Hà Nội: Người giàu gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão bán trú

Một buổi trà chiều của người cao tuổi tại nhà dưỡng lão bán trú – Ảnh: Vnexpress

Thay vì để cha mẹ già một mình ở nhà có khi gặp nguy hiểm, dân giàu Hà Nội có nơi gửi người già ban ngày ở nhà dưỡng lão, với giá từ 300,000 đồng – 600,000 đồng/ngày ($12 – $25/ngày)

Vnexpress ngày 26 Tháng Tư 2023 tường thuật hành trình đi nhà dưỡng lão bán trú mỗi ngày của cụ Đặng Hanh Phức (94 tuổi, ngụ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Giống như đưa con đến trường, mỗi ngày con trai của cụ Phức lại đưa cụ đến nhà dưỡng lão bán trú tại quận Bắc Từ Liêm, nơi chỉ nhận các cụ từ 70 tuổi trở lên, còn đi lại được, muốn có không gian luyện tập sức khỏe, có nhân viên y tế chăm sóc và có người bầu bạn, tâm sự.

Gần sáu tháng nay, cụ Phức coi việc mình đi nhà dưỡng lão ban ngày giống như trẻ em đi học bán trú, từ thứ hai – thứ sáu, sáng nào cụ cũng giục con đưa đi cho kịp giờ. Còn thứ bảy và Chủ nhật thì cụ ở nhà cùng con, cùng cháu.

Sống cùng vợ chồng con trai tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, cụ Phức ngại ra ngoài sau khi vợ mất từ 7 năm trước. Mỗi ngày, khi con đi làm, cháu đi học, cụ quanh quẩn trong nhà có một mình, tự ăn, tự dọn. Cuối năm ngoái, cụ Phức ngất xỉu lúc đang ở nhà một mình, nên con trai cụ tìm hiểu dịch vụ nhà dưỡng lão bán trú và đề nghị đưa cha đến đó ban ngày để có người chăm sóc. Ông cụ đã đồng ý để con trai an tâm đi làm, còn mình thì có bạn.

Mỗi ngày khi đến nơi, cụ được điều dưỡng của nhà dưỡng lão bán trú đón, đưa vào kiểm tra sức khỏe. Sau đó, cụ dùng bữa phụ với bạn cùng “lớp” và bắt đầu tập thể dục buổi sáng.

Trao đổi với Vnexpress, cụ Phức nói: “Ở đây có đông bạn già nên vui lắm, ngày nào không đến lớp tôi lại thấy nhớ. Gần nửa năm nay tôi không còn cảnh thèm nói chuyện, cả ngày chỉ ngóng con cháu sớm về nhà”. Không chỉ tinh thần tốt hơn nhờ có bạn mà sức khỏe của cụ Phức cũng tốt hơn khi được các điều dưỡng viên quan tâm. Ông cụ cũng phấn chấn vì được thưởng thức những món ăn mới lạ, khác với khẩu vị quen thuộc ở nhà.

Các cụ tham gia buổi học yoga tại nhà dưỡng lão bán trú – Ảnh: Vnexpress

Bạn cùng “lớp” với cụ Phức là ông Cù Việt Cường, 73 tuổi. Ông Cường mắc bệnh Parkinson (chứng rối loạn vận động) sau tai nạn giao thông, nên đăng ký vào trung tâm để không thành gánh nặng của vợ. Từ ngày “đến lớp”, ông Cường khỏe hơn khi được các điều dưỡng viên xoa bóp, bấm huyệt, tình trạng gù vẹo cột sống thuyên giảm, tay chân không còn run, đi lại dễ dàng. Thỉnh thoảng, vợ ông cũng đến trung tâm tham gia các hoạt động.

Một học viên khác là bà Lê Thị Lan, 77 tuổi, ngụ quận Ba Đình, cho biết đến “lớp” mới thấy vui, thấy như trẻ lại, khác hẳn thời còn ở nhà chỉ lủi thủi làm bạn với ti vi, vì đến nhà dưỡng lão bán trú, bà được vận động nhẹ, đọc sách và tham gia các buổi học ngoại khóa.

Khoảng 10 năm gần đây, người già ở Việt Nam đến nhà dưỡng lão có xu hướng tăng nhanh. Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người già, chiếm 12% dân số. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2030, dự báo số người già chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050, trong đó số người già sống một mình hoặc cùng với vợ/chồng tăng từ 18.3% (năm 2009) lên 27.8% (năm 2019).

