Nước nhỏ không hẳn là hèn yếu, nước lớn nhưng dung tục kẻ cả và ngạo mạn không thể làm cho người khác kính trọng. Thậm chí, nước lớn nhưng luôn o ép, đàn áp ý chí, chính sách của nước nhỏ sẽ bị căm ghét và âm thầm chống đối là chuyện đương nhiên.
Câu chuyện cổ động viên Việt Nam mang hình “Hồ Chủ tịch” vào sân bóng đá SEA Games bị cảnh sát nước này nhắc nhở đang làm mạng xã hội nóng hừng hực bên cạnh cái nóng “trăm năm hiếm gặp” của Sài Gòn, là hậu quả cái “tôi” của bọn trẻ trâu được dung túng bởi những con trâu già hoài cổ.
Tính cách bầy đàn của cổ động viên Việt Nam khác xa với hooligan Anh quốc. Một bên là bạo loạn hằng sức mạnh cơ bắp, một bên là bạo động bằng ngôn ngữ và hình ảnh. Hooligan được khuyến khích bằng những nhóm vô lại dưới đáy xã hội, trong khi đó các nhóm cổ động viên Việt Nam được khuyến khích bởi báo chí và băng nhóm cực đoan trong xã hội lẫn chính quyền. Khi hô to “Việt Nam vô địch” cũng là lúc họ muốn cho nước chủ nhà biết được rằng có một nước Việt Nam trong khu vực xứng đáng là vô địch trong thể thao lẫn chính trị.
Đối với các nước giàu có thì hành vi này làm xấu cái sân bóng của họ nhưng đối với Campuchia thì rõ ràng chạm vào lòng tự tôn dân tộc của nước này. Khi mang “Hồ Chủ tịch” lên khán đài cũng là lúc nhắc nhở cho dân chúng Phnom Penh nhớ rằng Thủ tướng của họ từng là học trò xuất sắc của Hà Nội và cái tiềm thức chiến tranh mà hai nước từng tham dự sẽ không chịu nằm yên. Việt Nam không ngờ chính quyền Hun Sen mạnh tay như vậy và nhẫn nhục im lặng nuốt cục tức chờ ngày trả đũa.
Nhưng xem ra khó có cơ hội cho cái ngày ấy vì đất nước Angkor dưới thời của Hun Sen không chịu đứng im cho lân bang lèo lái. Giữa hai đồng minh Việt Nam và Trung Quốc Hun Sen không hề dại dột chọn ông bạn sát nách với thâm ý muốn cai trị mình bằng ý chí chính trị trong khi Trung Quốc lại hào phóng tung ra hết tỷ này sang tỷ khác để ôm Campuchia vào lòng. Bất kể Trung Quốc có bỏ tiền ra cho Hun Sen chơi đẹp trong lần SEA Games này hay không thì người ta cũng chứng kiến sự hoành tráng trong cung cách tổ chức và thể hiện được tầm nhìn của chính phủ nước này.
Đâu cần đến bây giờ các nước Đông Nam Á mới nhận ra ý chí vượt khó của Campuchia. Từ hơn hai thập niên qua, nỗ lực thay đổi đất nước đã được Hun Sen và những cộng sự với ông ta âm thầm thực hiện và nay thì kết quả đã hiện rõ, viễn kiến của họ đã được đền đáp. Trước nhất là giáo dục, Hun Sen nhận thấy nếu đi theo con đường mà Việt Nam đang đi thì đất nước sẽ muôn đời lẽo đẽo theo sau một cỗ xe già nua xộc xệch và trì kéo sự phát triển.
Mười năm trước, 2013, Hun Sen bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài chính Hang Chuon Naron làm Bộ trưởng Giáo dục và chỉ năm năm sau bộ mặt giáo dục của nước này hoàn toàn thay đổi. Từ việc bỏ hẳn chế độ thi cử rặt như Hà Nội luôn mua đề bán chỗ, Campuchia loại dần thói chạy chức chạy quyền, mua bằng mua ghế trong ngành giáo dục. Ít nhất đồng lương của mọi nhân viên giáo dục xứng đáng với công sức họ bỏ ra chỉ chăm chú vào việc giảng dạy chứ không bận tâm kiếm sống bằng cách dạy thêm hay móc ngoặc in ấn sách giáo khoa. Kỳ tích giáo dục dưới bàn tay của Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã giúp cho thế hệ trẻ nước này có một số vốn tri thức khác hẳn so với trước đó và từ cải cách giáo dục những cải cách khác mạnh mẽ làm khuôn mặt nước này đáng để Việt Nam nhìn lại chính mình.
