Nhiều cặp vợ chồng sử dụng các ứng dụng cài trong điện thoại thông minh để theo dõi nhau. Thường thì họ tự nguyện chia sẻ vị trí, cung cấp cho “nửa” kia cửa sổ nhìn vào chuyến đi của mình, kể cả đi đến mua sắm tại Target hoặc uống café tại Starbucks. Nhưng trong nhiều trường hợp, có những chuyện “dở khóc dở cười”.
Theo dõi mọi lúc mọi nơi
Nhiều cặp vợ chồng hoặc chưa kết hôn thú nhận họ làm như thế chủ yếu là vì sự an toàn của người kia. Một số xem đây là cách để chuẩn bị bữa tối kịp thời khi người kia đi làm về. Số khác thấy nó thuận tiện vì đỡ mất thời gian so với nhắn tin, gọi điện. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng lại nghĩ, việc cho phép người này theo dõi người kia (dù là tự nguyện hay cưỡng bức) đều là ý tưởng… điên rồ! Họ lập luận: “Bản thân việc theo dõi đã là một vấn đề không thể chấp nhận!”.
Một số nhà tư vấn hôn nhân xem việc lạm dụng các ứng dụng theo dõi là “không lành mạnh” trong cuộc sống vợ chồng. Một người nói: “Hôn nhân cũng cần một chút tự do và bí ẩn cá nhân chứ không nên công khai tất cả?”. Nhưng nhiều người xem đó là chuyện bình thường. “Nếu bạn không có gì để che giấu” – Lori Lyons, giáo viên tại một trường tư thục gần New Orleans nói. Trong bài báo mới đây, Wall Street Journal thuật lại một số trường hợp.
Lori Lyons cho biết, chồng cô – Marty Luquet – nổi tiếng không thích trả lời điện thoại nên chị sẽ dễ dàng biết anh đang ở đâu thông qua ứng dụng theo dõi Life360. Luquet làm huấn luyện viên trưởng đội bóng chày cùng trường. Khi vận động viên hoặc quản trị viên cần gặp anh, họ thường tìm đến… người vợ! Lyons sẽ mở ứng dụng và báo lại. Luquet thừa nhận: “Tôi rất ngại trả lời điện thoại”. Trước đây, Luquet cũng kiểm tra vợ mình khi chị đi xa nhà với tư cách nhà báo thể thao, nhưng nay không anh không làm thế nữa. “Không theo dõi vợ nhưng tôi thấy không có vấn đề gì nếu cô ấy vẫn theo dõi tôi. Khi không có gì để che giấu, bạn không có gì phải lo!”
Có nhiều cách để theo dõi nhau. Bạn có thể gắn thẻ AirTags vào chìa khóa và ví để xác định vị trí của người mang nó xem có đến những nơi… bất thường không. Cũng có ứng dụng để cha mẹ biết con cái có lái xe quá tốc độ không. Các nhóm bạn tuổi teen tìm thấy nhau dễ dàng nhờ Bản đồ Snap (Snap Map) của Snapchat. Nhưng sự tiện lợi có thể phải trả giá bằng mất quyền riêng tư và gây căng thẳng không cần thiết. Một số người thực sự có điều gì đó cần che giấu.
Một phụ nữ cho biết chị phát hiện người chồng lừa dối mình khi ứng dụng Life360 tiết lộ anh ta dừng lại khá lâu ở những địa điểm không có lý do chính đáng để đến. Bị chất vấn, người chồng thú nhận và hệ quả là họ sắp ly hôn. Ứng dụng theo dõi cũng cung cấp cho người kia quyền kiểm soát khi mối quan hệ của hai người không còn êm ả. Lúc đó nó trở thành trò chơi gián điệp. Traci Ruble, một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở thành phố San Francisco, nói: “Việc theo dõi người bạn đời không mang lại nhiều điều tích cực. Một mối quan hệ lành mạnh cần có sự riêng tư lành mạnh. Biết mọi đường đi nước bước của người kia là một cách giết chết tình yêu và đam mê. Đam mê giữa hai người bắt nguồn từ sự mới lạ và cách biệt”.
Hậu quả khó lường
Vào Tháng Tư, 2022, Ken White muốn tạo bất ngờ cho vợ bằng cách mua tặng chị một số đồ trang sức nhân kỷ niệm 25 năm ngày cưới. Ra khỏi văn phòng luật ở trung tâm thành phố Los Angeles anh đi bộ đến khu trang sức gần đó, nhưng để lại iPhone và Apple Watch. Cặp đôi thường chia sẻ vị trí cũng như các số liệu về tập luyện, nhưng một cuộc đi bộ dài một dặm vào buổi trưa sẽ khiến người vợ cảm thấy…kỳ lạ và nghi ngờ. “Vì vậy, tôi phải để lại hoàn toàn các thiết bị điện tử ở văn phòng. Giống như một màn đánh lừa, nhưng tôi thấy đây là cách tốt nhất để tránh hiểu lầm”.
Wall Street Journal kể thêm, trong nhiều trường hợp, việc theo dõi có thể dẫn đến các hệ quả khác, đặc biệt là khi công nghệ không hoạt động hoàn hảo. Vài năm trước, khi xe của Ronit Boyd gặp sự cố về bộ phận thắng trên đường cao tốc New Jersey, chị hoảng hốt gọi điện cho chồng (giám đốc điều hành công nghệ tại công ty Dow Jones lúc đó). Không nghe trả lời nên chị dừng xe, thử lại. Vẫn không có gì! Ứng dụng Find My của Apple cho thấy người chồng đang ở một khách sạn gần văn phòng của mình ở Midtown Manhattan.
Boyd nhớ lại: “Cảm xúc của tôi vượt khỏi tầm kiểm soát và tôi bắt đầu phát hoảng. Anh ấy làm gì ở khách sạn giữa ban ngày thế? Lúc đó đầu óc tôi chỉ còn nghĩ đến những thứ điên rồ!”. Sau đó người chồng giải thích anh bận họp ở văn phòng chứ không phải ở khách sạn! Hoá ra, ứng dụng Find My không phải lúc nào cũng hiển thị vị trí chính xác.
Jen Campbell ở New Albany, Ohio, nhớ lại khi người chồng cố gắng tìm chị trong chuyến đạp xe từ thiện 50 dặm. Anh dừng lại để chờ vợ khi họ bị tách ra. Find My báo người vợ ở ngay phía sau, vì vậy anh đứng đợi. Không thấy, anh quay xe lại tìm. Ứng dụng vẫn báo người vợ ở ngay sau anh. Hoá ra, chiếc điện thoại của vợ nằm trong túi anh từ lúc nào! Một tình huống tréo ngoe nữa là khi người kia chỉ địa điểm gặp người này thì lại đến nhầm địa điểm khác.
Heather Houze ở Atlanta cho biết chồng chị thường dựa vào Find My để tìm vợ tại các sự kiện thể thao của con cái. Sau khi anh đi nhầm địa điểm nhiều lần, họ chuyển sang dùng cách liên lạc kiểu cũ: Gọi điện thay vì dùng ứng dụng. Houze nhớ có lần chồng gọi điện hỏi chị chuyện gì đó và chị nói sẽ gọi lại cho anh lúc về đến nhà. “Chồng tôi hỏi: nhưng em đang ở nhà mà!” (trên thực tế, chị đang ở Walmart). Rắc rối xảy ra khi Apple Watch của tôi ở một nơi và iPhone của tôi ở một nơi khác. Nếu chúng tôi không sống chung 30 năm để đủ tin nhau thì những trục trặc công nghệ như thế đã đủ để gây ra vấn đề lớn trong quan hệ!”.