Ukraine và các đồng minh đã lên kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình không có Nga. Kyiv được sự ủng hộ mạnh mẽ của châu Âu cho một hội nghị diễn ra trước hội nghị NATO vào Tháng Bảy tới..
Một hội nghị thượng đỉnh thiếu Nga
Ngày 30 Tháng Năm, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ với tờ Wall Street Journal, Ukraine và các đồng minh đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo toàn cầu trừ Nga để thu hút thêm sự ủng hộ đối với các điều kiện của Kyiv về việc chấm dứt chiến tranh.
Các kế hoạch dù còn ở dạng phác thảo đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các lãnh đạo châu Âu (kể cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron), những người đang vận động hành lang để các quốc gia đứng về phía Nga hoặc từ chối tham chiến sẽ cùng tham gia. Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, cho biết:
“Chúng tôi yêu cầu một kế hoạch thống nhất của thế giới văn minh có trách nhiệm, những người thực sự muốn sống trong hòa bình. Các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga là không thể khi quân đội của họ vẫn còn trong lãnh thổ của chúng tôi. Ukraine sẽ không thỏa hiệp về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Tiến trình hoà bình không thể thực hiện được nếu không có sự tham dự của cả thế giới, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Nam bán cầu. Ukraine sẵn sàng đối thoại với tất cả các quốc gia và lắng nghe ý kiến của họ, gồm cả Trung Quốc và Brazil, những nước đã có đại diện đến thăm Ukraine trong tháng này”.
Các quan chức châu Âu hiện hợp tác với Kyiv để điều chỉnh lại kế hoạch hòa bình 10 điểm của Ukraine để kế hoạch này dễ chấp nhận hơn đối với các cường quốc có ảnh hưởng như Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Trung Quốc.
Kế hoạch hòa bình 10 điểm của Zelensky kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với phần lãnh thổ bị Nga chiếm, trao trả tù nhân chiến tranh, truy tố tội phạm chiến tranh, giải quyết an toàn hạt nhân đang gặp nguy hiểm tại một nhà máy điện hạt nhân và tăng cường an ninh lương thực bằng cách bảo vệ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo hàng đầu khác của NATO sẽ được mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh hy vọng diễn ra ngay trước Hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO bắt đầu vào ngày 11 Tháng Bảy tại Vilnius, Litva để hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và tăng cường mối quan hệ NATO-Ukraine trong tương lai.
Đầu năm nay Tổng thống Zelensky đã yêu cầu Tổng thống Pháp Macron giúp ông tiếp cận với các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình của Trung Quốc. Các cuộc đàm phán sau đó đã biến thành kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng định và Macron đề nghị tổ chức ở Paris. Đan Mạch và Thụy Điển cũng muốn là nước chủ nhà. Chưa có danh sách rõ ràng các bên tham dự, nhưng một số quan chức châu Âu đã đến thủ đô của các cường quốc thế giới trong những tuần gần đây để vận động Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia ngoài phương Tây khác tham gia.
Họ hy vọng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị, nhưng không chắc lắm về ông Tập. Modi đã có lúc bày tỏ mối lo ngại về chiến tranh, còn Tập Cận Bình đã gặp Vladimir Putin nhiều lần kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu nhưng phải mất hơn một năm ông mới gọi điện cho Zelensky sau khi Macron đến thăm Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh quan hệ đối tác toàn diện với Nga và với cá nhân Putin. Đầu tháng này, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã cử cựu Ngoại trưởng Celso Amorim tới Kyiv và Moscow để đàm phán, nhưng ông không gặp Zelensky tại Nhật Bản khi cả hai tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 trong Tháng Năm.
Có thể kỳ vọng gì?
Gần đây, Tổng thống Zelensky đã đến dự một hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả-rập, trong khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đi thăm các nước châu Phi. Nỗ lực tổ chức hội nghị thượng đỉnh của phương Tây diễn ra trong bối cảnh các quốc gia có quan hệ gần gũi hơn với Nga đang tìm cách đi đầu trong công tác ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.
Cả Brazil và Trung Quốc đã cử đặc phái viên hòa bình đến Moscow và các thủ đô châu Âu để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh dù cả hai đều không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga và đều ủng hộ một lệnh ngừng bắn nhanh chóng. Giới chức châu Âu đặt mục tiêu rằng các cuộc đàm phán trong tương lai phải lấy kế hoạch của Kyiv làm điểm tham chiếu.
Thời điểm tổ chức hội nghị trước cuộc họp của NATO sẽ gửi tín hiệu đến phần còn lại của thế giới rằng dù châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, họ cũng đang tìm kiếm các giải pháp hoà bình cho một cuộc xung đột mà tác động kinh tế của nó đã gây tổn hại cho phần lớn thế giới đang phát triển.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, ý tưởng về hội nghị thượng đỉnh ban đầu được ấp ủ trong cuộc trò chuyện giữa Macron và Zelensky ở Paris vào Tháng Hai, khi nhà lãnh đạo Pháp thúc ép người đồng cấp Ukraine chấp nhận thực tế là, cuối cùng phải có cuộc đàm phán với Kremlin. Macron nêu vấn đề này với Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây. Ý tưởng về hội nghị Ukraine cũng được đưa ra tại cuộc họp tháng này của các nhà lãnh đạo tại hội nghị của Nhóm G7 tại Nhật Bản. Đầu tuần này Zelensky đã nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Tuyên bố của Đức cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ giữ liên lạc chặt chẽ “nhằm vận động sự ủng hộ toàn cầu cho một giải pháp hòa bình”.
Ukraine đã nhiều lần nói họ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống Nga trừ khi Moscow sẵn sàng tham gia kế hoạch hòa bình. Họ cũng bác bỏ lệnh ngừng bắn tạm thời, và kêu gọi các lực lượng Nga rút lui trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Đáp lại, Nga cho biết sẵn sàng đàm phán hòa bình nhưng với điều kiện Ukraine phải chính thức công nhận các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập thuộc chủ quyền của Moscow. Dù cuộc đưa tìm kiếm hoà bình đang tăng tốc, nhưng giới chức Mỹ cho rằng khả năng có một đột phá ý nghĩa dẫn đến ngưng bắn tại Ukraine trước cuối năm nay là rất thấp.