Trong khi các nút giao thông của Việt Nam trì trệ vì việc chia chác hợp đồng xây dựng hạ tầng thì Campuchia hào phóng cho phép người dân sử dụng công lộ mà không đóng bất cứ thứ phí nào. Việc làm này có gây khó khăn cho ngân sách nhưng chặt đứt hẳn mối giao dịch bất minh dưới gầm bàn của chính quyền địa phương cũng như trong Bộ Giao thông. Những cổng BOT không hề xuất hiện giúp cho sự thông thương nhanh chóng, và quan trọng hơn, làm người dân tin rằng đồng tiền mà họ đóng thuế xứng đáng với mồ hôi công sức của họ để từ đó chính phủ kêu gọi việc gì thì người dân sẳn sàng đứng phía sau yểm trợ.
Không như Việt Nam, những chiếc BOT hầm hè dân chúng vẫn hiên ngang chặn dòng chảy kinh tế nhưng lại ngụy biện cho rằng công bằng và hợp lý. Người dân Campuchia chứng minh sự hài lòng của họ qua việc nông trang. Đất nước chưa bao giờ được chú ý tới nông nghiệp chỉ sau vài năm được Bộ Nông nghiệp nước này xắn quần xuống ruộng đã hiên ngang mang chiếc cúp vàng khi hạt gạo của họ được công nhận là ngon nhất thế giới vào năm ngoái.
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2022 tại Thái Lan đã vinh danh giống Phkar Rumdul với thương hiệu “Cambodia Angkor malys” của Campuchia là Gạo ngon nhất thế giới. Cuộc thi Gạo ngon này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới do tạp chí The Rice Trader tổ chức hàng năm, diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17 Tháng Mười Một tại Phuket, Thái Lan.
Trái với Việt Nam, những công ty xuất nhập khẩu chỉ chú trọng tới số lượng, không khuyến khích người nông dân trồng những giống đặc sản vì số lượng có lớn thì công ty trung gian mới dễ kiếm lời. Thực tế này bao năm qua vẫn đằng đẵng trong lòng người nông dân Việt.
Trong khi Việt Nam hãnh diện vì số tiến sĩ, giáo sư vượt mức thì Campuchia chỉ lẳng lặng đào tạo hay gửi đi nước ngoài học tập để tìm ra những con người kiến thức và khả năng thực sự. Trong khi các tiến sĩ, giáo sư Việt Nam bị tố cáo mua bằng nhưng Bộ Giáo dục nước này vẫn làm ngơ không truy cứu thì ngược lại Campuchia sẵn sàng làm rõ bằng cấp của bất cứ ai bị nghi ngờ hay tố cáo.
Câu chuyện người con trưởng của Hun Sen là Hun Manet từng tốt nghiệp West Point, học viện quân sự danh giá nhất thế giới của Mỹ, nhưng bị ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) hiện sống lưu vong, cáo buộc bằng cấp của tướng Hun Manet tại West Point là “tấm bằng nhờ vả”, một dạng bằng cấp hạng hai. Hun Sen ngay lập tức yêu cầu Học viện quân sự này xác minh công khai và kết quả cho thấy mảnh bằng mà Hun Manet kiếm được từ công sức của chính mình sau bốn năm học tại đây.
Tổng hợp lại những góc sáng của Campuchia không phải để tự ti nhưng nếu cách nhìn của Hà Nội về đất nước này thoáng hơn có lẽ kết quả cũng không đến nỗi trì trệ như bây giờ. Nếu nhà nước chấp nhận chặt hết vi cánh trong Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sau năm hay 10 năm, dứt khoát giáo dục Việt Nam không còn là nỗi đau của cả nước. Nếu Bộ Giao thông Vận tải được thay máu thì sẽ không còn tiếng than vãn đau khổ của những tài xế đường dài đang bỏ sức ra bồi đắp nền kinh tế nước nhà. Nếu Bộ Nông nghiệp tỉnh lại và chấp nhận không chạy theo thành tích thì người nông dân Việt Nam sẽ thảnh thơi thụ hưởng thành quả lao động của mình hơn là chạy theo bọn con buôn Trung Quốc để suy đoán trồng cây gì nuôi con gì như hàng chục năm qua.
Những cái “nếu” ấy có một thứ quan trọng nhất: Nếu Hà Nội chịu dùng chiếc gương của Phnom Penh để soi chiếu chính mình thì nhân dân chẳng cần nghe theo bọn phản động làm gì cho mất thời giờ lại mất luôn cả mạng!