Hoa hậu Bồ Đào (10)

Hiếu và cả Trọng nữa đều không biết những gì ông chủ hãng Sudiwimport đã nói với viên chủ sự văn phòng của ông ấy. Ông ấy nói đại khái y như ông chủ hãng mà Trọng giúp việc: Hiếu quá đẹp, đẹp ghê hồn và ông ngại sẽ có chuyện không lành xảy ra.

Vì thế mà ông chỉ bằng lòng giúp thầy Trung một việc nhỏ thôi là cho Hiếu được đánh máy trong vòng một tháng cho nàng nhuần tay.

Ngày đầu tiên Hiếu ở gần hết giờ, ngại ngùng không dám về sớm như đã định. Nàng không ghé thăm Trọng được vì còn rất ít thì giờ, nàng phải về giúp mẹ.

Nhưng qua ngày thứ nhì, nàng ra đi hồi bốn giờ và nhơn bữa ăn tối, bà Trung thổi nấu rất trễ, nàng ghé qua hãng Vicolédo để thăm bạn. Trọng mừng quýnh vì chàng rất lo Hiếu giận hụt chỗ làm rồi không ghé nữa.

-Thế nào em, Trọng hỏi ngay tại bàn viết của người tùy phái chớ hai người không kéo nhau ra vỉa hè như trước, có gì lạ không em? Hôm qua vắng em một ngày, anh chạy ra đây gần hai mươi lần, em không tin hỏi chú năm đây thì biết.

Người tùy phái cười hề hề mà rằng:

-Thầy mà chạy ra chạy vô dòm chừng mãi như vậy, chắc ông chủ ổng phải mời cô đây vào làm việc kẻo thầy bỏ phế hết thảy.

Câu pha trò của người tùy phái đã xác nhận lời của Trọng, khiến Hiếu nghe sung sướng hơn bao giờ cả và cả ba cười xòa.

-Có gì lạ hôn em? Trọng lại hỏi.

-Em dượt đánh máy được một ngày rưỡi rồi.

-Tốt lắm. Còn anh, anh đã tìm được một người quen của thầy Nam.

-Vậy hả? Ai đó anh?

-Em không biết đâu. Người ấy làm ở sở khác, nhưng ở cùng xóm với thầy Nam.

-Có phải xóm nhà thương Thuốc Chó hôn?

-Phải.

-Như vậy thì đúng là quen với thầy Nam. Anh ra ngoài em nói cái nầy.

Trọng theo Hiếu bước ra vỉa hè thì nàng mở ví lấy một bức ảnh chân dung rửa trên giấy lụa, cỡ dùng gắn thẻ kiểm tra.

-Em chụp đến năm kiểu mới chọn được kiểu nầy. Anh xem có đẹp không?

-Sao lại không. Hình nào của em cũng đẹp hết é.

-Anh mến em, anh thấy như vậy, nhưng phải thấy khác hơn kìa. Vì em lại còn dự thi nữa.

-Thi gì đó ?

-Thi ảnh đẹp.

-Thi ảnh đẹp? Thi ở đâu vậy? Để đóng phim hả? Coi chừng, họ chỉ xạo thôi, họ làm rùm beng mà rốt cuộc không có gì cả.

-Không phải đóng phim. Em giữ bí mật. Chừng nào có kết quả, anh sẽ biết. Còn anh, anh đã có ảnh tặng em chưa?

-Có từ lâu, nhưng anh chưa dám. Nay thì dám đây. Nhưng em có dám nhận ảnh có đề tặng sau lưng hay không?

-Có tặng hay không tặng gì em cũng giấu thật kín. Như vậy anh cứ viết gì trong đó tùy anh.

Trọng rút bóp ra, lấy một bức ảnh của chàng có đề tặng sẵn từ bao giờ rồi, và một món quà gì nhỏ xíu, chỉ bằng ngón tay út thôi.

-Đố em biết gì đây ?

-Anh chìa ra coi. Ý ông Phật!

Hiếu chụp lấy món quà nằm trong tay xòe của Trọng và ngạc nhiên hết sức mà thấy đó là một tượng Phật tạc trong một hột cà-na.

-Trời, khéo quá, nhứt là quý lắm, trên đời chưa chắc có hai tượng Phật loại nầy.

