Là một trong nguyên thủ siêng cập nhật trên trang Facebook cá nhân, ngày 30 Tháng Sáu 2023, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông đang cân nhắc việc cấm tiệt Facebook ở đất nước mình. Hãng tin AP hôm nay, 30 Tháng Sáu, viết: “Việc rút phích cắm trên Facebook đối với hàng triệu người dùng Campuchia sẽ là giai đoạn cuối cùng trong sự ghẻ lạnh chớp nhoáng trong tuần qua giữa ông thủ tướng 70 tuổi với nền tảng truyền thông xã hội này”.
Vào Thứ Tư 28 Tháng Sáu, Hun Sen đột ngột thông báo ông sẽ không tải thông tin lên Facebook và thay vào đó sử dụng Telegram. Thông báo của Hun Sen được đưa ra chỉ một ngày trước khi Hội đồng Giám sát (The Oversight Board) thuộc Meta, công ty mẹ của Facebook, đề nghị đình chỉ tài khoản Facebook và Instagram của Hun Sen trong sáu tháng với lý do ông sử dụng ngôn ngữ mà họ đánh giá là có thể kích động bạo lực. Trong một video đăng lên Facebook vào Tháng Giêng, Hun Sen chỉ trích bằng ngôn ngữ thù hằn nhằm các chính trị gia đối lập cáo buộc đảng cầm quyền của ông ăn cắp phiếu bầu.
Trong video, Hun Sen, người lãnh đạo Campuchia từ năm 1985 và đối mặt cuộc bầu cử vào tháng tới, nói với các đối thủ chính trị rằng hãy lựa chọn giữa “hệ thống luật pháp” và “cây gậy bóng chày”. Nói bằng tiếng Khmer, Hun Sen dọa sẽ “đập mềm xương” các đối thủ, “cho côn đồ” đến tận nhà họ và “bắt kẻ bội phản lúc nửa đêm với đủ bằng chứng”. Phát biểu với một tờ báo địa phương vào Tháng Tư, người phát ngôn Bộ Tư pháp Chin Malin nói rằng những gì Hun Sen nói hồi Tháng Giêng “chỉ là sự xác nhận về quy trình pháp lý của Campuchia”. Trong các bài đăng trước đó, Hun Sen cho biết ông “sẵn sàng loại bỏ 100 hoặc 200 người” để bảo đảm hòa bình, dọa sẽ có nội chiến nổ ra và cảnh báo việc không những không cho đối thủ Sam Rainsy ăn đạn chì mà “ăn rocket”!
Hội đồng Giám sát của Facebook cho biết sở dĩ họ muốn “ra tay” vì “lịch sử vi phạm nhân quyền và đe dọa các đối thủ chính trị của Hun Sen, cũng như chiến lược sử dụng mạng xã hội mà ông ta thực hiện để khuếch trương những mối đe dọa nhằm vào các đối thủ”. Hội đồng Giám sát, được tập đoàn Meta thành lập ba năm trước, đã đưa ra một khuyến nghị không ràng buộc trong một báo cáo dài 26 trang. Vài giờ sau, trang Facebook của Hun Sen bị “offline”.
Hôm nay, 30 Tháng Sáu, trên ứng dụng Telegram, Hun Sen nói rằng ông đóng tài khoản Facebook và dọa cấm chỉ Facebook được phép hoạt động ở Campuchia nếu mạng xã hội này tiếp tục cho phép việc truyền tải những thông điệp từ các đối thủ chính trị lưu vong. Trong một video phát trực tiếp, Hun Sen cho biết ông sẽ ra lệnh cấm Facebook tạm thời hoặc thậm chí vĩnh viễn nếu những đối thủ của ông tiếp tục tấn công đả kích ông trên Facebook, và nếu điều đó xảy ra thì “cũng chỉ là bất đắc dĩ” bởi nó ảnh hưởng đến tất cả người dùng Facebook ở Campuchia chứ không chỉ 14 triệu người theo dõi trên trang Facebook cá nhân của ông.
Pamela San Martín, thành viên Hội đồng Giám sát và là luật sư nhân quyền ở Mexico City, cho biết quyết định “xử” Hun Sen của Meta sẽ gây tiếng vang toàn cầu. “Thông điệp dành cho các nhà lãnh đạo chính trị khác nhau rất rõ ràng: Không nên sử dụng nền tảng của Meta làm vũ khí,” Pamela San Martín nói trong một cuộc phỏng vấn.
Hun Sen ra mắt trang Facebook chính thức vào năm 2015, sau khi đảng của ông ghi nhận rằng những thất bại bất ngờ của họ trước một nhóm đối lập trong mùa bầu cử đó là do phe đối lập tận dụng tốt mạng xã hội để tranh cử. Hun Sen ngay sau đó nhanh chóng biến Facebook thành phương thức giao tiếp chính, thường xuyên đăng video các sự kiện chính phủ, các cuộc họp báo, và cả ảnh mấy đứa cháu trong gia đình ông.
Nhìn chung, nhân quyền và tự do ngôn luận đang bị đè bẹp tại Campuchia, nơi đảng đối lập chính bị cấm tham gia các cuộc bầu cử sắp tới. Một trong những hãng tin độc lập cuối cùng còn lại, Tiếng nói Dân chủ, đã bị đóng cửa vào Tháng Hai. Chhengpor Aun, một chuyên gia về du lịch, cho biết Hun Sen tập trung vào việc đập tan lực lượng đối lập trước cuộc bầu cử, mở đường cho ông và các thành viên cấp cao khác của Đảng Nhân dân Campuchia trao quyền lực cho con cái họ. Với Hun Sen, một chiến thắng ở cuộc bầu cử này, cùng một Quốc hội thuộc “phe ta”, là điều rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi lần này ở Campuchia, trước khi ông lui vào hậu trường.