Có đến vài chục sản phẩm được tung ra thị trường để phục vụ cho những người bị cho là sai tư thế. Nẹp chỉnh sửa tư thế mang bên trong quần áo được quảng cáo là sẽ giúp bạn thẳng hơn và không vặn vẹo. Nhiều thiết bị cam đoan sẽ giảm chứng đau lưng khó chịu và phổ biến. Nhưng các thiết bị điều chỉnh tư thế có thực sự mang lại lợi ích không?
Scott Beadnell, nhà vật lý trị liệu tại Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon, nói: “Tôi xem đó đơn thuần là trò quảng cáo không hơn không kém”. Một số người có thể thấy các thiết bị này hữu ích theo một cách nào đó hoặc thích sử dụng chúng, nhưng việc đạt được một tư thế “đúng” như họ mong đợi là không thể. Thậm chí chúng không thể giữ cho bạn thoải mái và không bị đau khi làm việc.
Hầu hết thiết bị điều chỉnh tư thế là biến thể của nẹp, áo ngực hoặc áo sơ mi (shirt) nhằm kéo vai, cổ, lưng của bạn thẳng hơn và giảm đau do tư thế xấu. Một số được quảng cáo giúp điều trị cả tật vẹo cột sống ở người lớn! Trong các công cụ điều chỉnh tư thế còn có các thiết bị điện tử đeo được giúp “phát hiện” tư thế không thẳng và dùng phản hồi sinh học như rung để nhắc người đeo đứng thẳng. Nhưng giữa quảng cáo và thực tế là khoảng cách dài – The Washington Post cho biết.
Một bài đánh giá năm 2019 công bố trên tập san Scandinavian Journal of Pain dựa vào kết quả từ sáu nghiên cứu đánh giá loại áo sơ mi (shirt) điều chỉnh tư thế, trong đó khẳng định mặc áo thường xuyên sẽ giúp sửa lại tư thế, giảm đau, thậm chí tăng năng lượng và năng suất. J.P. Caneiro, nhà vật lý trị liệu và nghiên cứu viên tại Đại học Curtin ở Perth, Úc, một trong những tác giả của bài đánh giá kết luận: “Sáu nghiên cứu đều có vấn đề. Thứ nhất, chúng không thể đánh giá đầy đủ mức độ hiệu quả của sơ mi điều chỉnh tư thế trong giảm đau vì những người tham gia… không bị đau. Chất lượng nghiên cứu rất thấp!”.
Caneiro nhấn mạnh: “Không có đủ bằng chứng xác đáng là loại áo sơ mi này chỉnh sửa được tư thế. Loại được chứng đau cơ xương khớp càng không thể”. Bằng chứng cũng yếu với các thiết bị đeo điện tử. Upright, công ty sản xuất thiết bị đeo Upright Go, chỉ trích dẫn có một nghiên cứu duy nhất để chứng minh lợi ích của thiết bị mà họ sản xuất dù nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm nhỏ thanh niên và không có đánh giá khách quan nào về cơn đau hay cách đo cơn đau.
Nên dùng hay không?
Nhưng một số chuyên gia lưu ý việc thiếu bằng chứng ủng hộ không có nghĩa những thiết bị điều chỉnh tư thế vô dụng với mọi người mà “chỉ là các nhà khoa học chưa thể chứng minh chúng hữu ích đối với đa số”. Mayur Jivanjee, nhà vật lý trị liệu cơ xương ở Melbourne, giải thích:
Chẳng hạn, nẹp tư thế hoặc thiết bị đeo nhắc nhở người mang hãy giữ cho cột sống ở vị trí thẳng khi đang làm việc đều có ích. Niềng điều chỉnh hỗ trợ khá tốt cho trẻ em bị vẹo cột sống. Theo Hiệp hội nghiên cứu chứng vẹo cột sống (Scoliosis Research Society), đối với những đứa trẻ vẫn đang phát triển với cột sống chưa trưởng thành hoàn toàn, có bằng chứng việc sử dụng nẹp chỉnh hình giúp giảm nguy cơ cong vẹo cột sống nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với người đã ngừng phát triển, nẹp không nên dùng và sẽ không ngăn được tình trạng cong cột sống nặng hơn.