-Em nói đúng. Đây là của gia bảo của một vị luật sư, đã quá vãng. Ông ấy mua tượng nầy tại Thượng-Hải cách đây ba mươi năm. Chính con trai của ông ấy đã tặng anh đó, anh ấy chỉ giữ lại có chiếc thuyền rồng cũng tạc trong một hột cà-na lớn bằng hai hột nầy.

Anh không tốn tiền, nhưng món quà nầy quí giá biết bao nhiêu. Hiếu cảm động lắm, nâng tượng Phật sát ngực nàng và nói thêm:

-Anh của em, không biết anh có giữ được mãi như đã hứa hay không, chớ em thì tượng Phật nầy, em sẽ đeo cho đến lúc xuống mồ.

-Anh vừa nghĩ ra một ý hay: TƯỢNG PHẬT CÀ-NA, đó là tên một phim có câu chuyện tình kỳ bí mà em sẽ đóng.

Hiếu cười ngặt nghẹo:

-Em không có đóng phim. Em nói em chỉ dự thi ảnh đẹp thôi mà.

-Cuộc thi gì mà bí mật dữ vậy?

-Không bí mật, chỉ tại em muốn giấu anh thôi. Anh chưa trả lời em coi ảnh đẹp lắm không.

-Đẹp kinh khủng. Nhưng anh lại muốn họ thấy em xấu.

-Sao anh xấu bụng dữ vậy ?

-Vì anh ghen, anh không muốn sắc đẹp của em được phổ biến ra cho nhiều người ngắm.

-Bao nhiêu người ngắm mặc họ, miễn em chỉ ngắm lại một người thôi, như vậy không đủ cho anh hay sao?

-Rất đủ, nhưng khó lòng mà em chỉ ngắm một mình anh.

-Xấu bụng thấy mồ.

Đôi bạn cười xòa, và Hiếu xin đi, kẻo ra về trước mà tới nhà sau, ông bố ổng mắng cho.

Hôm nay nàng qua lối cũ, đi vòng lớn, chạy ngang trường đánh máy để nghe xem thử cảm giác như thế nào, nhưng mục đích chánh của cuộc đi diễu các phố là để xem thử hãng rượu Bồ Đào ra sao.

Nàng vừa thố lộ với Trọng cuộc dự thi ảnh đẹp của nàng, nên nhớ lại cái hãng tổ chức cuộc thi vĩ đại ấy, và muốn biết mặt nó.

Hiếu trở lại những nẻo đường đi học đánh máy dạo trước, nhưng thay vì quẹo bên nhà thờ Huyện-Sĩ, nàng chạy luôn ra ngã sáu Quẹt-Đon.

Vừa đạp xe, nàng vừa xem chừng số nhà bên tay trái, dãy số chẵn, và khi gần tới bồn binh Ngã Sáu, ngôi nhà kỳ dị của hãng Bồ-Đào bỗng như thình lình mọc lên trước mắt nàng.

Đó là một căn nhà của một dãy phố trệt cũ, chủ hãng rượu mua lại và lên lầu. Năm từng lầu đối với một căn nhà hẹp bốn thước làm cho ngôi nhà ấy ốm nhom và cao lỏng khỏng.

Nhà gắn nhiều sắt bộng quá nơi các cửa và các cửa sơn đủ thứ màu sặc sỡ, trông cứ ngỡ là một tửu lầu ở Chợ-Lớn.

Nhưng chắc chắn là hãng rượu giàu, nếu không, nó đã không chồm lên cao đến thế, và bấy giờ Hiếu mới hết nghi ngờ về giải thưởng mười ngàn mà hãng rượu đã treo.

Nàng không rõ sự thật bên trong của hãng, và tình hình nguy ngập của hiệu buôn nầy từ hơn một năm nay.

Hãng Bồ Đào chỉ xuất hiện trong nước có bốn năm nay và buổi đầu rượu bán chạy thật nên chủ hãng mới làm giàu lẹ như vậy.

Ông chủ hãng trước kia làm nghề gì không ai rõ, chỉ biết là khi ông về mướn căn phố ấy với giá bốn ngàn đồng mỗi tháng, không tiền nước, thì chính tay vợ chồng ông súc chai, vô rượu, đóng nút và dán nhãn suốt ngày đêm chớ không có thợ thuyền nào phụ giúp.

