Khi chiều buông, khu phố Tây Bùi Viện và các khu phố có nhiều quán nhậu tại Sài Gòn xuất hiện những bé trai và thiếu niên khè lửa mua vui để xin tiền.
Đầu tiên, bọn trẻ sẽ hô lên một tiếng lớn để gây sự chú ý, sau đó uống ngụm dầu hôi từ cái bình nhựa mang theo và khè ra ngọn lửa lớn có khi che khuất cả thân hình đứa trẻ. Khi nhìn cảnh đó, ai không cầm được lòng thương cảm sẽ móc hầu bao để tiền vào cái ống bơ mà đứa trẻ cầm đi xin sau khi kết thúc ngọn lửa.
ZingNews ngày 1 Tháng Năm 2023 đã khảo sát cái nghề độc hại này của trẻ em Sài Gòn ở khu phố Tây Bùi Viện (quận 1), phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), giao lộ Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) để trả lời câu hỏi “Ai đứng sau trẻ em múa lửa xin tiền ở TP.HCM?”. Tuy nhiên, cuối bài, phóng viên thực hiện vẫn không trả lời được câu hỏi này, chỉ đưa ra lời cảnh báo chung chung từ một độc giả chứng kiến và lời khuyên của một bác sĩ.
Chứng kiến một thiếu niên khè lửa giữa ban ngày tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), phóng viên Zing đã phỏng vấn T., thiếu niên 15 tuổi, người nhỏ thó so với tuổi, em kể đã nghỉ học, làm nghề khè lửa kiếm sống được năm năm. T. bảo: “Đôi lúc em bị phỏng miệng và cháy tóc khi thổi lửa. Lúc đầu em còn sợ, nhưng bây giờ đã quen nên không sợ nữa. Gia đình biết em làm nghề này nhưng ba mẹ cũng không nói gì”.
Còn kể người dạy em khè lửa là anh trai và hiện hai anh em cùng nhau đi làm. Mỗi ngày một mình T. kiếm được vài trăm ngàn đồng. Dụng cụ hành nghề của các em là lon sữa to đựng tiền, chai nhựa đựng dầu hôi và một thanh kim loại được bọc chỉ làm mồi lửa.
Khi dòng xe đông đúc dừng lại, T. uống một ngụm dầu hôi, cầm một thanh kim loại được bọc chỉ ở đầu có ngọn lửa rồi đưa vào miệng, sau đó phun ra thành một ngọn lửa lớn và dài. Khi ngọn lửa lớn tắt thì chính T. cũng ngậm lại ngọn lửa trên thanh kim loại để làm tắt nó, rồi em mới cầm cái lon cúi lưng xin tiền người đi đường.
Theo Zing, việc hành nghề múa lửa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể gây nên bệnh viêm phổi, bên cạnh đó, trẻ em mưu sinh sớm trên đường phố cũng dễ bị dính vào tệ nạn xã hội. Zing dẫn lời ông Hồng Đức (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), chủ tiệm thuốc ngay phố Bùi Viện, người đã nhiều năm chứng kiến trẻ em lang thang mưu sinh bằng cách bán hàng, múa lửa. Ông nói: “Múa lửa là nguy hiểm nhất. Ngậm và hít dầu hôi sẽ ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa, hô hấp, chưa kể nguy cơ bỏng nặng. Tôi thấy thương nên đôi khi cũng cho các em chút tiền. Tuy vậy, tôi không biết số tiền này có đến tay các em hay bị đối tượng chăn dắt lấy mất”.
Một người khách ăn uống ở phố Vĩnh Khánh, quận 4 cũng nói: “Cho tiền 1-2 lần chưa hẳn là giúp các em. Quan trọng là cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể để trẻ em được đến trường. Đó mới là điều quan trọng nhất giúp thay đổi tương lai các em”. Vị khách này nói đúng, nhưng cơ quan chức năng nào đây?
