Đừng lấy ráy tai ở tiệm, kẻo rước bệnh vào thân

Lấy ráy tai tại tiệm hớt tóc thanh nữ ở Việt Nam – Ảnh cắt từ YouTube

Một người gốc Việt ở Mỹ tên Paul Nguyễn kể, trước đây mỗi lần về nước chơi, anh thường đến tiệm cắt tóc thanh nữ, không phải để cắt tóc, mà để được các cô lấy ráy tai. Anh chia sẻ:

“Thật là thú vị và sảng khoái khi được ngả lưng trong một phòng máy lạnh, rồi được một cô gái trẻ đẹp lấy ráy tai cho mình. Đó là thời gian thư giãn tuyệt vời nhất”.

“Thế còn massage thì sao?” Tôi hỏi Paul, nhưng anh nói đó là một câu chuyện khác.

“Thế anh có sắm cho mình một bộ dụng cụ lấy ráy tai riêng không?” Paul cười nói “Có!” rồi giải thích:

“Cái dụng cụ đó không mắc tiền đâu, nên mỗi lần về Việt Nam tôi đều mua một bộ để dùng riêng. Cái họ sử dụng ở tiệm tôi thấy dơ lắm, không vệ sinh, nên rất sợ”.

Paul cẩn thận, vì đã được người thân cảnh báo về chuyện có thể bị lây nấm dẫn đến viêm tai nếu sử dụng chung bộ lấy ráy tai ngoài tiệm. Còn Minh thì không nghĩ như thế. Anh nói mười mấy năm trước, khi còn ở Việt Nam, anh đã có thói quen lấy ráy tai ngoài tiệm mỗi tuần rồi, “chẳng sao cả”.

Cho đến một ngày anh thấy cả hai tai đều bị ngứa, sau đó bị đau; anh ngoáy Q-tip vào thấy nước vàng có mùi hôi. Bác sĩ cho biết anh đã bị viêm ống tai ngoài do nấm, phải điều trị một thời gian mới hết.

“Đó là hậu quả của những lần về nước, nhớ lại cái thú lấy ráy tai nên ghé tiệm hớt tóc thanh nữ cho mấy cô phục vụ mấy lần”. Anh Minh nhớ lại.

Cô gái lấy ráy tai không biết đường đi của ống tai cong, phải kéo vành tai ra sau và lên trên để thấy toàn bộ ống tai ngoài. Họ chỉ cố cào vào, để ráng móc ráy ra làm tổn thương da ống tai, dẫn tới nhiễm trùng – Minh họa: Kiến Thức

Người Mỹ không có dịch vụ lấy ráy tai. Theo bác sĩ tai-mũi-họng, tai có cơ chế tự làm sạch, nên chúng ta không cần thiết phải lấy ráy tai. Chỉ dùng khăn bông mềm thấm nước hoặc Q-tip lau nhẹ phía ngoài vành tai để vệ sinh là đủ.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đừng đưa Q-tip vào sâu quá, vì có thể làm tăng nguy cơ đẩy ráy tai vào sâu bên trong, dẫn đến chèn ép, đau và giảm thính lực

Các chuyên gia cho rằng ráy tai có thể được “tự rớt” ra khỏi ống tai (khi quá nhiều) bằng cách tự bong ra hoặc nhờ các cử động của hàm (nhai, nói chuyện), tắm rửa,… Tuy nhiên, khi gặp phải các tình trạng sau, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và lấy ráy tai:

– Đau tai, nghe âm thanh không rõ.

– Cảm giác ù tai hoặc xuất hiện tiếng ồn, rung trong tai.

– Tai chảy mủ, ngứa hoặc có mùi lạ.

Một trường hợp tai bị nhiễm nấm và thủng màng nhĩ do lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc. Ảnh: BS Minh/Kiến Thức

Bác sĩ Ker cho biết mọi người có thể bỏ thói quen ngoáy tai nếu xem ráy tai là thứ bảo vệ, chứ không phải chất bẩn. “Quan niệm sai lầm phổ biến nhất là ráy tai không hợp vệ sinh, và nhiều bệnh nhân nói với tôi rằng đây là lý do tại sao họ ngoáy tai thường xuyên”, cô Ker chia sẻ.

Theo bác sĩ Ker Liang (chuyên gia về tai mũi họng), việc lấy ráy tai thường xuyên có thể dẫn đến nguy cơ dễ mắc các bệnh, biến chứng về tai. “Với sự hiểu biết này, việc bỏ thói quen ngoáy tai sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng là đừng giữ quan niệm sai lầm xem có ráy tai là mất vệ sinh”, và bà cũng khuyên cáo:

“Nếu bạn cảm thấy ngứa ngáy thì chỉ nên dùng ngón tay cái hoặc khăn ẩm xoay quanh bên ngoài lỗ tai, massage gờ loa tai và nghiêng đầu sang một bên. Nếu bạn bị đau hoặc thính giác bị ảnh hưởng thì hãy đến gặp bác sĩ để lấy ráy tai thay vì tự làm”.

Và nên nhớ, các cô gái bên trong các tiệm hớt tóc thanh nữ ở Việt Nam, không phải là bác sĩ. Thế nên, đừng để họ thọc bất cứ vật gì vào tai bạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: