Sau khi vừa tăng giá điện 3% từ hôm 4 Tháng Năm 2023, mới đây tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại đề xuất tăng giá điện tiếp vào Tháng Chín 2023, với lý do… bị lỗ (?!)
Điệp khúc kinh doanh bị lỗ để tăng giá điện liên miên của EVN không còn làm dân chúng Việt Nam tin, chỉ có Bộ Công thương và nhà cầm quyền Việt Nam là tin.
Trithucvn ngày 12 Tháng Bảy cho biết nhờ tăng giá điện hoài mà EVN và công ty con có tiền dư gửi ngân hàng hơn 100,000 tỷ đồng ($4 tỷ 221 triệu), theo báo cáo tài chính của tập đoàn độc quyền này (đã được Deloitte kiểm toán).
Tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn EVN là hơn 660,000 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản tiền gửi ngân hàng được ghi nhận là hơn 100,000 tỷ đồng.
Báo cáo còn cho thấy doanh thu năm 2022 của EVN đạt 476,000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Trong đó, 96% doanh thu là tiền bán điện với 456,000 tỷ đồng, tăng 9% so với 2021.
Lạ một điều là dù doanh thu tăng nhưng EVN vẫn lỗ tới 20,747 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán năm 2022 lên đến 452,000 tỷ đồng, tăng gần 17% so với kỳ trước (?) Như vậy, giá vốn tương đương doanh thu bán điện?
Đến cuối năm, tổng tài sản của EVN và các công ty con là hơn 666,000 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với đầu năm. Trong đó, riêng các khoản tiền gửi ngân hàng ghi nhận hơn 100,000 tỷ đồng, đã giảm hơn 30,000 tỷ đồng so với năm trước.
Theo giải thích của EVN, việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm cao, phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm bảo đảm tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian kế tiếp?
Trong năm 2022, EVN cũng vay thêm từ các ngân hàng thương mại có chủ sở hữu là vốn nhà nước hoặc chiếm cổ phần chi phối hơn 12,700 tỷ đồng. Tập đoàn cũng trả nợ gốc vay cho các ngân hàng tổng cộng hơn 15,460 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính, EVN đang vay nợ các ngân hàng tổng cộng hơn 97,000 tỷ đồng. Báo cáo còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong năm của EVN lên tới hơn 3,670 tỷ đồng, chi phí lãi vay hơn 14,500 tỷ đồng.
Tuy EVN lỗ hơn 20,000 tỷ đồng nhưng nhiều công ty con của tập đoàn này báo lãi, lương nhân viên và thưởng bình quân trên 30 triệu đồng/người/tháng.
Các Tổng công ty phát điện (EVN Genco) thuộc EVN đều đã công bố báo cáo tài chính năm 2022. Điểm chung của các tổng công ty này là chi phí trả lương cho nhân viên đều ở mức cao so với mức trung bình của thị trường lao động (chưa kể thưởng), lợi nhuận sau thuế đạt từ 2,000 – 4,000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán của Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1), trong năm 2022, đơn vị này đạt hơn 36,600 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của Genco1 đạt hơn 2,100 tỷ đồng.
Thời điểm 31 Tháng Mười Hai 2022, Tổng công ty Genco1 (EVN nắm 100% vốn) có 11 đơn vị trực thuộc và tổng số lượng nhân viên của nhóm công ty này là 3,308 người (thời điểm đầu năm 2022 là 3,319 người).
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong năm 2022, chi phí nhân viên của Genco1 ở mức gần 1,500 tỷ đồng. Như vậy, trung bình thu nhập mỗi nhân viên đạt mức 452 triệu đồng/người/năm (tức 37.7 triệu đồng/người/tháng, tương ứng $1,591/tháng).
Còn các công ty Genco2 và Genco3 (EVN chiếm hơn 50% vốn), cũng báo doanh thu tăng và lợi nhuận tăng, mức lợi nhuận sau thuế đạt từ 2,550 – 4,530 tỷ đồng/công ty, nên trung bình mỗi nhân viên nhận được 32 triệu – 34 triệu đồng/tháng ($1,351 – $1,435/tháng), chưa kể thưởng cuối năm.
Còn chủ tịch của EVN Genco1, mức lương thưởng được nhận trên báo cáo tài chính là gần 760 triệu đồng/năm ($32,087/năm). Các thành viên của Hội đồng thành viên nhận gần 2 tỷ đồng trong năm 2022. Còn Tổng giám đốc EVN Genco1 nhận gần 710 triệu đồng/năm ($29,976/năm).
Điều kỳ lạ là dù ba công ty con báo lãi lớn nhưng tập đoàn EVN vẫn báo lỗ hơn 20,000 tỷ đồng và dự báo sẽ lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng năm 2023 (?!)
Hôm 4 Tháng Năm, EVN chính thức tăng giá điện thêm 3%, lên mức 1,920 đồng/kWh (chưa thuế VAT). Mức tăng này sẽ mang về thêm 8,000 tỷ đồng doanh thu cho EVN.
Chưa được bao lâu, EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện vào Tháng Chín 2023 với lý do “chưa đủ bù đắp các khoản lỗ” (?!)
Thiệt, trên thế giới này chắc chỉ duy nhất EVN là được kinh doanh trong điều kiện lý tưởng nhất, vừa được ưu thế độc quyền, vừa than lỗ triền miên để có cớ tăng giá, đã vậy còn muốn cúp điện lúc nào thì cúp!