Theo nghị quyết của Quốc hội, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Bảy năm 2023, mức lương cơ sở từ 1.49 triệu đồng/tháng được tăng lên thành 1.8 triệu đồng/tháng.
Điều này có nghĩa là lương căn bản của công chức, viên chức nhà nước nhóm thấp nhất – bậc 1, nhóm 1 (C1) – sẽ được tăng từ 2,458,500 đồng/tháng ($103.85) lên 2,970,000 đồng/tháng ($125.46). Lương căn bản của nhóm cao nhất – bậc 6, nhóm 1 (A3.1) – sẽ được tăng từ 11,920,000 đồng/tháng ($503.54) lên 14,400,000 đồng/tháng ($608.30).
Như thế, người làm cho nhà nước có lương thấp nhất được tăng $511,500 đồng/tháng, người có lương cao nhất được tăng 2,480,000 đồng/tháng.
Đến ngày 15 Tháng Bảy tới đây, họ mới được cầm thêm số tiền lương tăng này (lãnh lương đợt 1 trong tháng). Lúc đó, chắc có nhiều công chức, viên chức nhà nước sẽ quay mặt về hướng Bắc cảm tạ đảng và nhà nước lắm.
“Lương tăng không bao nhiêu, nhưng mua được cái quần, cái áo cho chon đi học cũng mừng lắm”, một người làm ở UBND quận 3 (Sài Gòn) cầm lá cờ đỏ sao vàng, chia sẻ cảm nghĩ như thế trên mạng xã hội.
Nhưng ông công chức này và hàng triệu người làm cho nhà nước đã mừng… hụt, vì chưa cầm được món tiền tăng lương đầu tiên, họ lại nghe tin Bộ Y tế đề xuất tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, theo mức tăng lương cơ sở lên 1.8 triệu đồng vừa được tăng.
Bà Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến biết tin sớm lắm, vội lên tiếng ủng hộ như sợ mất phần. Bà nêu “quan điểm” với báo VNExpress:
“Chúng ta phải tính đúng, tính đủ một cách rõ ràng dịch vụ khám chữa bệnh. Phần chi phí nào người dân không đủ khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước bảo đảm, không đẩy khó khăn, áp lực cho bệnh viện”.
Có người nói chẳng liên quan gì đến người dân lao động, vì họ có bảo hiểm của nhà nước, đi khám bệnh theo tuyến chỉ định. “Người giàu đi khám chữa bệnh dịch vụ mới sợ, nhưng mà họ có tiền thì cũng chẳng lo lắm chuyện chuyện tăng giá”. Họ lý luận như thế.
Thế nhưng, nếu để ý lời bà Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thì mọi chuyện không hề đơn giản như thế. Bà Hà cho rằng xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là “rất quan trọng để xác định việc tham gia chi trả của bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước, người bệnh”. Lộ trình tăng giá khám chữa bệnh cần lựa chọn dịch vụ tăng trước, đánh giá tác động trước khi mở rộng, từ đó tạo đồng thuận trong xã hội. Theo trích dẫn của báo VNExpress.
Có thể hiểu rằng, họ muốn “chém giá thằng có tóc trước”, sau đó mới “túm thằng trọc đầu” mà đánh, với chiêu bài tăng giá khám chữa bệnh nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện công lập nâng cao chất lượng, như lời ông Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Cho Hà rất đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, và cho rằng chỉ có như thế bệnh viện công lập mới có khả năng “giữ chân” bác sĩ giỏi, chuyên viên có trình độ chuyên môn cao. Việc tăng giá cũng giúp có thêm nguồn vốn tập trung đầu tư cho các bệnh viện vùng xa, khó khăn.
Nghe như ông Hà rất “yêu nước, thương dân”. Sự thật có đúng vây không thì phải xem lại.
Dư luận cho rằng Bộ Y tế đang chơi trò “mèo vờn chuột”, khi chỉ đưa ra một phần nhỏ của vở kịch tăng giá dịch vụ khác chữa bệnh. Việc tăng giá này chỉ mới là phần “mở màn”.
Theo giải thích của Bộ Y tế thì nếu điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ là 5% thôi. Nếu tăng đến 10% thì mới bị gọi là “bóp hầu bóp cổ nhân dân”!
Phần “mở màn” của vở kịch tăng giá khám chữa bệnh coi bộ vẫn nhẹ nhàng. Khi Bộ Y tế triển khai tính luôn chi phí quản lý vào giá thì lúc đó vở kịch này mới đến hồi “cao trào”. Lúc đó, tỷ lệ tăng bình quân của dịch vụ khám chữa bệnh dịch vụ mới tăng lên… 9%.
Tỷ lệ này “chưa đụng trần” (10%), nhưng cũng đủ cho bệnh nhân lên cơn “động kinh”. Đó là cách tính toán “siêu việt” của lãnh đạo Bộ Y tế.
Lúc này, việc tăng giá dịch vụ sẽ tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung (CPI), và tỉ số này cũng được giữ lại ở mức dưới 0.41 điểm phần trăm… chừng 0.01 điểm thôi, để không bị cho là tác nhân gây lạm phát.
Mà có lẽ điều lo sợ đó sẽ xảy ra trong tời gian tới đây thôi. Vì theo văn bản của Bộ Y tế, nếu tính chi phí khấu hao trang thiết bị y tế, tài sản thì sẽ làm giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng rất cao.
Ví dụ, tại cơ sở y tế tư nhân giá dịch vụ khám chữa bệnh có tính khấu hao thì riêng tiền khám bệnh bình quân đã 200,000 – 300,000 đồng, tiền giường bệnh từ 1 đến 5 triệu đồng, gấp 5-10 lần giá của bệnh viện công.
Như thế, khi điều chỉnh giá đủ, thì giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ cao gấp 2-3 lần giá hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh tế xã và chỉ số CPI.