Thay đồ xong, tôi bước ra thì mẹ tôi cũng đã hâm xong chén cơm độn với bo bo mà bà đã để dành cho tôi từ đêm hôm trước. Đưa nó cho tôi bà nói:
-Ăn cho đỡ đói, rồi đi học đi con!
Nuốt chén cơm độn được rưới chút nước mắm rẻ tiền pha với muối, tôi nghe nghẹn đắng cả lòng. Tôi biết phần cơm ấy là của mẹ tôi chiều hôm qua nhưng bà đã nhịn cho tôi có cái ăn sáng nay.
Ăn xong tôi ra khỏi nhà, lạch cạch đạp chiếc xe 650 cà tàng tới trường. Trên đường đi, đôi lúc tôi phải dừng lại, móc cục đá xanh to bằng nắm tay thủ sẵn trong balô đựng sách vở ra và dùng cạnh sắc của nó gõ mạnh vào cái líp xe bị trật “con chó” vài cái cho nó bình thường trở lại, rồi mới đạp tiếp được. Con chó đã “thôi sủa” từ lâu mà Hợp Tác Xã vẫn chưa có hàng về phân phối cho dân chúng.
Năm đó là cuối năm 1977, tôi đang học lớp 12 với muôn vàn khó khăn, đói khổ tràn lan. Một hôm, trong giờ học, trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, thầy Thích; dạy Văn và cũng là chủ nhiệm của lớp, cho biết thầy nhận lời với Ban Giám Hiệu trường là lớp sẽ chăm sóc mấy con heo trong phong trào thi đua “tăng gia sản xuất” mà trường vừa phát động sáng nay.
Rồi trưa một bữa, chúng tôi đang học vật lý thì có tiếng heo kêu eng éc rùm trời ở dưới sân, thằng Phú là con của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, ngồi cạnh tôi la lớn:
-Heo về! Heo của mình về rồi!
Nó vừa hô to, vừa cười khoái chí pha chút chế giễu, còn cô Tuyết đang giảng bài trên bục giảng thì ngẩn ngơ trước tình cảnh mà có lẽ trong đời đi dạy của cô chưa gặp bao giờ.
Sau khi thầy Thích phân công xong, tôi được xếp vào Tổ 4 gồm có năm đứa là tôi, với thằng Thảo; con của đại tá an ninh quân đội VNCH đang đi cải tạo ngoài Bắc, thằng Tài, thằng Phú và thằng Mạnh; bây giờ là bác sĩ. Mỗi chiều thứ tư trong tuần, chúng tôi sẽ vô trường rửa chuồng heo, tắm heo và cho heo ăn…
Chuồng heo được trường “phát huy sáng kiến” bằng cách ngăn khoảng sân xi măng trống khá rộng của căn tin (canteen) và cầu tiêu để nuôi năm, sáu con heo. Đối với bọn tôi, chuyện tắm heo, nuôi heo này là công việc mới mẻ, bởi từ nhỏ đến lớn chưa đứa nào biết việc này. Tuy nhiên vì là thiếu niên mới lớn, cả bọn đều còn trẻ, khỏe, nhanh nhẹn nên cũng không khó lắm. Và lúc tôi xịt nước cho thằng Phú xăng quần nhảy vào chuồng dùng bàn chải kỳ cọ cho con heo thì nó la “chí chóe” vì nhột, làm cả bọn khoái trá cười rú lên. Bên chuồng kia, thằng Thảo vừa rượt đuổi theo con heo vừa hò hét lúc nó bỏ chạy nom thật buồn cười. Thành thử giờ “lao động” buổi chiều của bọn tôi nhiều khi trở nên vui, do đó cũng đỡ bực bội hơn, mỗi khi phải đi làm chuyện “tào lao” nọ.
Chiều một hôm, khi từ trường trở về sau khi tắm và cho heo ăn xong, lúc bước vào nhà, tôi nghe mẹ nói:
-Thằng Tín mới tới kiếm con nữa đó.
-Vậy hả má? Tôi vừa hỏi vừa cởi chiếc áo ra máng lên mắc áo cho ráo mồ hôi để ngày mai đi học mặc tiếp, vì bây giờ tôi chỉ có hai cái áo thôi.
