Điều kiện đầu tiên để có thể xây dựng được hệ thống máy tính với công nghệ Artificial Intelligence (AI), trí thông minh nhân tạo, là phần cứng mạnh, trong đó có bộ xử lý đồ họa (Graphics Processing Unit – GPU). Các bộ xử lý đồ họa đóng vai trò tối quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển công nghệ AI, phân tích dữ liệu, và sức mạnh tính toán.
Trong thập kỷ vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi giấc mộng thống trị AI, bằng những khoản đầu tư tài chính và nhân lực khổng lồ. Mới đây, cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã đưa ra một chính sách dự thảo về trí tuệ nhân tạo tổng quát, quy định các công ty công nghệ phải đảm bảo rằng nội dung do AI tạo ra phù hợp với các giá trị chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhiều chính quyền địa phương đã đầu tư đáng kể vào AI thông qua các quỹ đầu tư do nhà nước Trung Quốc cung cấp. Bắc Kinh, Hàng Châu, và Thâm Quyến đều có các phòng thí nghiệm nghiên cứu AI, đồng tài trợ với các trường đại học và công ty công nghệ, phối hợp với các bộ quốc gia.
Hoa Kỳ
Ý thức được tham vọng này của Bắc Kinh, Biden đã bày tỏ một thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Trọng tâm chiến lược của chính quyền Biden nhằm đối phó hiệu quả với Trung Quốc trong thời đại công nghệ không phải là bom đạn, mà là công nghệ thông tin, bao gồm AI và chất bán dẫn (semiconductors).
Chính quyền Biden đã liên tiếp ban hành các sắc lệnh khiến Trung Quốc gặp khó trong việc thu mua các con chip hiện đại nhất cho hệ thống AI. Tháng Mười năm ngoái, chính quyền Biden đã tung một đòn giáng vào công nghệ AI của Trung Quốc, khi quy định các công ty công nghệ Hoa Kỳ không được phép bán chip cao cấp, thiết bị sản xuất chip, và một số sản phẩm công nghệ khác cho Trung Quốc, trừ khi có giấy phép đặc biệt.
Theo báo cáo mới nhất của Financial Times vào ngày 28 Tháng Sáu năm 2023, chính quyền Biden đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với chip chuyên xây dựng hệ thống AI, nhằm hạn chế khả năng Trung Quốc ứng dụng AI vào quân sự. Chính quyền Biden cũng đang chuẩn bị ban hành một sắc lệnh mới, nhằm tạo ra một cơ chế hạn chế khả năng đầu tư của các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Quan trọng hơn nữa, chính quyền Biden hiểu rõ nếu chỉ có mỗi Hoa Kỳ “đơn phương độc mã” đấu với Trung Quốc trong cuộc chiến AI về lâu dài sẽ không dễ dàng. Bởi thế, cuối Tháng Một năm 2023, đội ngũ Biden đã đạt được thỏa thuận với với hai đồng minh hàng đầu là Nhật Bản và Hà Lan, tham gia cùng Hoa Kỳ vào việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn mới đối với Trung Quốc. Tóm lại, chính quyền Biden đã thành công thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan, cấm các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của hai nước này bán cho Trung Quốc các loại thiết bị mà Hoa Kỳ đang cấm bán.
Hà Lan
Hôm nay, Hà Lan đã tuyên bố sẽ áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với Trung Quốc. Các giới hạn xuất khẩu mới này của Hà Lan sẽ có hiệu lực vào Tháng Chín, yêu cầu nhà sản xuất Hà Lan ASML – nhà cung cấp chất bán dẫn hàng đầu thế giới – phải xin giấy phép xuất khẩu của chính phủ để vận chuyển các vi mạch và thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên phong của mình, vốn chưa phổ biến rộng rãi trên toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan, Liesje Schreinemacher, mô tả chính sách này có tầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Các con chip, được sản xuất bằng tia cực tím, là cải tiến mới nhất trong làn sóng ứng dụng quân sự tiên tiến mới, với việc Washington ngày càng cảnh giác rằng Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ này để tăng cường khả năng chiến tranh.
Chính quyền Hà Lan đã đưa ra chính sách đối đầu này, trong bối cảnh Hoa Kỳ ngày càng gia tăng nỗ lực hạn chế các thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong sự lo ngại về hoạt động gián điệp ngày càng tăng, và nhằm ngăn chặn tham vọng thống trị thế giới của Bắc Kinh.