Khi trả lời Zing, bác sĩ Nguyễn Hải Công, chủ nhiệm khoa Lao-Bệnh phổi (bệnh viện Quân Y 175), cảnh báo có một thuật ngữ trong y học nói về tình trạng tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến bệnh viêm phổi do biểu diễn múa lửa. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân hít hay bị sặc dung dịch xăng, dầu lúc ngậm vào miệng trong khi biểu diễn. Bác sĩ Công cho biết bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi do hít phải xăng, dầu với triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí ho ra máu, sốt do phản ứng viêm, tệ nhất là tình trạng viêm lan rộng ra hai phổi, gây suy hô hấp cấp tính.
Bác sĩ Công khuyên: “Không nên ngậm hay biểu diễn uống xăng, dầu đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Bởi đây là hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi người bệnh hít hay nuốt vào đường hô hấp”.
Những điều Zing hoặc bác sĩ Công nói đều đúng cả. Nhưng với những thiếu niên mưu sinh trên đường phố Sài Gòn thì khè lửa (hay múa lửa như cách gọi của Zing) lại là cách kiếm tiền dễ nhất. Trí Thức Trẻ ngày 1 Tháng Sáu 2020 khi làm phóng sự ảnh về những đứa trẻ khè lửa kiếm tiền ở phố Tây Bùi Viện đã tường thuật lại lời của cậu bé Nam (10 tuổi): Con học nghề phun lửa từ bạn, thấy nghề này là dễ kiếm tiền nhất.
Dân Sinh ngày 3 Tháng Sáu 2020 thì viết chi tiết câu chuyện của hai anh em Bô (9 tuổi) và Đức, anh ruột của Bô, đã ba năm kiếm sống bằng nghề khè lửa. Trước đó hai anh em đánh giày nhưng nghề đánh giày kiếm không đủ sống nên hai anh em chuyển qua học khè lửa. Mỗi đêm, hai anh em rảo khắp các con đường từ quận 4, quận 1 sang Bình Thạnh để khè lửa mua vui cho khách, may mắn thì có đêm thu được gần 2 triệu đồng ($85). Tiền kiếm được, trừ tiền ăn uống và nhà trọ xong, hai anh em giao cho một người anh khác tên Toàn, 15 tuổi, không rõ là anh ruột hay “anh bảo kê”?
Hôm nào xui xẻo thì hai đứa sẽ bị những “anh lớn” hơn túm cổ hỏi sao dám đi khè lửa ở khu vực của “các anh”, may thì chỉ bị đuổi cổ, không may thì sẽ bị bạt tai, ký đầu và thu hết tiền trong lon.
Bô hồn nhiên kể, một tuần hai anh em dùng hết một chai dầu hôi 1.5 lít, thỉnh thoảng cũng bị bỏng miệng, lở loét. Mỗi lần vậy, hai anh em lại đi ăn huyết heo để chữa, chỗ lở lành lặn rồi thành… chai, không bị nữa. Hỏi cha mẹ đâu thì Bô kể cha của em đã bị công an bắt vì tội giao ma túy, còn mẹ bỏ đi từ nhỏ, không biết mẹ tên gì, mặt mũi ra sao. Khi phóng viên Dân Sinh hỏi hai đứa có muốn được đi học lại không thì cả Bô lẫn Đức đều lắc đầu, nói chỉ mơ ước có đầy đủ ba mẹ thôi…
Một lần đi uống cà phê ở quận Tân Bình, người viết (An Vui) cũng chứng kiến cảnh một thiếu niên khè lửa. Dân uống cà phê thường chỉ lo nói chuyện và xem điện thoại, ít ai chứng kiến màn “mua vui” của cậu bé thiếu niên nên lon đựng tiền của cậu chỉ được vài tờ tiền lẻ. Khi hỏi thì em cho biết đã 17 tuổi nhưng vì không có giấy tờ (căn cước) nên không ai thuê mướn làm việc. Quần áo tuềnh toàng, bộ dạng ngơ ngác, trông cậu bé thật đáng thương. Người bảo vệ quán cà phê nói cái nghề này ngày xưa toàn thấy người lớn làm, giờ không hiểu sao toàn bọn trẻ con, đa số là con trai…