Mẹ tôi vói tay lấy tấm giấy đang để trên bàn đưa tôi rồi lên tiếng bằng giọng bực bội.
-Nó kêu con lên Ủy Ban Nhân Dân Phường họp vào 9 giờ sáng chủ nhật sắp tới này nè.
Tôi làu bàu:
-Gia tài có một ngày nghỉ mà cũng không được yên! Chắc cũng nói về ba cái chuyện đi “nghĩa vụ lao động” nữa chứ gì.
-Cái thằng quỷ này “chuyện nhà thì nhác mà chuyện chú bác” thì siêng!
Nhìn bà than phiền, mặt cau có, bực dọc mỗi khi nói tới thằng Tín làm tôi nhớ tới chuyện bà la nó lúc nó đi thu gom sách trong đợt “xóa bỏ văn hóa phẩm đồi trụy” trước đây. Ngày ấy nó lăng xăng theo “đóm ăn tàn,” hăng say đi gào thét mọi người nộp sách báo cho chúng đốt.
Khi vào nhà tôi, nó thấy mẹ tôi để riêng mấy quyển Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của giáo sư Dương Quảng Hàm do Trung Tâm Học Liệu của Bộ Giáo Dục vừa hiệu đính và xuất bản theo chương trình trung học cùng với những cuốn Luận Đề về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh dùng trong các kỳ thi trung học, Luận Đề Trần Tế Xương, Tản Luận Đề của Nguyễn Khuyến dùng trong các kỳ thi trung học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài… thì Tín kêu mẹ tôi đưa cho nó luôn, khiến bà giận dữ, trừng mắt nhìn Tín gằn giọng, làm nó hết hồn:
-Ba con và cô học từ mấy quyển sách này. Cũng nhờ nó mà ba con mới biết chữ dạy được con đó.
Theo lời mẹ tôi kể, ngày xưa nơi bà ở có ông Chín; bạn ông ngoại tôi, mở trường dạy học cho mấy đứa nhỏ trong vùng vì ông có bằng Thành Chung. Mẹ tôi được ông ngoại tôi đưa lại nhờ Thầy Chín dạy dỗ giùm. Tại đây mẹ tôi ngồi cạnh Năm Tèo là ba của Tín. Tuy nhỏ tuổi hơn mẹ tôi nhưng hồi nhỏ chị em học chung một lớp, vì trường làng của Thầy Chín chỉ có một phòng duy nhất. Lúc ấy bà cùng mấy đứa khác được Thầy Chín dạy bài thơ “Thu điếu” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến mà giờ đây mỗi khi nhắc lại là bà vẫn thuộc làu làu và đọc ro ro:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
…
Tuy nhiên sau đó, mẹ tôi cũng chia những cuốn sách kia ra thành nhiều phần nhỏ, bỏ vào bọc nylon, gói lại cẩn thận và giấu nhiều nơi như trong chuồng gà hay nhà bếp v.v…
Thời gian này chính quyền cộng sản áp dụng nhiều chính sách hà khắc, nghiệt ngã nhằm triệt đường sống của những thành phần một thời bị chúng xem là kẻ thù. Chúng lừa quân, cán, chính của VNCH đi học tập cải tạo mười ngày hay một tháng nhưng thực chất là gom lại bỏ tù dài hạn; đánh tư sản mại bản; quốc hữu hóa nhà máy hãng xưởng của tư nhân; buộc dân chúng phải đi vùng kinh tế mới; hồi hương, giãn dân nhằm lấy tài sản; bắt thanh niên nam nữ từ mười tám tuổi trở lên đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động hoặc thanh niên xung phong… khiến cho dân tình điêu đứng, xã hội hỗn mang, người người hoảng loạn.
Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, mẹ tôi cũng như tất cả các bà mẹ khác ở miền Nam trong những năm tháng đầu “giải phóng,” đã thay thế những người đàn ông đứng “đầu sóng, ngọn gió” để chống lại cường quyền mới, nhằm bảo vệ gia đình, con cái khi các ông sa cơ thất thế, với bao khó khăn đôi lúc tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Những người phụ nữ chân yếu tay mềm thuở xưa đã mạnh mẽ đương đầu với mọi sự vận động từ chiêu dụ, ve vãn đến hăm he dọa nạt của chính quyền địa phương, công an, hội phụ nữ… nhằm gìn giữ nhà cửa, ruộng đất cũng như bảo vệ con cháu mình. Họ như các con gà mái xù cánh cho con ẩn náu và sẵn sàng đá lại khi con bị lâm nguy hoặc bị bắt bớ, tấn công bất ngờ!
Trải qua bao nguy nan, những thân phận liễu yếu đào tơ, những mệnh phụ phu nhân ấy đã bất chấp nắng mưa, lặn lội sớm khuya buôn thúng bán bưng, khổ cực kiếm tiền, hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cuộc đời của riêng mình để thay chồng nuôi con khôn lớn lúc chồng lâm cảnh tù đày mà không hay tóc đã điểm sương, già theo năm tháng!
Thế cho nên ngày nay mỗi khi nói tới mẹ mình tôi đã không cầm được nước mắt hoặc khi tình cờ đọc mấy câu thơ của thi sĩ Lâm Hào Dũng:
Mẹ vẫn cứ mồ hôi trên áo vá
Đắp vồng khoai liếp cải nghĩ mênh mang
Chao ôi, chỉ cần nghe qua các câu thơ trên mà có người con hiếu thảo nào không chạnh lòng nhớ tới mẹ mình, nhớ nụ cười hiền từ, ánh mắt bao dung?
Mẹ! Tiếng kêu đầu đời của người con nghe sao thiết tha trìu mến. Tình mẹ thương con qua bao đời được ví như biển rộng, như tiếng sóng vỗ thì thầm ru con mỗi khi đêm về, như đồng lúa rì rào mênh mông xanh ngát những chiều ngoài nội. Ôi, mẹ là dòng suối mát, là con sông hiền hòa lặng lờ chảy mỗi khi chúng ta nghĩ về!
Mẹ, còn là tiếng kêu của nhọc nhằn cam chịu, của đợi mong, nhất là đối với các bà Mẹ Việt Nam; những bà mẹ của chiến tranh, của thời miền Nam sau năm 1975 khi bị cộng sản cưỡng chiếm!
Vì vậy, hằng năm cứ vào độ đông tàn xuân tới trên đất Mỹ này, mỗi cuối tháng tư đầu tháng năm, là lòng tôi lại buồn bã da diết khôn nguôi, những lúc nghĩ tới mẹ mình còn lại bên nhà.
Vào tuần lễ sắp tới “Mother’s day” khi người Mỹ tất bật mua sắm quà cáp hay tổ chức tiệc tùng tri ân người sinh ra mình là tôi lại bồi hồi. Nhớ tới đôi mắt ngóng trông buồn như mưa thu ở quê nhà của mẹ, nhớ tới cái dáng mẹ già đi đứng xiêu vẹo không còn mạnh mẽ như thuở nào là tôi lại cảm thấy như có ai lấy muôn ngàn dao nhọn đâm vào người mình. Cái cảm giác đau mà tôi cảm nhận được ở đây không phải là cái đau thể xác mà đó là cái đau ở tâm hồn.
Nhớ năm xưa khi tôi ra trại lao động với một hình hài đầy ghẻ chóc, mẹ tôi đã lặn lội thân cò lên tận núi rừng Đồng Phú để thăm tôi. Hôm ấy mọi tù nhân tất tả đi nhanh để mong sớm gặp người thân trong khi tôi lê từng bước chân đau nhói, cố lết theo sau. Và tôi đã nhìn thấy cái dáng dấp của mẹ trên đỉnh đồi, sốt ruột ngóng trông tôi. Rồi khi tôi lên đến nơi, mẹ tôi khóc hết nước mắt khi thấy thân hình quá bi thảm của tôi. Bà nghẹn ngào lúc tôi không cầm được cả cái muỗng khi hai lòng bàn tay lở lói, đầy máu mủ!
Mẹ đã lo lắng nuôi tôi lúc tôi tù tội thế mà giờ đây tôi chẳng phụng dưỡng được mẹ khi về già. Có lẽ chẳng có sự bất hạnh nào lớn hơn được cái đau của đứa con không chăm sóc được mẹ lúc bóng xế chiều tà, của đứa con xa không bới được bát cơm, rót được ly nước khi mẹ đói khát? Cái nỗi dằn vặt khốn khổ hơn ngàn lần dao đâm ấy lại càng to tát hơn khi nghĩ tới cảnh mẹ già đau yếu nằm chèo queo mà mình không mang cho mẹ được viên thuốc khiến cho tôi bần thần sớm tối đêm khuya!
Chẳng phải khi không mà nữ sĩ Nhã Ca đã thốt lên được:
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào như lệ rơi trên tay
trong bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ đó sao? Bởi chỉ có những người con khi muôn dặm xa mẹ rồi mới thấy được tình mẫu tử là thiêng liêng, mới thấy được rằng cái bóng tuy ốm yếu nhỏ nhoi kia của người mẹ lại là cả một bầu trời bao la để ta che nắng trú mưa không chỉ trong những ngày thơ dại mà cả suốt cuộc đời này dù đã lớn khôn.
Và chỉ với một mong muốn nhỏ nhoi như của Lâm Hào Dũng năm nào:
Con cũng muốn về thăm lại má
Thăm dòng sông Hậu nắng lưa thưa
Có cây dừa lão thân gầy quá
Đứng khóc theo mùa con nước đưa
Người mẹ của chúng ta, nhất là bà mẹ của những người con xa xứ cũng chính là bà Mẹ Việt Nam chung. Mẹ Việt Nam, bài tình ca của nỗi thống khổ! Bởi sau khi tàn cuộc chiến thì những tưởng mọi gia đình sẽ được đoàn viên sum họp, nhưng không! Bao chia ly đầy đau thương tang tóc vẫn xảy ra, thậm chí còn tàn bạo hơn cả thời chiến trên khắp mọi miền đất nước. Đâu đâu người ta cũng thấy nhà tù, trại giam. Tiếng rên rỉ, oán than nhan nhản khắp nơi, màu đen của chết chóc phủ trùm xã hội.
Trong hoàn cảnh lịch sử oan nghiệt này, người vợ, người mẹ Việt Nam đã gạt nước mắt, nuốt niềm đau để đứng lên trên đôi chân run rẩy yếu mềm của chính mình để nuôi chồng, lo con, lo cho sự tồn vong của gia đình nhỏ bé trước cơn giông bão. Họ phải tiễn chồng lên đường đi cải tạo, phải dứt núm ruột để ngậm ngùi đưa con ra biển tìm tự do mà trong đó cái rủi nhiều hơn cái may. Chín phần chết chỉ có một phần sống!
Rồi giờ đây bà mẹ Việt Nam lại tơi tả, rách nát. Rừng đã hết vàng! Biển đã sạch bạc! Vì đâu nên nỗi?
Năm 2016, tôi trở về Việt Nam chịu tang mẹ. Trong những ngày ở nhà, tình cờ tôi tìm lại được những cuốn sách văn học quý giá mà ngày xưa mẹ tôi đã cố gắng giấu. Tôi vô cùng xúc động, vì nhờ mẹ đã can đảm gìn giữ chúng như gìn giữ cái nền văn hóa của dân tộc, của Việt Nam Cộng Hòa để tôi còn có chúng cho đến hôm nay. Và khi trở lại Hoa Kỳ tôi đã trân quý, nâng niu mang các quyển này theo. Tôi đã cất những cuốn thi ca này trong giỏ xách cá nhân và ôm kè kè theo lên máy bay mà quyết không để chúng mất lần nào nữa. Tôi mang chúng ra đi như mang theo cái hồn của dân tộc, vì văn học Việt Nam trước 1975 còn thì đất nước Việt Nam còn!
Cám ơn mẹ đã một đời vất vả vì con như thi sĩ Hồ Dzếnh đã từng thiết tha rên rỉ:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ “hy sinh” có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi
_______
Ohio, mùa Mother’s Day 2023