Các dụng cụ chỉnh sửa tư thế có một vấn đề nữa là chi phí đắt và bạn có thể phí tiền cho một thứ vô bổ. Jivanjee lưu ý: “Mang nẹp có thể dẫn đến tâm lý chủ quan là đã có nẹp”. Eugene Wai, bác sĩ phẫu thuật cột sống và phó giáo sư phẫu thuật chỉnh hình tại Đại học Ottawa lo lắng về một tác hại khác của niềng điều chỉnh tư thế vật lý ở những người đang phải bị chứng đau lưng, yếu cơ và căng cơ hoành hành. “Điều nguy hiểm là người mang ngày càng phụ thuộc vào chiếc nẹp và làm trầm trọng thêm cơn đau lưng, thay vì giúp ích” – ông nói.
Một câu hỏi đáng quan tâm là tư thế xấu có gây đau lưng không? Câu trả lời: Không ai biết chắc chắn. Wai nói: “Tôi không nghĩ chúng ta có bằng chứng đáng tin cậy về việc tư thế xấu dẫn đến đau lưng mãn tính”. Wai từng là đồng tác giả một nghiên cứu năm 2010 trên Tạp chí Spine tổng hợp các nghiên cứu có sẵn về những người lao động phải ở trong các tư thế sai khi làm việc (ví dụ công nhân vét cống thoát nước phải khom người để làm việc trong các đường cống hẹp). Nghiên cứu tìm thấy rất ít bằng chứng ủng hộ ý kiến cho rằng các tư thế sai gây đau lưng.
Không có tư thế tốt cho mọi người
Nhưng một số phân tích (cũng tổng hợp các nghiên cứu hiện có) lại kết luận khác. Ví dụ, một phân tích năm 2012 trên tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ (American Journal of Public Health) đã phát hiện những người làm công việc đòi hỏi tư thế lưng không bình thường (cùng với các loại gắng sức khác như nâng vật nặng) có nhiều khả năng sẽ bị đau thắt lưng hơn.
Năm 2020, một nghiên cứu đăng trên Journal of Biomechanics đã cố gắng tập hợp kết quả từ nhiều phân tích tương quan giữa tư thế và hoạt động thể chất. Phát hiện trái ngược nhau có nghĩa là không có sự đồng thuận về mức độ mà các tư thế (ngồi, đứng, nâng, uốn, vặn, v.v.) góp phần gây ra chứng đau lưng. Dino Samartzis, phó giáo sư phẫu thuật chỉnh hình tại Khoa Y trường Đại học Rush ở Chicago, nhận định: “Đau lưng rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ”.
Ông chỉ ra những bằng chứng gần đây cho thấy các yếu tố như di truyền học, nhân khẩu học, kinh tế xã hội và thậm chí cả hệ vi sinh vật cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển cơn đau của một người. Cuối cùng là chúng ta có thực sự cần phải điều chỉnh tư thế? Câu trả lời: Không cần thiết!
Giả định cơ bản của các thiết bị điều chỉnh tư thế là có một tư thế đúng chung cho mọi người nhưng đây chỉ là giả định. Đối với Jivanjee, sự phân biệt giữa tư thế tốt và xấu không hữu ích lắm. Ông đề xuất các tư thế hoặc chuyển động khác nhau cho những người khác nhau, dựa trên mô hình công việc, kích thước cơ thể và tiền sử chấn thương. Một số chuyên gia cũng đồng ý tư thế phù hợp với người này chưa chắc phù hợp với người kia. Nói rõ hơn, không có tư thế “tốt” cho mọi người.