Sau khi tham dự buổi lễ ra mắt sách tại “Thư Viện Việt Nam”, chúng tôi, một số bạn thân tình, rủ nhau ra quán Coffee Factory ở đường Brookhust, Westminster kiếm thức ăn nhẹ. Đang chờ nhân viên phục vụ mang thức ăn ra thì từ ngoài cửa, một thanh niên ăn mặc tươm tất, quần sậm màu, áo sơ mi trắng tay ngắn giản dị đi nhanh vào trong, nhìn quanh một lượt rồi bước đến bàn chúng tôi. Tuy bất ngờ nhưng khi giáp mặt anh ta, tôi nhận ra ngay đây là con trai của một anh bạn thân ngồi cùng bàn. Sau đó anh bạn ra ngoài nói nhỏ điều gì đó không ai biết.
Khi hai cha con quay trở lại bàn, anh thanh niên chào mọi người và xin phép kiếu từ. “Chúc các bác vui vẻ” – nói xong anh đi ngay và không quên để lại trên bàn một hộp bánh lớn. Bấy giờ anh bạn mới nói:
– Hôm nay sinh nhật của “moa”, đứa nhỏ mang bánh đến nhà nhưng không gặp và biết “moa” ngoài nầy nên nó mang ra.
Sau đó anh bạn cho biết vì hoàn cảnh đơn chiếc nên sẵn đây cắt bánh mời các bạn. Mọi người cám ơn rồi cũng thắp đèn cầy, vỗ tay hát Happy Birthday… và rồi những chuyện về anh thanh niên còn nhớ ngày sinh nhật của bố mà mang bánh ra tận nơi được kể ra với sự ngưỡng mộ…
Bạn tôi, sau gần bảy năm tù cải tạo sau ngày 30 Tháng Tư 1975, được thả ra cho về quản chế tại Long Thành, Đồng Nai. Trong thời gian quản chế anh đã vượt biển, cùng với đứa con trai mới lên mười, đến một đảo tị nạn của Nam Dương, sau đó định cư tại Seattle, Washington. Sống ở đây được vài năm cho đến khi bảo lãnh xong vợ và con gái, cả gia đình mới dời về Nam Cali, cư trú tại Westminster cho đến nay.
Tôi đến Mỹ năm 1993, thỉnh thoảng ghé thăm gia đình anh bạn mà lúc nào cũng xưng mình là “moa” (tiếng Pháp) một cách trịnh trọng khi trò chuyện. Lúc bấy giờ gia đình bạn còn mướn một căn chung cư ba phòng trong khu Little Saigon. Hai đứa con của bạn, một trai một gái rất lễ phép và ngoan hiền đúng mực. Đứa con trai trông rất thông minh, học hành giỏi giang, đặc biệt rất thông thạo tiếng Việt, nói thuần giọng Sài Gòn.
Bẵng một thời gian, ngày nọ, tôi nhận được một phiếu điều tra của cảnh sát Westminster có ghi rõ tên tuổi cùng địa chỉ của đứa con trai, con của anh bạn thân nói trên. Chi tiết điền vào phiếu rất nhiều và được yêu cầu giữ kín không được phổ biến cho bất kỳ ai, kể cả thân nhân của người đang được điều tra.
Lúc bấy giờ cháu đã tốt nghiệp đại học và đang làm quản lý cho một chi nhánh ngân hàng Wells Fargo ở trong vùng Little Saigon. Tôi rất bối rối, thật ra tất cả các câu hỏi đều chú trọng những điều mà tôi biết về sinh hoạt của cháu. Phiếu điều tra đặc biệt nhấn mạnh hãy kể những tai nạn gì đã xảy ra với cháu nếu có. Tôi hơi lo lắng không biết có chuyện gì nên điện thoại liên lạc với gia đình người bạn để dò la, dĩ nhiên không đá động tới việc điều tra của cảnh sát. Tôi được trả lời là tất cả đều rất tốt, và cháu đang chuẩn bị lập gia đình. Thế thôi.
Mãi cho đến khi được mời dự đám cưới của cháu, tôi mới biết cháu không còn làm chuyên viên ở ngân hàng Wells Fargo và hiện là sĩ quan cảnh sát tòng sự ở Westminster. Trong quá trình nộp đơn thi tuyển và phỏng vấn, cháu có khai những người thân của gia đình, trong đó có tôi.
Đặc biệt là có phần khai về vết sẹo trên trán. Cháu kể rằng, sau này vào ngành rồi mới biết bộ phận điều tra của cảnh sát chú ý đến vết sẹo và họ đặt nghi vấn là có thể do ân oán giang hồ ấu đả nhau nên điều tra xem cháu có thuộc băng đảng nào trước đây không. Nghi ngờ ở chỗ là cháu đang làm quản lý ngân hàng, lương bổng rất tốt sao bỗng dưng chuyển sang cảnh sát, thường xuyên đối diện với tội phạm, nguy hiểm đến tính mạng mà phúc lợi cũng không nhiều.
Qua mọi cuộc phỏng vấn, cháu luôn trả lời sở dĩ xin vào ngành cảnh sát là vì muốn giúp cộng đồng người Việt ở Orange County, nhất là những vị cao niên không thạo Anh ngữ; đồng thời có cơ hội tiếp cận với thanh niên người Việt trong vùng hầu giúp đỡ họ tránh các mối nguy hiểm từ các băng đảng tội phạm. Ưu thế của cháu là thông thạo tiếng Việt nên dễ dàng tiếp xúc và thông đạt với cư dân.
Riêng phần cha mẹ của cháu, ban đầu họ không ưng ý về sự thay đổi nghề nghiệp của cậu con trai. Các bậc cha mẹ người Việt thường mong con cái mình trở thành bác sĩ, kỹ sư hay những ngành nghề trong văn phòng. Khi chuyện trò với cha mẹ cháu, tôi có kể một trường hợp ở Long Beach mà tôi biết. Có một cháu khi ghi danh đại học đã không theo bất cứ ngành nghề phổ biến nào mà nhất quyết học vẽ. Cha mẹ buồn biết bao nhiêu nhưng cắn răng không nói ra. Sau này, cháu tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc và được công ty Disneyland tuyển làm họa sĩ, làm việc trong đội ngũ thiết kế hình ảnh và xưởng phim hoạt họa khổng lồ của Disney, lương bổng thật cao mà công việc rất thú vị, phù hợp với sở thích và lòng đam mê.
Cũng y như vậy, con của anh bạn tôi hiện giờ là một sĩ quan cảnh sát gốc Việt nổi tiếng tại thủ phủ Little Saigon và vùng phụ cận. Nói đến Phương Phạm là có biết bao nhiêu câu chuyện ca ngợi về anh cảnh sát trẻ nhiệt tình và nhân ái này. Anh đối xử với mọi người như người thân trong gia đình. Anh giữ an ninh trật tự trong hầu hết sự kiện của người Việt trong khu vực Bolsa như diễn hành, triển lãm hay hội chợ, hoặc các cuộc biểu tình chống cộng trong đó có bố anh.
Là dân tị nạn, từng trải qua muôn vàn cơ cực, lầm than, bị phân biệt đối xử khi còn sống dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam và con đường vượt biên cũng gặp muôn ngàn hiểm nguy, dĩ nhiên Phương Phạm hiểu rõ tại sao thế hệ bố anh luôn chống cộng một cách quyết liệt và gay gắt.
Phần mình, anh tin rằng những gì đã trải qua ở Việt Nam trước khi sang Mỹ luôn là một “món quà được Thượng đế ban cho” để làm hành trang phấn đấu trong cuộc sinh tồn của chính mình. Anh lập gia đình với một cô giáo cùng là người Việt. Vợ chồng có hai con và đứa con gái lớn hiện là một diễn viên điện ảnh nghiệp dư, hứa hẹn đầy tài năng. Từ ngày định cư ở Mỹ đến nay anh vẫn luôn sống gần bố…
Là sĩ quan cảnh sát giúp thực thi luật pháp ở địa phương, Phương Phạm không ủng hộ hay chống đối bất kỳ quan điểm chính trị nào. Dĩ nhiên anh có quan điểm chính trị riêng qua lá phiếu bầu, như mọi công dân khác. Bố ủng hộ một ứng viên theo quan điểm của bố, con ủng hộ ứng viên khác, không có vấn đề áp đặt hay thiên kiến gây bất hòa.
Trong những kỳ nghỉ hè, bố thường đi du lịch Âu châu. Bố rất thích và ngưỡng mộ kiến trúc cổ La Mã. Với không ít người Việt hải ngoại, họ không muốn về Việt Nam, chừng nào còn cộng sản. Có người thậm chí đề nghị không gởi tiền về Việt Nam vì việc này không khác gì giúp chế độ cộng sản tồn tại. Trong khi đó, Phương Phạm thường xuyên dẫn vợ con về Việt Nam, du lịch từ Bắc xuống Nam. Anh cho rằng, “quá khứ là điều không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về thế hệ trẻ, nếu có chống cộng thì cũng phải bằng cách khác”.
Bố của cảnh sát viên Phương Phạm – anh Phạm Đức Thạnh – trước giờ trải qua đủ nghề, từng xuất bản nhật báo “Quê Hương”, mở nhà in “Cal Printing” và gần đây nhất là mở nhà hàng “Gà Bistro”, chủ yếu là để gặp gỡ hay hội họp với bạn bè. Bố tham gia vào nhiều tổ chức như đồng hương Biên Hòa, ái hữu Chu Văn An, Quốc Gia Hành Chánh, Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghĩa. Như hầu hết những người thuộc thế hệ mình, anh Phạm Đức Thạnh cũng tin rằng di sản VNCH mãi trường tồn.
Hôm dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày danh xưng “Little Saigon” được chính thức được công nhận trên đất Mỹ, hai cha con Phạm Đức Thạnh đều có mặt cùng với đông đảo cư dân trong vùng. Như mọi khi, bố hòa mình trong đám đông, con đứng ở góc đường giữ an ninh, trật tự. Hôm nay mọi người nhìn nhau với ánh mắt vui vẻ, thân thiện, chào đón một sự kiện trọng đại. Tất cả hướng về một tương lai tươi sáng, với niềm tin cộng đồng người Việt hải ngoại gắn bó với nhau nhiều hơn, tin cậy nhau hơn và đùm bọc nhau thay vì hiềm khích, đố kỵ và chia rẽ.