Dư luận trong nước và quốc tế đang quan tâm mật độ dày đặc các hoạt động ngoại giao của nhà cầm quyền Việt Nam trong bối cảnh thay đổi về địa chính trị khu vực và toàn cầu. Ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật làm khách mời hội nghị mở rộng các nước thuộc khối G7, cùng lúc với chuyến công du của Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga tới Hà Nội.
Cùng lúc, Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm phạm, khảo sát, cấm biển và thách thức chủ quyền lãnh hải Việt Nam khi gửi tàu huấn luyện Thích Kế Quang thăm “hữu nghị” Đà Nẵng từ ngày 23 đến ngày 25 Tháng Năm. Trước đó, Ấn Độ cũng đưa khu trục hạm tên lửa dẫn đường INS Delhi ghé cảng Tiên Sa ngày 19 tháng Năm. Giờ đây, không chỉ Đài Loan, Việt Nam cũng là chiến địa không tiếng súng giữa các đại cường.
Hình ảnh cái bắt tay thân mật của Phạm Minh Chính với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Hội nghị G7 tại Nhật cho người dân thấy một gương mặt khác của Hà Nội đằng sau bốn lần Việt Nam bỏ phiếu trắng, một lần bỏ phiếu chống tại Đại hội đồng LHQ khi LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án cuộc chiến của Putin. Nhưng chỉ ngay hôm sau, hôm 22 tháng Năm, cũng “mặt sắt đen xì”, cũng với điệu cười bợ đỡ, cầu tài, Phạm Minh Chính lại hớn hở tiếp đón Dmitry Medvedev – kẻ có những phát ngôn khát máu, nhiều lần dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để xóa sổ Ukraine và nhấn chìm nước Anh bằng ngư lôi…
Thông điệp mà TASS và Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về chuyến đi của Medvedev tới Hà Nội rất trái ngược nhau, cũng không đả động gì tới cuộc chiến ở Ukraine. Một số nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã đưa ra giả định về một vai trò trung gian hòa đàm của Hà Nội giữa Nga và Ukraine. Nhà báo Lưu Trọng Văn viết:
“Nga đã cảm thấy không thể tin Trung Quốc và vai trò trung gian của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine vì Trung Quốc thể hiện lợi dụng chiến tranh của Nga để mưu toan giành những địa bàn bị ảnh hưởng của Nga đồng thời Trung Quốc cũng không được Mỹ và EU tin cẩn. Nga tính đường dây khác. Đó là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến (khả năng) “Việt Nam sẵn sàng tham gia tác động đến tiến trình hoà bình ở Ukraine.”
Và đó là lý do chính (khiến) Medvedev, con diều hâu, phải xuất kích đến Hà Nội. Tổng thống Zelensky cũng như các cường quốc G7 có khả năng cũng tiên đoán được tình huống này như Tổng thống Trump đã hẹn gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội. Phải chăng vì vậy Tổng thống Zelensky vui vẻ bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp G7 lên án Nga xâm lược Ukraine?… Nếu vậy sau hội đàm công khai giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Medvedev sẽ là các cuộc họp kín mà chủ đề chính là cuộc hoà đàm tương lai giữa Nga và Ukraine để tháo ngòi nổ cuộc chiến đẫm máu này”.
Liệu rằng, có một cuộc gặp tương tự Donald Trump gặp Kim Jong Un ở Hà Nội? Theo ý kiến của người viết thì điều này quá lãng mạn. Hà Nội đã tổ chức tốt một cuộc trình diễn chính trị cho Donald Trump để đánh bóng tên tuổi. Còn đối với Ukraine, Hà Nội chẳng có tư cách gì để làm trung gian hòa đàm. Việc nhận định Việt Nam có thể đứng ra giúp dàn xếp cuộc xung đột Nga-Ukraine chẳng khác gì màn “nâng bi” Hà Nội một cách lố bịch và chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về chính trị thế giới. Tương lai Ukraine và cuộc chiến của Nga ở quốc gia này nằm ở phương Tây, ở Mỹ và EU, chứ không phải ở châu Á và càng không phải ở Việt Nam!
Với Việt Nam, có một thực tế là “ốc còn chưa mang nổi mình ốc”, làm sao có thể “mang cọc cho rêu?” Bộ Tài chính vừa báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm. Theo đó, cả nước giải ngân được 110.663 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân đạt 14,6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước có tới 47 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%. Một số bộ ngành giải ngân với tốc độ “rùa” trong đó Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 0,25%; Bộ Giáo dục và Đào tạo giải ngân 1,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ 3,45%…
Tăng trưởng của nền kinh tế luôn dựa trên sản xuất, tiêu dùng và đầu tư. Nhưng xuất khẩu Việt Nam đang giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với trung tâm công nghiệp và thương mại Sài Gòn, xuất khẩu giảm thậm chí 22%, thấp nhất trong 22 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng mặt và có thể dễ dàng nhận thấy hiệu ứng đổ domino ở các ngành nghề bán lẻ và dịch vụ đang diễn ra khốc liệt ở các “mặt tiền trung tâm” của nền kinh tế như Sài Gòn hoặc Đà Nẵng.