Trong khi đó, trong hơn ba giờ đàm phán tại Brussels, 27 nhà lãnh đạo của khối thương mại lớn nhất thế giới, Liên minh châu Âu, đã thảo luận về các cách giảm sự phụ thuộc tài chính của khối này vào Trung Quốc. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí phải kiên quyết với Bắc Kinh trong việc bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền.
Nhật Bản
Sau khi đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, chính quyền Nhật Bản đã tuyên bố từ Tháng Bảy sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới của nước này tới Trung Quốc. Cũng giống như Hà Lan, chính quyền Nhật Bản đã không nêu đích danh đến Trung Quốc trong các thông báo kiểm soát xuất khẩu đối với 23 loại thiết bị và vật liệu liên quan đến chip của nước này. Thay vào đó, Tokyo cho biết hạn chế xuất khẩu thuộc Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương, không cho phép xuất khẩu một loạt thiết bị và vật liệu công nghệ cao cần thiết cho sản xuất chip đối với những quốc gia không có tên trong danh sách 42 thị trường “thân thiện.” Trung Quốc không nằm trong danh sách này.
Một nhà đầu tư sản xuất chip giấu tên cho biết: “Cảm giác của tôi là danh sách này nhằm mục đích loại bỏ tất cả các nguồn mua sắm đến từ Nhật Bản, nơi mà các công ty Trung Quốc có thể tìm đến để thay thế Hoa Kỳ. Các hạn chế có thể “tàn phá” ngành công nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc, vốn đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.”
Theo dữ liệu thương mại của Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản là nước xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán đứng đầu sang Trung Quốc vào năm 2022. Chính vì thế, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã bày tỏ sự tức giận về quyết định của chính phủ Nhật Bản trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế và gây áp lực ngoại giao lên Tokyo để đình chỉ quy định mới này. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Wang Wentao, đã nói với Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura, rằng nước này phải dừng các biện pháp kiềm chế vì chính sách này thể hiện “việc làm sai trái” vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế.
Đức
Đức là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất các thành phần quan trọng cấu thành nên thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Hôm Thứ Năm, ngày 29 Tháng Sáu, tạp chí kinh tế Bloomberg cho biết chính phủ Đức đang xem xét kế hoạch cấm xuất khẩu các hóa chất được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc. Bloomberg cho biết kế hoạch của Đức đang ở giai đoạn thảo luận ban đầu.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, cho biết “hiện không theo đuổi bất kỳ kế hoạch nào về lệnh cấm xuất khẩu hóa chất chip sang Trung Quốc,” nhưng cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán với các đối tác nước ngoài là bí mật, và không giải thích chi tiết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Mao Ning, khi trả lời câu hỏi hôm thứ Sáu về khả năng hạn chế của Đức, cho biết việc một số quốc gia áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc dưới danh nghĩa giảm sự phụ thuộc là “không mang tính xây dựng.”
Đức ngày càng cảnh giác với Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược, cũng như đối tác thương mại lớn nhất của mình và đang đánh giá lại quan hệ song phương. Tháng Ba vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, đã gợi ý rằng nước này có thể áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc để giữ lợi thế và đang soạn thảo một tài liệu chiến lược về Trung Quốc sẽ được công bố trong năm nay.
AI của Trung Quốc bị siết chết
Không có gì phải bàn cãi, sự phát triển AI của Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn sau hàng loạt các biện pháp thương mại của Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Hà Lan. Tuy nhiên, để có được hiệu quả lâu dài, Hoa Kỳ cần mời gọi sự tham gia của Đức và Hàn Quốc – là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip.
Nếu cả Đức và Hàn Quốc sớm tham gia thỏa thuận do Hoa Kỳ dẫn đầu trong cuộc chiến thống trị trí tuệ nhân tạo, thì công nghệ AI của Trung Quốc sẽ điêu đứng trong một khoảng thời gian. Quả thực, những chính sách không khoan nhượng của Hoa Kỳ và thỏa thuận với các đồng minh đang bóp nghẹt công nghệ AI của Trung Quốc: bóp nghẹt với ý định siết chết.