Bếp 0 đồng của người mẹ có con gái qua đời vì ung thư

Bà Nguyệt Linh mở bếp 0 đồng từ năm 2018 để thực hiện tâm nguyện của con gái đã qua đời – Ảnh: VTC News

Nếu ở Hà Nội có bếp 1,000 đồng của người cha có con gái qua đời vì ung thư thì ở Sài Gòn có bếp 0 đồng của một người mẹ.

Người mẹ đó là bà Nguyệt Linh (41 tuổi, quê Tiền Giang), từng có con gái bị bệnh ung thư rồi qua đời năm bé 9 tuổi. Năm 2018, bà thuê nhà ở TP.Thủ Đức rồi mở bếp 0 đồng để nấu những phần cơm ngon và lành cho người bệnh ung thư đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu thành phố (đã chuyển từ quận Bình Thạnh về TP.Thủ Đức) để thực hiện tâm nguyện của con gái.

Chữa trị cho con gái từ khi cháu mới 4 tuổi ở bệnh viện Ung Bướu thành phố, bà cảm thương tất cả những đứa trẻ cũng bị ung thư như con gái. Trong năm năm điều trị cho con, mỗi lần đưa con từ Tiền Giang lên Sài Gòn điều trị, hai mẹ con bà thường nhận được những phần cơm miễn phí từ nhiều đoàn từ thiện.

Có lần, con gái bà nói: Nếu sau này con khỏi bệnh, mẹ con mình cùng nấu những phần cơm ngon tặng các bệnh nhân ung thư như vậy nha mẹ.

Phụ giúp cùng bà Linh nấu 500 phần ăn/lần là các dì, các cô bác hàng xóm lớn tuổi, xem đây là việc thiện nguyện – Ảnh: VTC News

Năm 2018, khi con gái qua đời, bà Linh ấp ủ ý định trở lại Sài Gòn để nấu những phần cơm miễn phí cho bệnh nhân ung thư, chồng bà ủng hộ nhưng mẹ ruột của bà lại phản đối, vì sợ vợ chồng bà không quên được con, hơn nữa bà đang có công việc tốt ở Tiền Giang (chủ một nhà trẻ đang có đông học sinh), bà bỏ đi thì quá uổng.

Nhưng chẳng bao lâu sau, quyết tâm của vợ chồng bà đã thuyết phục người mẹ già – vốn rất thương cháu gái đã mất. Người mẹ của bà Linh đồng ý cùng phụ giúp với con gái để hình thành nên bếp 0 đồng ở Thủ Đức.

Tâm sự với VTC News,  bà Linh kể: “Sau khi lo hậu sự cho bé, vợ chồng tôi quyết định trở lại Sài Gòn để thực hiện ý nguyện của con gái lúc đang sống. Ban đầu tôi thuê một căn nhà nấu cơm từ thiện, nhưng vì căn nhà đó chật chội nên chuyển về đây để thuận tiện cho việc nấu nướng. Tôi gọi công việc mình đang làm là bếp 0 đồng”.

“Chúng tôi đều già rồi, cũng mong muốn góp một phần sức để giúp đỡ những cháu bé đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác” – Ảnh: VTC News

Mỗi tuần bếp 0 đồng sẽ nấu ba ngày cơm miễn phí, mỗi ngày 500 phần ăn. Sau đó bà Linh sẽ đến bệnh viện Ung Bướu để trao tận tay người nhà và những bệnh nhân ung thư. Mỗi lần trao các phần cơm cho các bé bị ung thư, bà Linh như được “gặp lại” con gái mình.

Bà nghẹn ngào: “Khi phát cơm, tôi vô tình chứng kiến những câu chuyện đầy ám ảnh về các cháu nhỏ. Các con đều mắc bệnh giống con gái tôi. Mới nhìn thấy hôm nay mà mấy ngày sau quay lại thì không nhìn thấy các con nữa, có cháu bệnh thuyên giảm nên được về, nhưng cũng có cháu đã ra đi mãi mãi”.

Mỗi lần nấu cơm đem phát, bà đều nhớ đến con gái và ao ước phải chi con gái còn sống để cùng bà nấu cơm miễn phí cho các bạn bị ung thư.

Đồng cảm với câu chuyện mất con gái của bà Linh, nhiều năm nay các cô, dì hàng xóm lớn tuổi thường qua phụ giúp nấu cơm cùng bà Linh, coi như niềm vui làm việc thiện nguyện, hoàn toàn không có thù lao.

Địa chỉ bếp 0 đồng của bà Linh cũng gần bệnh viện Ung Bướu, thuận tiện việc đi lại – Ảnh: VTC News

Một tuần ba ngày, ngoài bà Linh là “bếp trưởng”, còn có ba phụ bếp, họ cùng tất bật soạn thực phẩm và nấu ăn từ lúc 8 giờ sáng đến 14 giờ mới xong việc.

Vốn không giỏi công việc bếp núc, thế mà từ khi mở bếp 0 đồng, bà Linh thường xuyên lên mạng để học cách nấu ăn, nhất là các món ăn chay. Bà Tư, một người hàng xóm, hay qua phụ bếp với bà Linh, cho biết bà Linh nấu món chay rất ngon và các phần cơm mà bếp 0 đồng chuẩn bị cho các bé ai ăn cũng khen ngon.

Bà Tư nhận xét: “Cô Linh từng trải qua nỗi đau mất con, nên mỗi phần cơm cô ấy nấu như chứa đựng cả tình yêu thương của người mẹ dành cho con của mình. Cơm cô ấy nấu ai nấy đều khen ngon”.

Bếp 0 đồng của bà Nguyệt Linh có địa chỉ 17/1, đường 10, phường Trường Thọ (TP.Thủ Đức, Sài Gòn). Ai có lòng ghé qua, xin phụ giúp với bà Linh một tay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: