Sụp đổ ở khối sản xuất bởi sự chậm trễ chuyển đổi và không đảm bảo an ninh năng lượng
Kết quả khảo sát về tình hình người lao động ở thời điểm tháng Năm, 2023 của Diễn đàn kinh tế Việt Nam kết hợp với báo VnExpress và Ủy ban phát triển khu vực tư nhân (PSD) đã cho ra những con số thực sự đáng lo ngại. Hơn 34% lao động tại Sài Gòn không có việc làm, 36% lao động trong khu vực nhà nước và 53% người lao động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng trong tình trạng thất nghiệp. Nguyên nhân là doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, không có đơn hàng phải cắt giảm và sa thải lao động. Tạp chí điện tử đầu tư tài chính Vietnamfinance.vn vào cùng thời điểm cũng thực hiện một khảo sát độc lập và cho biết:
Có đến 92.1% các doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay tiêu cực/rất tiêu cực so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 44% đánh giá là rất tiêu cực.
Nếu tính theo điểm số từ 1 đến 5, trong đó 1 là rất tiêu cực, 5 là rất tích cực theo thang Likert thì điểm trung bình (ĐTB) mà doanh nghiệp đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô là 1.67/5 và không có độ chênh nhiều giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, cũng không có nhiều sự khác biệt trong đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô giữa doanh nghiệp các ngành khi mà tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tình hình tiêu cực/rất tiêu cực ở các ngành đều chiếm trên 90%, trong đó doanh nghiệp ngành xây dựng đánh giá tiêu cực nhất.
Cụ thể: Có đến 94.1% doanh nghiệp ngành xây dựng đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về tình hình kinh tế vĩ mô, trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và ngành công nghiệp lần lượt là 90.7% và 92.3%.
Những doanh nghiệp lớn nhất khu vực phía Nam như TNHH Pouyuen tiếp tục cắt giảm 6,000 lao động vào cuối Tháng Sáu 2023. Từ đầu năm, công ty này đã nhiều lần cắt giảm lao động với số lượng hàng ngàn người mỗi đợt. Pouyuen là công ty da giày lớn nhất tại Việt Nam, thời điểm thịnh vượng nhất, doanh nghiệp có trên 80,000 lao động. Là doanh nghiệp đa quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và thương hiệu lớn nhưng Pouyuen cũng không tránh được tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. Cuối năm 2022, công ty đã phải cho 20,000 lao động tạm ngừng việc do không có đơn hàng. Cho nên không ngạc nhiên với con số 31% tổng số lao động thất nghiệp. Đó là một con số khả tín.
Con số 31% lao động không có công ăn việc làm còn cho thấy nền công nghiệp gia công xuất khẩu của Việt Nam đang bị khủng khoảng nghiêm trọng. Khối doanh nghiệp vốn FDI là trụ cột quan trọng nhất khi chiếm tới hơn 74% lượng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo sinh kế, công ăn việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Riêng lĩnh vực may mặc, da giày có khoảng 4.3 triệu lao động và số lao động làm việc cho doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi suy giảm kinh tế toàn cầu.
Đồng nghĩa với việc vấn đề an sinh xã hội sẽ vô cùng nan giải. Trong năm 2022, gần một triệu người lao động đã làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm xã hội một lần và con số này đang tăng nhanh với tốc độ khoảng 15-20%/năm, khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam lo ngại nguy cơ “vỡ quĩ bảo hiểm”. Gần đây, Hà Nội đã chuẩn bị thăm dò dư luận để ban hành những chính sách gây khó khăn, ngăn cản người dân nghèo rút bảo hiểm xã hội.
Vấn đề mà tôi muốn đề cập là ngoài các yếu tố khách quan bởi suy thoái kinh tế toàn cầu thì Việt Nam đã tỏ ra yếu thế hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực như Bangladesh trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong khi các doanh nghiệp may mặc, da giày ở Bangladesh hiện làm không hết việc, không đáp ứng đủ nhu cầu các đơn hàng quốc tế thì các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã “đói” đơn hàng từ cuối năm 2022.
Hiện nay, gần 70% doanh nghiệp may mặc của Bangladesh đã có “Tín chỉ Xanh”, còn Việt Nam thì không. Việc phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cũng khiến rủi ro cao thêm bởi nếu bị Hoa Kỳ áp đặt luật cấm sử dụng bông vải và các sản phẩm lao động cưỡng bức ở Tân Cương thì ngành may mặc và da giày – một ngành chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, chiếm 30% lao động công nghiệp trong năm 2022 – sẽ bị tê liệt. Sự chậm trễ này đang gây hậu quả nhãn tiền chứ không còn là nguy cơ. Xem ra các doanh nghiệp Việt Nam và hệ thống cơ quan chức năng nhà nước không thích ứng kịp trước các thay đổi từ yêu cầu thị trường.
Vấn đề thứ hai là nền công nghiệp gia công của Việt Nam lộ rõ “gót chân Achilles” ở ngay hạ tầng kỹ thuật cơ bản, bên cạnh vô số các khuyết điểm mang tính bản chất của nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” khác. Mất điện đã và đang ngày một trở nên thường xuyên và nghiêm trọng.
Thậm chí, các dây chuyền sản xuất đang vận hành cũng bị cắt điện đột ngột mà không hề được báo trước, gây thiệt hàng vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Nhiều tờ báo trong nước thời gian qua cũng đã phản ánh tình trạng bị cúp điện đột ngột ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh. Thậm chí, cảng biển chiến lược Hải Phòng bị ách tắc vì bị cắt điện khiến cho các tàu vận tải không thể bốc dỡ hàng hóa…
Điều này cho thấy Việt Nam không những không đảm bảo được hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, an ninh năng lượng mà bộ máy viên chức ngành điện cực kỳ tắc trách. Giá điện sản xuất ở Việt Nam rất cao so với mặt bằng khu vực và giá điện sinh hoạt nếu so với thu nhập người dân lao động thì là một mức giá cắt cổ. Nhưng mặc dù giá cao, chất lượng điện và nguồn cung cấp cũng không đảm bảo. Thật không thể tin nổi khi Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) có thể yêu cầu các doanh nghiệp phải dừng hoạt động ngay cả đó là một đối tác quan trọng như Foxconn bởi lý do “thiếu điện”.
Bong bóng bất động sản (BĐS) xì hơi và hệ thống ngân hàng đang đổ vỡ từ bên trong
Dễ dàng nhận thấy tình trạng thị trường BĐS trong trạng thái đóng băng từ Nam ra Bắc và bắt đầu làn sóng tháo chạy khỏi các dự án mà cách đây hai năm là tâm điểm của những cơn bão giá. Trong suốt quí 1 năm 2023, cả thị trường Sài Gòn chỉ có 19 giao dịch đất liền thổ. Mức giao dịch toàn thị trường giảm hơn 90%. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm giờ đây các thông tin rao bán cắt lỗ, giảm giá ngập tràn. Từ căn hộ cho đến những BĐS hàng trăm, ngàn tỷ cũng đang đua nhau giảm giá bán tháo trước nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ. Việc dòng tiền đột ngột rút khỏi thị trường sau cơn sốt điên rồ kéo dài đã khiến cho thị trường BĐS Việt Nam đi tới bước cuối cùng của mô hình phát triển đa cấp kiểu Ponzi.
Nhưng không giống như cuộc xì hơi năm 2008-2012 chỉ đơn thuần là khủng hoảng tài chính với nợ xấu cần phải “cơ cấu” lại của khối ngân hàng. Cuộc đổ vỡ lần này tích lũy nhiều nguyên nhân nghiêm trọng hơn rất nhiều. Qui mô phát triển của thị trường BĐS lan sâu vào thị trường tài chính – nơi mà trong những năm gần đây đã phát triển mô hình trái phiếu BĐS “3 Không” có qui mô hàng trăm ngàn tỷ.
Và giờ đây, các doanh nghiệp BĐS lớn nhất như Novaland, Vingroup đang dối diện với nguy cỡ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp. Ngày 22 Tháng Sáu 2023, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland, đã công khai xin lỗi cổ đông và khách hàng và hứa bù đắp mọi thiệt hại… cũng như nhiều lời có cánh khác. Điều này, không nằm ngoài dự báo. Chẳng có phép lạ nào xảy ra cả.
Khối trái phiếu doanh nghiệp 700,000 tỷ đồng sẽ biến mất sạch sẽ. Người dân sẽ thu được rất nhiều lời xin lỗi và những câu vỗ về, an ủi kiểu như thế này. Sau hai thập niên quay cuồng phân lô, bán nền, vẽ ra những dự án BĐS tỷ đôla từ đồng bằng lên tới cao nguyên, từ thành thị về nông thôn, những doanh nghiệp BĐS và một tầng lớp tư bản thân hữu Việt Nam đã biến cả nền kinh tế quốc gia, toàn bộ khối ngân hàng… thành một quĩ đầu tư mạo hiểm, họ đã chia nhỏ cả những cánh rừng trên Tây nguyên tới đảo xa thành những dự án BĐS nghỉ dưỡng, phức hợp thương mại, chung cư cao cấp sẽ được hình thành với tầm nhìn… nhiều thế kỷ sau.
Ngày 17 Tháng Sáu, trang cafef.vn đăng một bài viết “lộ diện những khoản nợ xấu ngàn tỷ tại các ông lớn ngân hàng”. Theo đó, những khoản nợ xấu vài ngàn tỷ đã bắt đầu lộ diện ở nhóm ngân hàng BIG4 như Agribank, Vietinbank, BIDV… Các thủ tục xiết nợ đang được thực hiện và phần lớn tài sản được thanh lý là đất, nhà xưởng, BĐS… Khối ngân hàng Việt Nam hiện đang nắm giữ một khối tài sản khoảng $500 tỷ (USD), chủ yếu là BĐS để đảm bảo các khoản cho vay. Thế nhưng, vấn đề ở đây là khi khủng hoảng và suy thoái kinh tế xảy ra cùng lúc, thì độ thanh khoản của những tài sản đảm bảo này bị giảm đi rất nhiều cũng như giá trị thực tế.
Có thể so sánh khối ngân hàng thương mại Việt Nam – hệ thống tài chính gắn chặt lợi ích với nhóm tư bản thân hữu và các doanh nghiệp BĐS, tăng trưởng theo cấp số lần bởi nguồn tiền vô tận rót từ ngân hàng trung ương, cũng như dễ dàng huy động từ thị trường tài chính- chứng khoán, giống như một con trăn Nam Mỹ sau khi đã nuốt cả một con lợn rừng, giờ đây không thể cựa quậy, bị mắc kẹt, trở nên dễ bị tổn thương. Giờ thì nó lại cố gắng ói ra miếng mồi quá lớn không thể tiêu hóa nổi. Nhưng có lẽ đã quá muộn.
Vấn đề mà nền kinh tế “định hướng xã hội chủ nghĩa” hôm nay phải đối diện phức tạp hơn nhiều so khủng hoảng tài chính năm 2008-2012. Cuộc suy thoái toàn cầu đang vẽ lại bức tranh kinh tế theo định hướng địa chính trị cũng như các tiêu chuẩn xanh bắt buộc mà giới tinh hoa thế giới hướng đến. Cơ hội thì có rất nhiều nhưng hoàn toàn quá tầm nhận thức cũng như năng lực lãnh đạo của giới chức Việt Nam.
Sau nhiều thập niên mở cửa, “quyết tâm, quyết liệt” với các nghị quyết phát triển do đảng CSVN đề ra, tiến lên thành một nước công nghiệp. Giờ đây, ngay cả việc đảm bảo không mất điện cũng là điều khó khăn. Bộ máy chính trị ngày đêm chỉ loay hoay họp bàn về việc tăng quân số và số lượng tướng công an, thay thẻ CCCD bằng “Thẻ căn cước” và “nơi thường trú” bằng “nơi cư trú”…
Trong khi hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản và hàng triệu lao động đang đối mặt với cái đói nghèo cùng cực. Có thể thấy rõ, không có một cơ hội nào cho Việt Nam thoát khỏi một cuộc sụp đổ về kinh tế, dân sinh, môi trường… trước khi trở thành một mớ hỗn loạn và đầy bạo lực. Đó thực sự là một tương lai bất hạnh ở mảnh đất này.