Hàng loạt ngân hàng thương mại Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản, bội thực với núi sổ đỏ; các dự án bất động sản có trị giá hàng chục tỷ đôla không “tiêu hóa” được, cùng khoảng $30 tỷ (Mỹ kim) trái phiếu doanh nghiệp mà phần nhiều là những tờ giấy lộn “3 Không – Không tài sản đảm bảo, Không xếp hạng tín nhiệm và Không bảo lãnh thanh toán” sắp tới kỳ đáo hạn.
Mới đây, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau, đã phát biểu (trích nguyên văn vài ý chính):
-… Chỉ trong ngày 23 Tháng Năm, sau ngày Quốc Hội khai mạc một hôm, Trung tâm dịch vụ việc làm của Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp, đăng ký thất nghiệp, buồn lắm, mà động lực của phát triển công nghiệp ở phía Nam, cực tăng trưởng là Đồng Nai, Bình Dương …”
-… Một loạt doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió không được tiếp nhận sản phẩm đưa vào hòa mạng. Chúng ta thừa điện, có những doanh nghiệp phải đóng cửa, chạy như thế để cho duy trì kỹ thuật, nhưng không hòa mạng được, lãng phí như thế ai chịu trách nhiệm? Gần đây, mới hôm qua, báo Dân Trí và nhiều báo đăng, chúng ta xác định lâu dài là nhập khẩu điện từ Trung Quốc, và nhập cả Lào nữa…
-… Một bà ở chợ Bến Thành nói rằng có những giai đoạn hai tuần liền không bán được một mẩu hàng nào cả, như vậy là cái cầu trong nước rất là giảm; cầu trong nước giảm do khó khăn, ta phải thắt lưng buộc bụng chi tiêu, tiền thuê nhà công nhân không có, lương thì không có, doanh nghiệp thì nợ, thế thì lấy đâu ra chi phí cho sinh hoạt và tiêu dùng chắt chiu như vậy. Trong khi đó, các dự án về cổng chào, về tượng đài vẫn diễn ra, mà tôi không biết là xây dựng tượng đài trong lúc dân thì khó khăn, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi thôn cùng ngỏ hẽm, đói kém như vậy, thì xây dựng tượng đài để ca ngợi cái gì?
-… Vấn đề nội tại của chúng ta là một loạt vấn đề, mà tôi nói gốc rễ là cán bộ, từ cán bộ ra hết, chất lượng thể chế đã kém rồi, chất lượng cán bộ càng kém hơn, đấy là gốc rễ của nội tại…
(Hết trích)
Việt Nam, rõ ràng, đang khó khăn muôn vàn; và Hà Nội đang nỗ lực tìm chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế suy yếu và cả sự hỗ trợ về an ninh từ các nước phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ. Trước đây, Hà Nội dựa vào Nga để trấn áp tham vọng và yêu sách quá đáng của Trung Quốc. Nhưng khi thế lực Nga ở Biển Đông không còn, chế độ cộng sản Việt Nam cần có sự ủng hộ từ Tây phương nếu không muốn bị nuốt chửng bởi con rồng Trung Hoa.
Tháng Sáu tới đây, nếu không có gì thay đổi, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Đà Nẵng. Vài năm qua, những hàng không mẫu hạm, biểu trưng cho sức mạnh Hoa Kỳ, đã quay trở lại vùng biển Việt Nam. Dù một “bộ phận không nhỏ” giới chức Ba Đình không chào đón, song tình thế đối diện với một cuộc khủng hoảng kép cả về chính trị lẫn kinh tế, an ninh quốc gia bị đe dọa, những thách thức hiện nay hoàn toàn nằm ngoài khả năng của hệ thống cầm quyền Việt Nam.
Thứ đáng giá nhất mà Việt Nam sở hữu bây giờ là một thứ “vốn tự có”: Địa lý. Liệu Việt Nam có lựa chọn chiến lược giống như Philippines đang theo đuổi khi cùng lúc mở năm căn cứ quân sự cho Hoa Kỳ sử dụng? Trong bối cảnh như vậy, “cây tre” Việt Nam nếu không muốn bị bẽ gãy bởi đám cuồng phong phương Bắc thổi tới thì phải biết cúi đầu trước bọn “tư bản giãy chết” Tây phương mới có thể mong cầu được sự tồn vong của thể chế.