàn không kiểm soát được. Bên ngoài thì Việt Cộng tha hồ mà thu thuế. Bên trong thì mấy chú Ba Tàu nắm hết quyền thu mua, y như cách mua lúa non của miền Nam. Họ cho chủ vườn tiêu vay mượn đủ thứ, không những tiền mà còn gạo, vải, nhu yếu phẩm và các dụng cụ làm rẫy. Nhiều khi họ còn cố tình cho vay thêm để buộc chặt chủ vườn tiêu vào nợ. Từ năm này qua năm khác gỡ không ra nổi. Các chú Ba lời đủ cách, lời lúc mua tiêu, lúc bán tiêu, lại lời lúc bán các hàng hóa.

Sau này, anh điều tra và được biết thêm, chính số vốn khổng lồ được xuất ra từ Hong Kong cho Chợ Lớn và Chợ Lớn cho Phú Quốc. Hạt tiêu dĩ nhiên phải chạy ngược lại theo đường trên. Cách cho vay lại rất dễ dàng, chẳng cần một văn kiện, giấy tờ, lăn tay hay thị thực chữ ký. Nhiều khi chỉ cần nói vào băng thu thanh làm bằng, khiến không một hợp tác xã nào của chính phủ có thể đứng vững nổi.

Các chủ vườn tiêu nợ chủ nợ suốt đời. Một vài nhà cố phá cái vòng cương tỏa đó, tự mang tiêu về Sài Gòn bán. Khuân tiêu xuống tàu vào Rạch Giá, khuân ra xe từ Rạch Giá về Sài Gòn. Tiền xe, tiền ăn, tiền trọ kham không nổi. Bán sỉ thì bị Ba Tàu dìm giá, mà bán lẻ thì không biết phải chờ đến bao giờ bán mới hết. Cho nên, tất cả các chủ vườn lại phải qui phục chủ nợ.

Nhưng dầu sao, đời sống của họ cũng vẫn no đủ dễ dàng hơn những nông dân trồng các hoa mầu khác, khiến cho chẳng mấy ai chịu trồng lúa cả. Thành thử 95% gạo trên đảo đều phải nhập từ Rạch Giá. Quận đã phải áp dụng cách phân phối gạo theo chế độ khẩu phần. Cách này đã giúp quận kiểm soát được nhiều vấn đề. Trước hết là vấn đề dân số, nhân khẩu của từng gia đình, những người muốn đến đảo cư ngụ, dân số trong từng xóm trong các ấp chiến lược và các vùng không kiểm soát được nếu họ muốn có hộ khẩu. Nhất là không có thừa gạo để nuôi du kích.

Cách này còn giúp cho quận kiểm soát được các nhà buôn gạo tránh cảnh đầu cơ. Giá gạo luôn luôn được một ủy ban ấn định, nhà buôn không thể tự ý tăng giá một cách ngang xương. Những ai muốn có môn bài bán gạo, phải ưng thuận một điều kiện là luôn luôn phải có một số gạo tồn kho ít nhất là một tháng bảo đảm thường trực được chỉ định, để phòng ngừa sự thiếu gạo trên đảo. Đã có một lần, biển động gần hai tháng trời, tầu chở gạo nằm chờ ở An Thới, phía Nam đảo không thể nào vào cửa Dương Đông được. Các đường bộ đều bị cắt, nếu di chuyển thì chỉ làm mồi cho du kích. Gạo gần hết, cả quận nhao nhao, sắp phải cầu cứu chuyển gạo bằng đường hàng không thì may sao biển yên lại.

Lợi dụng các yếu tố trên, kế hoạch bao vây kinh tế đã được nghiên cứu và đem ra tiến hành. Kế hoạch lại phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trên đảo, nhất là với các lực lượng hải quân và hải thuyền tuần phòng duyên hải. Nhiều vùng biển bị phong tỏa, ghe thuyền chỉ được cặp tại những bến đã được chỉ định, nếu trái lệnh có thể bị bắn chìm. Các cửa ấp chiến lược được kiểm soát nghiêm ngặt, ai đi ra ngoài ấp làm rẫy chỉ được mang theo đủ phần ăn trong ngày, không thể thừa dành cho người khác. Thực hiện kế hoạch này phải kiên nhẫn, hiệu quả chỉ đem lại sau ít nhất là sáu tháng hay một năm.

