Từ cách chúng ta mua sắm và làm việc đến cách chúng ta kết nối với nhau, đại dịch COVID-19 có vai trò rất lớn trong việc buộc chúng ta phải làm quen với một số công nghệ chính. Cuộc sống sẽ không quay trở lại như cũ mà một số thói quen thời đại dịch đã trở thành bình thường.
Nhiều người đã bước vào thời đại có thể được gọi là kỷ nguyên “kết hợp” của các tiện ích dựa trên công nghệ, trong đó những hành vi và thói quen sống được điều chỉnh để phản ánh sự cân bằng mới giữa chi phí với thời gian và công sức. Ví dụ, việc đặt đồ ăn từ các ứng dụng đã phổ biến hơn bao giờ hết. Ngày càng có nhiều người chọn tiết kiệm cho mình một vài đôla bằng cách này.
Ý nghĩa của những thay đổi xung quanh chúng ta là minh chứng cho sự thay đổi sâu sắc đối với nhiều bộ phận trong nền kinh tế. Nói một cách dễ hiểu như một nhà tâm lý học xã hội: “Thói quen khó hình thành nhưng cũng khó dập tắt”. Nhiều người nghiên cứu các công nghệ mới đồng ý, đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng chúng sớm hơn năm năm, thậm chí 10 năm. Wall Street Journal liệt kê một số thói quen đã hình thành từ sau đại dịch.
1.Đặt thức ăn đồ uống trên mạng
Nhiều người nghĩ rằng, khi ngày càng có nhiều người quay lại văn phòng và ra khỏi nhà, thì xu hướng đặt mọi thứ chúng ta ăn và uống qua điện thoại trong đại dịch sẽ giảm. Nhưng hoàn toàn không phải thế. Người ta đang đặt thực ăn qua các ứng dụng nhiều hơn bao giờ hết. Dorothy Calba, nhà phân tích nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International nhận định: “Trước đây chỉ đặt bữa tối hay bữa trưa, nay bổ sung thêm bữa sáng, đồ ăn nhẹ và cà phê”. Starbucks là ví dụ điển hình. Tính đến quý gần đây nhất, 28% tổng số giao dịch tại các cửa hàng Starbucks ở Mỹ được thực hiện trên thiết bị di động. Chỉ 26% doanh số bán hàng tại Starbucks diễn ra theo cách cũ: đến quầy và giao tiếp bằng mắt với người bán.
2.Không đến phòng tập thể dục và tập ở nhà
Hết đại dịch, chúng ta lại trả tiền cho phòng tập thể dục một lần nữa nhưng nhiều người cũng chuyển sang tập luyện tại nhà hoặc ít nhất là mua thiết bị và đăng ký dựa trên ứng dụng để làm như thế. Davide Calzoni, chuyên gia tư vấn tại Euromonitor International giải thích: “Thể dục đã trở thành một trải nghiệm đa kênh. Nhiều khách hàng áp dụng lịch tập thể dục kết hợp giữa đến phòng tập và tập luyện tại nhà”. Khi đại dịch qua đi, doanh số bán xe đạp của hãng Peloton sụt giảm, dẫn đến thua lỗ lớn và phải tổ chức lại công ty.
Tuy nhiên, số người tập thể dục thông qua thiết bị thể dục được kết nối (hoặc chỉ qua các lớp học phát trực tuyến trên thiết bị di động) vẫn tiếp tục tăng. Ngay trước khi xảy ra đại dịch, Peloton báo cáo có 712,000 người Mỹ đăng ký, nay đã có 3,1 triệu người. Nhìn chung, số người trưởng thành Mỹ sử dụng một số loại dịch vụ thể dục được kết nối dự kiến sẽ tăng từ 24 triệu vào năm 2019 lên 44,5 triệu vào cuối năm nay (theo eMarketer). Khi một người chịu trả $1,500 trở lên cho một thiết bị công nghệ thể dục tại nhà, họ hiếm khi bỏ tập. Dù Peloton là công ty lớn nhất về thiết bị thể dục kết nối, nhưng đã có cạnh tranh. Từ Tháng Mười, 2022, dịch vụ Fitness+ của Apple được mở cho bất kỳ ai có iPhone hoặc iPad chứ không chỉ cho chủ sở hữu Apple Watch.
3.Họp video
Khi nhân viên quay lại văn phòng, họ sẽ thực hiện ít cuộc gọi điện video hơn? Không đúng! Colette Stallbaumer, tổng giám đốc phụ trách bộ phận Microsoft 365 và Future of Work tại Microsoft nêu rõ: “Số lượng cuộc họp video do người dùng Microsoft Teams tổ chức đã tăng gấp ba lần kể từ 2020”. Công ty Zoom Video Communications sở hữu ứng dụng hội nghị video vẫn phát triển tốt dù mức tăng trưởng doanh thu hàng năm chỉ còn một con số.
Graeme Geddes, giám đốc bán hàng và tăng trưởng của Zoom nhận xét: “Mọi người đang thực hiện nhiều cuộc gọi video hơn và tổ chức nhiều cuộc họp hơn trên Zoom hơn bao giờ hết”. Sự gia tăng không ngừng của họp video một phần là do nhiều công ty thường có những văn phòng trải rộng khắp thế giới nên không thể gặp trực tiếp. Ngoài ra, luôn có ai đó hầu như luôn ở ngoài văn phòng nên phải có Zoom cho họ. “Ngay trong một cuộc họp trực tiếp vẫn có những người phải tham gia từ xa” – Stallbaumer nói.
4.Thanh toán bằng thiết bị di động
Nhiều người Mỹ không nhớ rằng lúc nào là lần cuối cùng họ phải thanh toán bằng tiền mặt thay vì dùng điện thoại hoặc nhìn vào thiết bị đầu cuối tại nơi bán hàng và cung cấp dịch vụ. Đáng ngạc nhiên hơn là trước đại dịch, người Mỹ không thích thanh toán bằng cách này. Jaime Toplin, nhà phân tích tại Insider Intelligence, giải thích: “Điều khiến người tiêu dùng chấp nhận thanh toán di động rất đơn giản: Đột nhiên, không ai muốn chạm vào mọi thứ ở nơi công cộng nữa sau một thời gian sợ tiền mặt có thể mang coronavirus!”.
2020 là năm tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử thanh toán bằng thiết bị di động. Cú huých tăng trưởng là đa số người bán đã nâng cấp thiết bị đầu cuối tương thích với công nghệ mới. Tuy thanh toán di động vẫn chỉ chiếm khoảng 8% tổng giá trị bán hàng nhưng đối với những người quen dùng cách này, nó chiếm đến 20% tổng chi tiêu của họ”. Hiện nay, mọi thứ, từ giấy phép lái xe đến thẻ bảo hiểm y tế đều được đưa vào ví kỹ thuật số trên điện thoại, báo hiệu ngày tàn của chiếc ví thật.
5.Mua sắm trực tuyến
Mọi người không chỉ gọi cà phê và thức ăn nhanh mà từ phần cứng tại mua tại Lowe’s đến hàng tạp hóa mua tại Walmart, chúng ta mua sắm trực tuyến nhiều hơn bao giờ hết. Theo một báo cáo gần đây của Digital Commerce 360, gần 83% trong số 500 chuỗi bán lẻ hàng đầu theo doanh thu ở Bắc Mỹ đang cung cấp tùy chọn này, tăng từ 76% của năm 2022. Đồng thời, tỷ lệ nhận hàng tại cửa hàng đã giảm 22% trong năm 2023 so với 2022. Cùng với sự chuyển đổi cách mua hàng từ xa mọi người cũng khám phá ra sự tiện lợi của một số thói quen của thời đại dịch và linh hoạt sử dụng nó. Stallbaumer của Microsoft kết luận: “Thực tế cho thấy, chúng ta không thể quay trở lại năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra!”.