Nhiều người mua nhà chung cư ‘dính bẫy’ sổ hồng

Chung cư Bảy Hiền bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng nhiều năm qua – Ảnh: Thanh Niên

Ngày 9 Tháng Bảy, báo Thanh Niên trích báo cáo kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của HĐND TP.HCM cho biết, tại Sài Gòn có 60 dự án nhà ở chung cư, chủ đầu tư không giao cho người mua sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở).

Trong 60 dự án này có 41 dự án chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng từ năm 2016 đến 2023, để lấy vốn xây dựng. Đến khi bán cho người dân, thay vì phải giải chấp nợ ngân hàng, lấy sổ hồng về giao cho chủ nhà, thì các chủ đầu tư này tìm mọi cách kéo dài thời gian giao sổ hồng, gây thiệt hại cho người mua nhà từ gần 10 năm nay.

Có thể kể rất nhiều chung cư đã bán nhưng sổ hồng vẫn bị chủ đầu tư thế chấp không giao cho người mua như: chung cư Bảy Hiền (quận 11) thế chấp ngân hàng năm 2008; chung cư Minh Thành (quận 7) thế chấp năm 2010; chung cư Phú Thạnh (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Tân Hồng Ngọc (quận Tân Phú) thế chấp năm 2010; chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) thế chấp năm 2011; chung cư Avila (quận 8) thế chấp năm 2016; dự án Dreamhome Luxury (Gò Vấp) thế chấp ngân hàng từ năm 2015; khu dân cư Phú Hữu (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức) thế chấp từ năm 2005…

Theo luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật TMC LAWYERS, trách nhiệm của chủ đầu tư là sau khi bàn giao nhà ở cho người mua nhà, không quá 60 ngày chủ đầu tư phải bàn giao sổ hồng căn nhà cho khách hàng.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều dự án sau hàng chục năm chủ đầu tư vẫn cầm cố tại ngân hàng, không chịu giải chấp để làm sổ hồng cho người mua nhà. Hành vi này có thể quy vào hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và có thể truy cứu xử lý trách nhiệm hình sự.

Cư dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương cầu cứu khắp nơi liên quan đến các sai phạm của chủ đầu tư – Ảnh: Thanh Niên

Tuy luật là thế, nhưng chủ đầu tư vẫn tay phải cầm tiền vay ngân hàng, tay trái lấy tiền người mua nhà được như thế là do có sự tiếp tay của các ngân hàng. Một chuyên gia tài chính cho biết, tài sản đã đem thế chấp ngân hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm giám sát để bảo đảm tài sản này không được bán khi chưa giải chấp. Khách hàng có thể vừa kiện chủ đầu tư, vừa kiện luôn ngân hàng ra tòa để đòi sổ hồng về cho mình.

Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơn quan chức năng, tuy nhiên, trả lời phóng viên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM tỏ ra vô can trong vụ việc mang tính lừa đảo này. Ông Thắng nói:

“Khi tổ chức xây dựng, chủ đầu tư có quyền thế chấp dự án để lấy nguồn vốn xây dựng. Nhưng phải bảo đảm khi xây dựng xong phải giải chấp ở ngân hàng và nộp hồ sơ cấp sổ hồng cho người mua nhà. Do đó, Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị sớm giải chấp để nộp hồ sơ cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục cấp giấy cho người dân”.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng dẫn quy định cho biết nếu chủ đầu tư cố tình chưa giải chấp nhưng ký hợp đồng với người mua nhà là lừa gạt. Tuy nhiên, ông không đề cập đến trách nhiệm chính Sở Xây dựng đã ký rất nhiều giấy đồng ý cho chủ đầu tư bán nhà không tuân theo quy định.

Liên quan đến các dự án chưa giải chấp ngân hàng nhưng chủ đầu tư vẫn bán, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, tình trạng này thời gian qua xảy ra rất nhiều. TP.HCM sẽ cố gắng minh bạch thông tin tối đa để người dân biết, đồng thời tăng cường xử lý vi phạm.

Dư luận cho rằng, mãi cho đến nay UBND TP.HCM mới “tăng cường xử lý vi phạm” thì đã quá trễ. Một số chủ đầu tư sau khi đã bán hết nhà, chấp nhận phá sản để khỏi phải giải chấp sổ hồng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: