Lãnh đạo độc tài khét tiếng của chế độ Đức quốc xã, Adolf Hitler (1889 – 1945) cho rằng “Nỗi khiếp sợ là công cụ chính trị hữu hiệu nhất.”
Quả thực, sự tồn tại của chế độ độc tài chuyên chế khắp nơi là nhờ trốn dưới danh nghĩa “pháp luật” để bịt miệng bất đồng chính kiến, đồng thời nhấn chìm toàn dân trong nỗi sợ “công an trị.”
Mới đây, nhà cầm quyền độc tài Trung Quốc, Việt Nam, và Nga đã cáo buộc các ký giả là gián điệp và phản quốc, nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào. Tháng Ba vừa qua, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ phóng viên Wall Street Journal, Evan Gershkovich, với cáo buộc là gián điệp, tội danh có thể bị kết án 20 năm tù giam.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hơn 300 phóng viên đến từ 22 quốc gia cũng đồng thanh yêu cầu Nga phải trả tự do cho ký giả Evan trong một lá thư gửi đến Bộ Ngoại giao Nga.
Trung Quốc
Cũng trong tháng trước, nhà cầm quyền Trung Quốc đã truy tố ông Dong Yuyu (Đổng Uất Ngọc), cựu Phó trưởng ban biên tập Nhật báo Guangming Daily với cáo buộc gián điệp. Ông Đổng bị an ninh Trung Quốc bắt giữ trong lúc gặp một quan chức Đại sứ quán Nhật Bản tại một nhà hàng ở Bắc Kinh vào Tháng Hai năm 2022. Ông đã bị giam giữ hơn một năm, mà không được phép gặp mặt gia đình và chỉ được tiếp cận rất hạn chế với luật sư.
Ông Đổng Uất Ngọc là người có mặt trong cuộc biểu tình lịch sử của hàng ngàn sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Cũng giống như những sinh viên khác tham gia biểu tình trong sự kiện đẫm máu đó, ông Đổng đã bị bắt và bị đưa đi lao động khổ sai một năm trong một nhà máy thép. Sau khi được trả tự đo, ông vẫn giữ được công việc tại nhật báo Guangming Daily và sau nhiều năm được thăng chức phó trưởng ban biên tập.
Nhật báo Guangming Daily nơi ông Đổng Uất Ngọc làm việc là một trong những tờ báo lớn ở Trung Quốc, dưới sự quản lý trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo gia đình ông Đổng, nhật báo Guangming Daily phục vụ giới trí thức, nghệ sĩ, giáo viên, và những người khác có trình độ học vấn cao hơn. Trong nhiều năm, nhật báo này theo đuổi khuynh hướng tự do hơn nhiều tờ báo khác. Từ lâu Đổng Uất Ngọc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cải cách tự do ở Trung Quốc, đặc biệt một chế độ pháp quyền minh bạch và độc lập hơn.
Tương tự như tình hình nhân quyền Việt Nam, nhân quyền Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng bị chà đạp thậm tệ. Tuy thế, Đổng Uất Ngọc vẫn kiên trì kêu gọi cải cách tư pháp trong các bài tiểu luận trên nhật báo Guangming Daily. Năm 2013, trong một bài bình luận về cuốn sách “Nguồn gốc của Cách mạng Văn hóa” của giáo sư Đại học Harvard, Roderick MacFarquhar, ông lập luận rằng hệ quả tang tóc trong giai đoạn 1966-1976 do Mao Trạch Đông lãnh đạo là trách nhiệm của toàn bộ ĐCSTQ.
Cũng nên nhắc lại vào năm 1981, ĐCSTQ đã ra một nghị quyết nhằm chôn vùi lịch sử máu của Cách mạng Văn hóa. Theo giáo sư MacFarquhar, quan điểm của ĐCSTQ là “Mao có tội, nhưng tội lỗi nặng nhất là của Tứ Nhân Bang, tức Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao Trạch Đông), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn.”
Mặc dù gần 60 năm sau Cách mạng Văn hóa, nhưng ĐCSTQ vẫn kiểm duyệt gắt gao và cấm mọi hình thức tưởng niệm về sự kiện lịch sử, khiến ít nhất 40 triệu người Trung Quốc thiệt mạng.
Năm 2017, Đổng Uất Ngọc bị chụp cho cái mũ “chống chủ nghĩa xã hội” và bị đe dọa giáng chức. Bỏ mặc ngoài tai, ông vẫn thường xuyên liên lạc với các nhà ngoại giao và nhà báo Nhật Bản và Mỹ để trao đổi thông tin cho các bài viết của mình. Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc hiện tại, Hideo Tarumi, là bạn lâu năm của ông.
Gia đình Đổng Uất Ngọc kể rằng trong những tháng đầu tiên bị giam giữ, an ninh Trung Quốc buộc ông “phải viết ra chi tiết những gì đã làm mỗi ngày trong chuyến thăm Nhật Bản” cách đây hơn mười năm. Tuy nhiên các bài viết của ông không thể “tạo thành đủ bằng chứng cho tội gián điệp theo luật hình sự Trung Quốc.” Để chứng minh hoạt động gián điệp, nhà nước phải chứng minh ông Đổng là “đặc vụ của một tổ chức gián điệp,” nhưng ông “chưa bao giờ là đặc vụ hay làm việc cho bất kỳ tổ chức nước ngoài nào.”
Cũng theo gia đình ông, mối quan hệ của ông Đổng với các nhà ngoại giao và ký giả nước ngoài “là một phần bình thường trong công việc.” Ngày 23 Tháng Ba, công an Trung Quốc thông báo cho gia đình ông biết vụ án sẽ được đưa ra tòa án để xét xử, nhưng không cung cấp ngày tháng cụ thể.
Việt Nam
Tương tự, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng liên tục trốn dưới danh nghĩa “pháp luật” để bịt miệng và tống giam các nhà báo dám nói lên sự thật. Cuối năm 2021, tòa án Cần Thơ tuyên bản án hơn 14 năm tù đối với 5 thành viên của nhóm Báo Sạch vì dám vạch trần tham nhũng.
Nhà cầm quyền Việt Nam cho phép các nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông nước ngoài, nhưng dưới sự kiểm soát rất chặt chẽ. Ban tuyên giáo cũng thường xuyên yêu cầu các biên tập viên của gần 800 cơ quan báo chí nhà nước phải gặp họ để thảo luận các chủ đề không được phép đưa tin. Luật của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng quy định các chương trình live nước ngoài phải chạy chậm từ 30 đến 60 phút để kiểm duyệt. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết nhà cầm quyền Việt Nam vẫn luôn tìm cách ngăn chặn sự chỉ trích bằng cách giám sát các cuộc họp và thông tin liên lạc của các nhà báo.
Việc kiểm duyệt báo chí và giám sát các nhà báo ở Việt Nam không phải chỉ là công việc của Bộ Thông tin và Truyền thông, và Ban Tuyên giáo, mà nó còn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Sự kiểm duyệt và bưng bít thông tin có mặt trong mọi ngõ ngách ở Việt Nam và Trung Quốc.
Theo báo cáo tự do báo chí mới nhất của tổ chức uy tín Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp, Việt Nam (hạng 174), Trung Quốc (hạng 175), và Bắc Hàn (xếp cuối bảng 180) là những quốc gia được xếp vào danh sách các “nhà tù lớn nhất thế giới.” Báo cáo của RSF cũng cho biết số nhà báo bị cầm tù tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi sau năm năm. Rõ ràng, việc nhà cầm quyền Việt Nam, Trung Quốc, và Nga trốn dưới danh nghĩa pháp luật để bịt miệng và đàn áp các nhà báo tố cáo sai trái và nói lên sự thật sẽ không bao giờ chấm dứt, nhưng tăng dần theo thời gian.
Biểu tượng nhân quyền và đấu tranh bất bạo động nổi tiếng, Tiến sĩ Martin Luther King, đã viết trong một bức thư gửi từ nhà tù Birmingham năm 1963: “Một cá nhân vi phạm một điều luật mà lương tâm nói với họ là bất công và tự nguyện chấp nhận hình phạt của tù giam để khuyến khích lương tâm cộng đồng về sự bất công của nó, trong thực tế là người thể hiện sự tôn trọng cao nhất dành cho luật pháp.”
Các nhà nước độc tài có thể dùng các đạo luật bất công và bản án nặng nề để đàn áp bất đồng chính kiến, nhưng sự bất công này sẽ không bao giờ khuất phục được các nhà báo chân chính.