Cho rằng vợ mải mê xem điện thoại trong bữa ăn chung gia đình, ông chồng Hòa Lan đã đâm chết bà vợ Việt chiều 2 Tháng Năm 2023.
Đó là lời khai của ông Kenter JacoBus Johansen (63 tuổi, quốc tịch Hòa Lan) tại cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng tối 2 Tháng Năm khi bị bắt (riêng báo Tuổi Trẻ ghi tên ông là JocoBus Johannes Kenter). Theo tin Công an tỉnh Lâm Đồng cung cấp cho báo chí ngày 3 Tháng Năm, lúc 16 giờ chiều 2 Tháng Năm, vợ chồng ông Kenter JacoBus Johansen và bà Lê Thị D. (53 tuổi), cùng cư ngụ tại căn biệt thự số 42, khu quy hoạch An Sơn, phường 4, Đà Lạt, xảy ra cãi vã. Trong lúc cãi nhau, ông này dùng hai con dao bếp đâm vợ nhiều nhát rồi bỏ trốn. Trong lúc bỏ trốn bằng xe gắn máy, ông nhắn tin cho con gái riêng của bà D. (đồng thời là con nuôi của ông), “Tao đánh chết mẹ mày rồi”. Cô gái cấp tốc về nhà và báo tin cho công an.
Khi bỏ trốn, ông Johansen mang theo bốn con dao (trong đó có hai con dao đã gây án). Sáu tiếng sau khi gây án, ông Johansen rút tiền tại một trụ ATM ở Đà Lạt thì bị công an bắt, trên người còn mặc bộ đồ dính máu của vợ.
Trước đó, trưa ngày 2 Tháng Năm, vợ chồng ông Johansen cùng hai con gái riêng của bà D. và các cháu đi ăn ở một nhà hàng tại Đà Lạt. Tại tiệm ăn, bà D. thường xuyên xem điện thoại, không chú tâm vào bữa ăn khiến Johannes khó chịu, phải nhắc nhở nhiều lần. Hai người xảy ra cãi vã ở tiệm ăn và ông Johansen bỏ về trước. Khoảng hai tiếng sau đó bà D. mới trở về nhà và giữa hai người lại xảy ra tranh cãi. Đỉnh điểm của vụ việc là Johansen không kìm được tức giận, xuống bếp lấy dao đâm bà D. nhiều nhát khiến bà chết tại chỗ.
Ông Kenter JacoBus Johansen đến Việt Nam từ năm 2006, thường xuyên đi lại giữa Hòa Lan-Sài Gòn và Đà Lạt. Năm 2010, ông Johansen kết hôn với bà D. Trước đó, ông Johansen đã nhận Th. (khi đó mới 8 tuổi, con gái bà D.) làm con nuôi. Nay Th. đã 25 tuổi làm việc tại Sài Gòn, ngày nghỉ mới về Đà Lạt thăm cha mẹ.
Theo Tiền Phong, ông Johansen còn khai từ khi kết hôn, giữa hai vợ chồng không xảy ra chuyện gì cãi vã lớn. Năm 2020-2021, do Covid, ông Johansen không về Việt Nam được nên sống tại Hòa Lan. Sau dịch, Johansen trở lại Việt Nam sống cùng vợ, thỉnh thoảng nói về chuyện tài sản. Vốn tiếng Anh của bà D. không nhiều, trong khi Johansen không sử dụng được tiếng Việt nên đôi khi họ không hiểu nhau.
Bạn đọc Phạm Thiết Hùng bình luận trên Tuổi Trẻ, nhận được nhiều lượt thích nhất: “Lại là điện thoại. Giờ đây hẹn nhau đi uống cà phê, nhưng, vô tiệm là mỗi người ôm em điện thoại, cười nói trực tuyến, năm thì mười họa mới ừ hử với nhau. Đi nhậu cũng mỗi người một điện thoại nhậu “on lai”, rồi “lai chim” với tình ảo. Ai hối thúc thì cầm ly, cười vu vơ trong điện thoại. Ngồi, nằm bên vợ chồng cũng mỗi người một điện thoại, cười nói khùng khục với điện thoại, đến mức “yêu” cũng phải điện thoại. Đúng là hết nước… chấm”.
Với nhiều tính năng tiện lợi, điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người, trừ khi họ đi ngủ. Dù có nhiều cảnh báo bằng phim, tranh minh họa, câu chuyện… về sự lệ thuộc của con người hiện đại (kể cả những đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng vì chứng nghiện điện thoại của cha mẹ) nhưng tình hình cũng không mấy cải thiện. Con người trong đời thực ngày càng rời xa nhau.