Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2023, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố bảng chỉ số tự do báo chí thế giới thường niên lần thứ 21, trong đó Việt Nam, cùng với hai nước cộng sản anh em là Trung Quốc và Bắc Hàn, giành ba vị trí chót bảng trong số 180 quốc gia được xếp hạng.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới (World Press Freedom Day), gọi tắt là Ngày Báo chí Thế giới, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ấn định vào ngày 3 tháng Năm hàng năm kể từ năm 1993, nhằm nâng cao nhận thức về quyền tự do ngôn luận – quyền tự do căn bản nhất của cuộc sống con người – và nhắc nhở các chính phủ thành viên nhiệm vụ của họ phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của công dân được quy định trong Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
Trong nhiều hoạt động của Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay có việc công bố bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới (World Press Freedom Index – WPFI) do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporter Sans Frontier – RSF) có trụ sở tại Pháp thực hiện nhằm đánh giá môi trường hoạt động báo chí ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới.
Phúc trình của RSF năm nay ghi nhận tình hình “rất nghiêm trọng” (very serious) ở 31 quốc gia, “khó khăn” (difficult) ở 42 quốc gia, “có vấn đề” (problematic) ở 55 quốc gia, chỉ “tốt” (good) hoặc “hài lòng” (satisfactory) ở 52 quốc gia. Nói cách khác, môi trường hoạt động báo chí là “tồi tệ” (bad) trong 70% trường hợp, hoặc trong 10 nước thì chỉ có ba nước “tốt”, bảy nước còn lại không thể chấp nhận được.
Các nước Bắc Âu (Na Uy, Ái Nhĩ Lan, Đan Mạch và Hòa Lan) tiếp tục giữ các vị trí đầu bảng WPFI.
Ở cuối bảng xếp hạng, ba nước cộng sản ở Châu Á chia nhau đội sổ, với Việt Nam ở vị trí 178; Trung Quốc – 179 và Bắc Hàn – 180/180. Việt Nam được đánh giá là đã gần như hoàn tất cuộc săn đuổi các nhà báo tự do và các nhà bình luận độc lập; trong khi Trung Quốc được coi là ngục tù lớn nhất thế giới giam cầm các nhà báo, cũng là nước xuất cảng nhiều nhất những nội dung tuyên truyền cho chế độ.
Ông Christophe Deloire, Tổng thư ký của RSF cho rằng, sự xấu đi của môi trường báo chí thế giới là kết quả của tình trạng nhà cầm quyền nhiều nước càng ngày càng hung hăng và sự thù địch các nhà báo gia tăng trên mạng xã hội và cả trong đời sống thực. Tình trạng gia tăng tin giả, sản xuất và truyền bá tin giả cũng như cung cấp công cụ để tạo tin giả cũng làm cho môi trường báo chí ngày càng ô nhiễm và gây khó khăn cho hoạt động báo chí chân chính. Đáng chú ý là ở 118 nước, người tham gia khảo sát của RSF cho biết chính các tổ chức chính trị và chính quyền thường tham gia một cách có hệ thống vào việc phát tán tin giả thông qua các chiến dịch tuyên truyền, làm mất uy tín những người hoạt động báo chí trung thực và hủy hoại chính nền báo chí của quốc gia.
Về Việt Nam, RSF đánh giá “Truyền thông truyền thống của Việt Nam bị kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng độc nhất. Các phóng viên độc lập và người viết blog thường bị bỏ tù, biến Việt Nam thành nhà tù lớn thứ ba thế giới giam cầm các nhà báo”.
Tuy không có nhà báo nào bị giết chết từ đầu năm 2023 đến nay nhưng Việt Nam hiện giam giữ 42 nhà báo và người hoạt động báo chí độc lập.
Đối với công chúng, các blogger và nhà báo độc lập là nguồn duy nhất cung cấp tin tức tự do ở một đất nước mà báo chí phải tuân theo mệnh lệnh của đảng Cộng sản. Với 64 triệu người sử dụng, mạng Facebook là nền tảng thông tin trực tuyến phổ biến nhất, là công cụ chính để truyền bá thông tin cho người dùng ở Việt Nam.
Nhưng Facebook ở Việt Nam càng ngày càng bị chính quyền khống chế, buộc xóa bài, hạn chế tương tác, đóng danh khoản hoặc là nơi chính quyền quảng bá tin giả. Việt Nam có một đội quân gọi là Lực lượng 47 (Force 47) quy tụ khoảng 10,000 “chiến binh mạng” (cyber-soldiers) có nhiệm vụ bảo vệ đường lối của đảng Cộng sản và tấn công những người bất đồng chính kiến trên mạng. Việt Nam cũng ban hành Luật An ninh mạng 2019 bắt buộc các nền tảng xã hội phải lưu trữ dữ kiện người dùng trên đất Việt Nam và giao nộp dữ kiện đó cho chính quyền khi được yêu cầu.
Tự do báo chí được quy định tại Điều 19 hiến pháp Việt Nam. Nhưng đảng Cộng sản và guồng máy chính quyền của họ có cả một kho tàng những đạo luật vi hiến, tùy tiện để bỏ tù bất cứ nhà báo, người viết mạng xã hội nào gây ra phiền phức cho họ. Các điều khoản 109, 117 và 331 bộ luật hình sự cho phép bỏ tù tới 20 năm những ai bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính phủ”, “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
Về kinh tế, nhà nước cộng sản là chủ sở hữu tất cả các cơ quan báo chí. Với tư cách ông chủ, đảng và nhà nước cộng sản bắt buộc các cơ quan báo chí phải là “tiếng nói của đảng, cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội”. Ban Tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam hàng tuần đều họp với lãnh đạo các cơ quan báo chí để bảo đảm các thông tin mà họ không chấp nhận không bao giờ được xuất hiện trên đài báo, khen thưởng hoặc trừng phạt các biên tập viên theo sự chấp hành của họ.
Các lĩnh vực mà bộ máy kiểm duyệt của đảng chú ý nhiều nhất là các trường hợp bất đồng chính kiến, các vụ điều tra tham nhũng liên quan tới quan chức cao cấp, tính chính danh của đảng độc quyền, quan hệ với Trung Quốc và những vấn đề nhân quyền.
Truyền thông của người Việt hải ngoại được cho là giữ một vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ và truyền bá những tiếng nói độc lập của giới báo chí trong nước.
Từ khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng củng cố được quyền lực năm 2016 đến nay, đảng Cộng sản tăng cường khủng bố chống lại các nhà báo độc lập, đàn áp tất cả các sáng kiến báo chí của xã hội dân sự như truy tố và bắt giam các nhà báo thuộc nhóm Báo Sạch hoặc Hội Nhà báo Độc lập. Nhà báo Phạm Đoan Trang, được giải thưởng Tự do Báo chí của RSF năm 2019 và hiện bị án 9 năm tù trong nhà tù cộng sản là trường hợp nổi bật nhất về đàn áp báo chí ở Việt Nam.