Mới đây, trên một diễn đàn lớn về xe cộ, thành viên Trung Nam Đỗ chia sẻ hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 Phi trường Quốc tế Nội Bài vào ngày 19 Tháng Năm. Tờ hóa đơn nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, làm bà con sắp có chuyến ra ngoại quốc thực sự… bàng hoàng.
Trong đó ghi rõ lắm, 3 tô phở bò tái có giá $29.4 (tương đương 690,000 đồng), 1 tô phở bò chín: $8.7 (tương đương 204,000 đồng), 1 ly trà đá: $4.5 (tương đương 105,000 đồng), 2 ly cà phê đen đá: $13.2 (tương đương 310,000 đồng), 1 ly nước cam $6.7 USD (tương đương 157,000 đồng). Tổng số tiền phải trả cho hóa đơn trên là $62.5 (tương đương gần 1.5 triệu VN đồng).
Ông Cả Thọt nhìn hình tờ hóa đơn mà run cầm cập, vì sắp tới ông được thằng con bên Mẽo bảo lãnh qua thăm cháu “đít tôm”. Ông nói: “Bỏ ra hơn nghìn đô mua cái vé máy bay thăm thắng cháu đích tôn không tiếc, nhìn cái hóa đơn này lại không dám ăn. Sao tụi nó có thể ‘chém’ khách hàng đến thế!”
Ông nhẩm tính, tô phở bò ở ngoài mắc nhất chừng 70,000 đồng, ly cà phê đen đá tầm 30,000 đồng,… Ly trà đá mắc lắm cũng chỉ chừng 5,000 đồng thôi, thế mà trong phi trường, chúng có ‘chém’ tới 105,000 đồng, cao hơn 20 lần. “Tiên sư bố chúng nó! Chúng nó xem môn bài như ‘ỷ thiên kiếm’, tha hồ ‘chặt chém’ chắc!”
Chẳng phải chỉ có ông Cả Thọt, người cả đời mới đi ra nước ngoài một lần, ca thán như thế, mà ngay cả người ra ngoại quốc như đi chợ cũng ngạc nhiên khi thấy “ở phi trường Việt Nam họ chém kinh thật”.
Còn người thừa kinh nghiệm du lịch thì nói: “Đừng thắc mắc làm gì khi ăn ở đó”, và cho biết thêm: “Có lần tôi mua một trái dừa trong đó giá tới 7 đô la Mỹ, cao hơn 10 lần bên ngoài. Từ đó, chẳng bao giờ mắc sai lầm lần nữa”.
Cũng có người vì “sĩ diện”, nên “cắn răng, bóp hầu bao” trả tiền: “Có lần tôi lấy một que kem trong tủ đông ra ngoài tính tiền. Cô nhân viên nói 400,000 đồng một cây. Tôi trợn tròn mắt, tính mang trả lại tủ đông, nhưng thấy kỳ quá nên… thôi. Ăn que kem đó như ăn trái đắng”.
Tuy nhiên, một số người cho rằng mức giá đó là “hợp lý” vì tiền thuê mặt bằng tại sân bay đắt đỏ. Tài khoản Briar Rose cho biết vì họ thuê mặt bằng $30-40/m2/tháng mà không phải ai cũng thuê được nên giá cao là đương nhiên, chưa kể nhân viên đi làm di chuyển xa, làm ca đêm, chuyên chở hàng hoá nguyên vật liệu ra vào khu cách ly rất phiền phức.
Ừ thì cứ cho là điều đó đúng, họ có quyền nâng giá, nhưng điều làm mọi người tức giận như bị lừa, vì không được báo trước. Chẳng ai biết giá cả mắc như thế nào cho đến khi… tính tiền.
Ở phi trường các nước khác, giá cả đều được niêm yết công khai, ai đồng ý thì mua, không thì thôi. Họ văn minh như thế, nên cho dù khách biết là mắc hơn ngoài thật đấy, nhưng chẳng ai phiền lòng.
Vấn đề ở chỗ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại các phi trường quốc tế ở Việt Nam không tương xứng với giá tiền. Do đó, việc người tiêu dùng nói họ bị “chặt chém” là có lý do. Trước đây, chuyện “mì chém”, “phở chặt” ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài vẫn thường xuyên diễn ra, khiến không ít thực khách lắc đầu ngao ngán về giá cả cũng như dịch vụ ăn uống ở các phi trường.
Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần mở các đợt rà soát giá dịch vụ phi hàng không tại các phi trường hay áp giá trần cho những dịch vụ phi hàng không ở phi trường, nhưng câu chuyện về bát phở hay tô mì tôm,… giá cao ngất ngưởng vẫn diễn ra.
Chính điều này làm nhiều người nghĩ rằng Cục Hàng không Việt Nam không thật tâm chấn chỉnh việc này, vì mỗi tháng, những cửa hàng “chặt chém” đó ngoài chuyện đóng tiền thuê mướn mặt bằng cao ngất ngưởng, họ còn phải làm thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) đối với lãnh đạo phi trường, để “chừa chỗ cho họ chặt chém”.