Thời gian anh ở đảo có lẽ cũng khá lâu, bạn bè thường ngạc nhiên không thấy anh nhúc nhích xin đổi về đất liền. Có lẽ anh đã tự tạo cho anh cái huyền thoại của hòn đảo, và chính huyền thoại này đã giữ anh lại. Thật ra, anh nghĩ nếu cố xin được thuyên chuyển mà lại phải về các quận khác thì ở lại còn hơn, mà về tỉnh thì anh lại chán ngấy cái cảnh thư lại, nhàm chán.

Sau này, anh nhận làm Trung Gian Ngân Khố nên hàng tháng lại có dịp trở về đất liền để lãnh tiền ra chi trả cho các ngân phiếu trên đảo. Có khi thay vì vào Rạch Giá, anh lại tìm cớ về lãnh tiền thẳng tại Ngân Khố Sài Gòn. Nhiều người cũng mượn dịp xin đi cùng hộ tống, súng ống lỉnh kỉnh để tránh du đãng cướp giật. Có khi không muốn mà vẫn cứ phải đi, vì mỗi lần về Sài Gòn như thế anh cùng bạn tiêu hết sạch tiền lương tháng của mình trước khi quay về đảo.

Lần nào ra máy bay về đất liền, anh cũng gần như phải đi trốn con chó Tino của anh. Nó là giống chó Phú Quốc, lông đen sát vào mình, có một đường xoáy chạy dài dọc sống lưng, rất khôn và săn rất giỏi. Nghe nói chó Phú Quốc đã được ghi trong một cuốn tự điển quốc tế. Khi anh rời ra trụ sở quận mới, một người dân đem con chó đó cho anh, vì ở đó canh gác quá sơ sài. Việt Cộng có thể đột kích từ ngã biển lên bất cứ lúc nào vì không có đồn canh ở phía đó.

Sau này anh còn nuôi thêm một bầy ngỗng, hơn chục con mua từ Rạch Gíá về. Ngỗng rất thính, thấy động là la quàng quạc, và thường hay tấn công người lạ. Cỏ trong quận không đủ, thường phải mua thêm lúa cho ngỗng ăn. Lúa thì không có nhiều, lúc đắt mua không nổi, nên thư ký trong quận cứ dụ ăn dần mỗi khi thèm thịt, thiếu mồi. Sau khi anh rời đảo, quận bị xâm nhập từ ngả đó hai lần, có lần một quận trưởng bị tử thương.

Con Tino lúc nào cũng theo sát anh, anh ngồi ở đâu, nó nằm ngay dưới chân anh. Khi anh ngủ, nó nằm sát cạnh giường, không lúc nào rời. Lần nào ra quán ăn hủ tíu, ông chủ quán Cù Đe cũng cho nó một tô xương với bạc nhạc đầy ụ. Ai mà lạ, đi đứng lấm lét là nó gầm gừ xua ra xa. Dân đến quận không đi bằng cửa chính, cứ thập thò ở cửa, nó đuổi cho kỳ được ra khỏi quận, nếu không có ai la cản. Mỗi lần Cha Cung từ An Thới lên, áo linh mục lòe xòe, đến thăm quận là thư ký cứ phải canh chừng vì sợ nó cắn rách áo của cha.

Nhiều lần, anh đã lên ngồi ở máy bay chờ cất cánh, không hiểu con Tino tìm cách nào nhảy lọt được lên, khiến mấy cô chiêu đãi hàng không la oai oái, anh lại phải đi xuống để nó theo nên anh thường là người lên sau chót. Đường bay Sài Gòn-Phú Quốc hồi đó có hai nữ nhân viên khá đẹp là cô Mai và cô Thoại. Cô Mai lúc nào cũng có vẻ xa cách và thường gọi đường bay này là Air Nước Mắm. Chắc đã có lần cô gặp phải tai nạn nước mắm bị bể trong chuyến bay? Riêng cô Thoại thì vui vẻ, dễ chuyện trò, thông cảm cho những người phải ra làm việc trên đảo.

Những ngày vắng anh, con Tino chạy sục sạo đi tìm những nơi mà anh thường đến. Lúc nó chạy ngang qua quán Cù Đe, ông ta đem tô xương ra, nó cũng chẳng thèm ăn và bỏ chạy đi. Khi anh di chuyển vào Rạch Giá, anh đem nó theo. Một lần về Sài Gòn công tác, Thiếu Úy Mạo trông dùm và đem nó đi theo hành quân, con Tino của anh đã bị lạc mất. Anh trở lại tỉnh, không có nó, buồn thẫn thờ mất bao nhiêu tháng trời…

CÒN TIẾP

_____________

Con trâu rừng cuối cùng trên đảo Phú Quốc

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: