Thượng Thành Huế (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), một trong số các di tích thuộc cụm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, đang trở thành nơi tụ tập của con nghiện, sau khi hơn 5,000 gia đình rời đi.
Trước đó, vì có hơn 5,000 gia đình lấn chiếm xây nhà trong thành để ngụ cư, TP.Huế đã xây dựng dự án giải tỏa những gia đình này đến chỗ khác. Giai đoạn 1 (2019-2021), Huế đã di dời hơn 3,300 gia đình sinh sống tại khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến Phòng Lộ;
Giai đoạn 2 (2022 – 2025), Huế di dời hơn 1,900 gia đình tại một số khu vực như hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế…
Gần bốn năm sau khi dự án giải tỏa này được thực hiện, trong khi nhiều gia đình đã an cư tại chốn định cư mới tại phường Hương Sơ (TP.Huế), thì bên trong Thượng Thành vẫn ngổn ngang những nền nhà, tường gạch cũ chưa được đập bỏ hết; có nơi thành vườn rau màu bất hợp pháp của người dân; có nơi cỏ dại mọc um tùm, bao trùm lên thành; nhưng tệ nhất là nhiều chỗ trong thành đang là nơi tụ tập của con nghiện, với hàng đống kim chích vứt bừa bãi, lẫn trong lùm cỏ, bụi cây.
VTC News ngày 25 Tháng Sáu thực hiện phóng sự ảnh kèm video để mô tả về sự nhếch nhác bên trong Thượng Thành có thể xâm hại di tích, đồng thời thông báo vẫn còn bảy gia đình đang sinh sống trong thành với lý do tiền đền bù chưa thỏa đáng.
Trước đó, Sức Khỏe & Đời Sống ngày 14 Tháng Sáu cũng báo động tình trạng hoang tàn như “phế tích” của Thượng Thành, trong đó nhiều khu vực trên Thượng Thành không được trùng tu, tường rạn nứt, cỏ dại xâm lấn.
Lao Động ngày 12 Tháng Sáu mô tả không gian Thượng Thành bị bao trùm bởi cây cỏ rậm rạp và nhà cửa đổ nát, bước vào trong thì tràn ngập kim chích vất bừa bãi. Đa số khu vực Thượng Thành, Eo Bầu chưa được dọn dẹp, chỉnh trang, dược khố dày gần 80cm nằm trên Thượng Thành, thời xưa dùng để chứa diêm tiêu, đạn dược, đến nay vẫn chưa được trùng tu bảo vệ.
Ngoài ra, hai cổng thành bằng gạch nằm hai bên Đông Thành Thủy Quan (lối vào sông Ngự Hà) được phát giác ba năm trước (sau khi dân tháo dỡ nhà) đến nay vẫn chưa được trùng tu, nhiều chỗ trên tường thành bị xuống cấp, rạn nứt, trở thành chỗ con nghiện tìm đến.
VnExpress ngày 2 Tháng Bảy 2020 dẫn sách Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết triều Nguyễn xây dựng bốn phía trên Thượng Thành của Kinh thành Huế 24 pháo đài, mỗi pháo đài đều có dược khố xây bằng gạch vồ để chứa diêm tiêu, đạn dược. Mỗi pháo đài có nhiều pháo nhãn, là nơi đặt súng đại bác để phòng thủ.
Sau Tháng Tư 1975, nhiều gia đình kéo vào Thượng Thành làm nhà sinh sống khiến nhiều công trình triều Nguyễn nơi đây bị che lấp. Khi nhà cầm quyền Thừa Thiên-Huế thực hiện chính sách di dân khỏi khu di tích Thượng Thành để tiến hành trùng tu Thượng Thành thành điểm du lịch, rất nhiều công trình đã phát lộ như cổng thành vòm cao 108 cm, rộng 85 cm ở Đông Thành Thủy Quan. Bên trái Đông Thành Thủy Quan là một cánh cổng có kiến trúc tương tự, đang bị che lấp bởi tấm lợp xi măng do người dân xây.
Theo nhà văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, cựu Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế, hai cổng thành là lối đi vệ binh của triều Nguyễn để kiểm soát tàu thuyền ra vào Đông Thành Thủy Quan. Trong khi đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhận định hai cổng thành này là nơi đặt đại bác phòng vệ Đông Thành Thủy Quan.
Tiếp đến, một dược khố ở pháo đài Đông Vĩnh dần lộ diện sau khi nhà dân ở khu vực này được đập bỏ. Dược khố xây bằng gạch vồ, dày gần 80 cm – xưa kia là nơi triều Nguyễn để đạn dược, diêm tiêu cung cấp cho hệ thống súng thần công phòng thủ.
Rồi khi 532 gia đình ở phường Thuận Lộc, Tây Lộc sống trên mặt đông Thượng Thành tháo dỡ nhà cửa, nhiều pháo nhãn bắt đầu lộ diện, đó là nơi xưa kia triều đình nhà Nguyễn bố trí súng thần công để phòng thủ kinh thành Huế…
Một di tích đẹp và có ý nghĩa lịch sử như Thượng Thành, hứa hẹn sẽ là khu du lịch hái ra tiền cho ngân sách tỉnh Thừa Thiên – Huế, thế mà bị bỏ hoang gần bốn năm qua!