Vì thế, nhu cầu về nhà dưỡng lão và trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người già ngày càng tăng, trong khi đó, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động) cho biết Việt Nam hiện chỉ có 46 cơ sở chăm sóc người già.

Hiểu được nhu cầu này, một số công ty đã mở dịch vụ nhà dưỡng lão bán trú. Tổng giám đốc một công ty chăm sóc sức khỏe cho người già, chủ đầu tư nhà dưỡng lão bán trú ở quận Bắc Từ Liêm là bà Nguyễn Thị Kim Thanh, cho biết công ty mở dịch vụ này từ Tháng Tư 2022, theo mô hình chăm sóc dự phòng ở Nhật Bản và châu Âu, giúp người già mạnh khỏe, tự tin và hạnh phúc.

Nhà dưỡng lão bán trú ở quận Bắc Từ Liêm của công ty bà Thanh có diện tích 800m2 (8,611 square feet) gồm các phòng vận động thể chất, massage, bấm huyệt, thư viện và không gian sinh hoạt chung. Mọi hoạt động của người già đều được các điều dưỡng viên trợ giúp. Mỗi ngày, các cụ sẽ được phục vụ một bữa chính, hai bữa phụ, dưới mỗi phần ăn đều kèm bảng tên của từng người, bởi mỗi cụ lại có sở thích, yêu cầu khác nhau.

Các cụ già tham gia trò chơi chuyền bóng tại một nhà dưỡng lão ở Hà Đông (Hà Nội), giúp các cụ rèn luyện mắt, tay và được giao lưu với nhau – Ảnh: Vnexpress

Không chỉ chăm sóc thể chất, nhà dưỡng lão bán trú của bà Thanh cũng thường tổ chức đưa các cụ đi dã ngoại, xem múa rối nước, nghe hát chầu văn. Hàng tuần có một buổi tham vấn tâm lý với chuyên viên hoặc bác sĩ, giúp học viên được dịp chia sẻ tâm tư, tình cảm, tránh phiền muộn.

Sau một năm, nhà dưỡng lão bán trú này đã có khoảng 30 học viên cố định. Các gia đình tự chọn việc đưa cha/mẹ đến hoặc sử dụng dịch vụ đưa đón tận nhà của công ty.

Chưa kể phí đưa đón tận nhà, mỗi học viên đến “lớp” phải đóng 500,000-600,000 đồng một ngày ($21 –  $25), tùy gói đăng ký. Nếu đóng một lúc 6 tháng thì học phí sẽ giảm.

Mô hình nhà dưỡng lão tư nhân đã xuất hiện ở Việt Nam được 20 năm, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Sài Gòn. Trong đó, nhiều cơ sở nhất là Hà Nội, có cơ sở thậm chí mở thêm chi nhánh ở Đồng Nai, Vũng Tàu. Bên cạnh nhà dưỡng lão bán trú, chỉ nhận chăm sóc các cụ ban ngày, thì Hà Nội còn có các nhà dưỡng lão nội trú cũng nhận chăm sóc ban ngày và chăm sóc tại nhà. Hiện tại phí chăm sóc ban ngày ở nhà dưỡng lão thấp nhất là 300,000 đồng/người ($12); còn nhà dưỡng lão nội trú từ 6 triệu  – 20 triệu đồng/người/tháng ($255 – $851), tùy sức khỏe, phòng đơn hay đôi, vị trí phòng…

Xu hướng của nhiều người Việt hiện không kỳ thị nhà dưỡng lão, ngay cả những người trung niên – hiện còn đang làm việc, vẫn chuẩn bị tâm thế để dành tiền vào nhà dưỡng lão nghỉ hưu, để không phiền hà con cháu lo lắng chăm sóc mình.

Hiện tại, ở Việt Nam nếu thuê nhân viên y tế chăm sóc người già yếu bệnh tật tại nhà có khi còn tốn kém hơn: 12 tiếng giá 1,200,000 đồng ($51); 24 tiếng giá 2,400,000 đồng ($102), hai người thay phiên. Còn thuê người chăm sóc bệnh nhân không phải nhân viên y tế thì từ 350,000 đồng – 700,000 đồng/ngày ($14 – $29/ngày) tại bệnh viện và từ 8 triệu – 12 triệu đồng/tháng ($340 – $510/tháng) tại nhà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: