Trong một thế giới ngày càng kết nối với nhau, nơi công nghệ cho phép chúng ta tương tác với những người khác trên toàn cầu, sự cô đơn dường như là một cảm xúc khó có thể xảy ra. Thế mà, đó lại là một vấn đề phổ biến mà nhiều người phải vật lộn, thường là không được bày tỏ. Cô đơn có thể là hậu quả của sự cô lập về thể chất, hoặc bắt nguồn từ cảm giác tách biệt về mặt cảm xúc, ngay cả khi xung quanh có nhiều người khác.
Đó là một cảm xúc phức tạp, nhiều sắc thái không đi kèm với giải pháp giống nhau mà phù hợp với tất cả. May mắn thay, có nhiều cách để xoa dịu cảm giác tiêu cực này và kết nối sâu rộng hơn với bản thân bạn và những người khác. Dưới đây là những việc cần làm khi bạn cảm thấy cô đơn:
Thừa nhận cảm xúc
Trước hết, hãy thừa nhận rằng mình đang bị cô đơn. Thật dễ dàng để bác bỏ hoặc phủ nhận những cảm xúc này, thường là do sợ rằng mình có vẻ yếu đuối hoặc dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ, cô đơn là trải nghiệm, cảm xúc của con người, không phải là sự thất bại cá nhân. Bằng cách nhận ra cảm xúc, bạn sẽ hiểu rõ nguồn cơn khiến mình cảm thấy lạc lõng và học cách dẹp tan nỗi cô đơn.
Tự nhìn nhận và chăm sóc bản thân
Một trong những điều hữu ích nhất bạn có thể làm khi cảm thấy cô đơn là dành thời gian để nhìn lại bản thân, và hiểu được nguồn gốc của sự cô đơn. Đó là do thiếu tương tác xã hội hay vấn đề sâu xa hơn là cảm giác bị hiểu lầm hoặc không được coi trọng? Xác định các yếu tố này sẽ hướng bạn tới các giải pháp có ích.
Tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng khác của quá trình này. Thiết lập một thói quen bao gồm các hoạt động mà bạn yêu thích và thúc đẩy sức khỏe tinh thần và thể chất. Tập thể dục, ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và thực hành chánh niệm, như thiền định hay yoga, sẽ có tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của bạn, do đó làm giảm cảm giác cô đơn.
Tìm đến người thân, làm thiện nguyện
Mặc dù việc cô lập bản thân khi cảm thấy cô đơn thường được bình thường hoá, nhưng việc tiếp cận với những người khác sẽ giúp chữa lành vết thương một cách đáng kinh ngạc. Thực hiện các hoạt động mang tính xã hội, ngay cả khi đó chỉ là một cuộc gọi video với bạn bè hoặc tham gia một câu lạc bộ hay tổ chức địa phương. Hoạt động tình nguyện vì mục đích mà bạn quan tâm cũng thúc đẩy sự hoà nhập và giúp bạn tránh khỏi việc phải dành nhiều thời gian một mình.
Điều quan trọng cần nhớ là chất lượng của các mối quan hệ mới thực sự quan trọng, chứ không phải số lượng. Đừng căng thẳng trong một vòng kết nối xã hội lớn. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc nuôi dưỡng những kết nối sâu sắc, có ý nghĩa với những người hiểu và đánh giá cao bạn.
Hạn chế sử dụng mạng xã hội
Mặc dù các nền tảng mạng xã hội đóng vai trò là cầu nối để kết nối với những người trên khắp nơi với nhau, nhưng chúng cũng là nguyên nhân làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn thấy mình đang so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của những người khác trên mạng. Nếu bạn nhận thấy mình có thói quen này, hãy cố gắng hạn chế việc sử dụng mạng xã hội của mình và tập trung nhiều hơn vào các tương tác trong cuộc sống đời thực.
Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp
Nếu cảm giác cô đơn kéo dài và bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ cung cấp các kỹ năng và chiến lược để điều hướng sự cô đơn và các vấn đề tiềm ẩn góp phần gây ra tình trạng đó. Trị liệu hoặc tìm đến tư vấn viên cũng cực kỳ hữu ích. Những sự trợ giúp này mang lại không gian an toàn để bạn bày tỏ cảm xúc mà không sợ bị phán xét.
Tận dụng sự cô đơn
Cuối cùng, có một sự khác biệt lớn giữa một mình và cô độc. Cô độc là một trạng thái cảm xúc tiêu cực, thường đi kèm với cảm giác buồn bã và cô lập, trong khi một mình lại là một trải nghiệm tích cực, mạnh mẽ. Độc lập thúc đẩy sự sáng tạo, khám phá bản thân và xem xét nội tâm. Qua việc học cách nắm lấy thời gian khi ở một mình và sử dụng nó để phát triển bản thân, bạn sẽ thay đổi nhận thức của bạn về sự cô đơn.
Thỉnh thoảng, cảm thấy cô đơn, đó là điều hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là cách mà bạn ứng phó với cảm giác này. Bằng cách thừa nhận cảm xúc của mình, chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, tạo ra những mối quan hệ có ý nghĩa, hạn chế sử dụng mạng xã hội, tìm kiếm những sự trợ giúp chuyên nghiệp khi cần và tận dụng thời gian ở một mình, bạn sẽ vượt qua sự cô đơn và trở nên mạnh mẽ hơn.
(theo: Medium)