Rượu là một thứ rượu nếp ngâm quế, ngâm vị, với lu bù thứ vỏ cây thơm khác nữa mà một người bạn của ông ta, vốn biết chữ nho, đã đặt giùm cho ông ta cái tên thơ mộng ấy: RƯỢU BỒ ĐÀO.

Trên nhãn hiệu, dưới chữ “Rượu Bồ Đào” có in thêm câu thơ Đường “Bồ Đào mỹ tửu dạ quan bôi”, cũng do người bạn thạo Nho ấy mách cho. Ông chủ hãng đã hỏi nghĩa của hai tiếng “Bồ Đào” và của câu thơ kia, nhưng người bạn chỉ hóm hỉnh cười đáp:

-Ngày xưa, nhà văn kiêm doanh thương Nguyễn-Háo-Vĩnh ở đường Bô-Na cũng đã chế ra một thứ rượu lô-canh như anh. Ông ấy đặt tên là rượu “Cô Tô” và cũng biên trên nhãn hiệu hai câu thơ đường:

“Thuyền ai đậu bến Cô-Tô,

“Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn san”.

Người tiêu thụ thuở ấy cũng không hiểu gì cả, nhưng chính nhờ sự không hiểu ấy, nhờ bức màn huyền ảo bao bọc lấy tên rượu mà rượu Cô Tô đã nổi danh tài sắc một thời. Nay anh và khách hàng của anh cũng không cần hiểu gì hết, miễn tên rượu nghe thơ mộng là được rồi.

Hãng rượu Bồ Đào làm ăn phát đạt được vài năm thì lâm nguy vì sự cạnh tranh của nhiều hiệu rượu khai vị lấy tên có vẻ Âu-châu như là Maltilo, Lolati, v.v… Nếu nhạc giựt gân muốn lấn vọng cổ thì rượu Tây lấn hẳn rượu Tàu.

Bồ Đào nghe thơ mộng thật đấy, nhưng đời nầy người ta thích ba-gai hơn là mùi thơ. Thành thử số thương vụ của hãng bị sụt đến đỗi bộ tham mưu Bồ Đào phải hốt hoảng lên. Phải, bây giờ hãng đã có bộ tham mưu chuyên nghĩ ra sáng kiến và thủ đoạn tranh thương.

Sau nhiều tuần bàn cãi, rốt cuộc người ta thỏa thuận nhau về nguyên tắc mở một chiến dịch quảng cáo mới, để lăng-xê lại các hiệu cũ. Và sau một tuần bàn cãi nữa, nguyên tắc đã nêu được quyết định thực hiện theo chiều hướng nầy: Tuyển lựa một mỹ nhân mà ban tuyển trạch sẽ gọi là “Hoa Hậu Bồ Đào”, Hoa Hậu Bồ Đào sẽ được quay phim thời sự rồi cho chiếu trên màn bạc của khắp các rạp xi-nê trong nước, trình bày cô ấy đang tự rót rượu Bồ Đào cho mình.

Hãng rượu không trực tiếp chọn mỹ nhân mà giao cho một nhựt báo làm công việc đó. Chính đó là cuộc thi ảnh đẹp do nhựt báo Rạng-Đông tổ chức mà Hiếu đã úp mở khoe trước với Trọng cuộc tham dự của nàng.

Hiếu không tự biết rõ sắc đẹp của mình lắm, chỉ dự thi cho vui vậy thôi, và chỉ mong một giải an ủi để kiếm ngàn bạc tiêu vặt vậy thôi.

Hiếu bọc bồn binh ở Ngã Sáu Quẹt-Đon rồi đạp thẳng về nhà. Từ đây, trong đời nàng có đến ba hy vọng: mong đợi kết quả cuộc thi ảnh đẹp, ngóng trông một chỗ làm và… tưởng nhớ đến người thanh niên xuất hiện ngay trên đầu đường đời của nàng và hạp ý nàng ngay.

Trong thời gian chờ đợi, mối tình của đôi bạn trẻ cứ trưởng thành lần lần và Trọng đã nói được cho mẹ chàng ưng thuận lên Sài Gòn nhờ ông bạn của thầy Bảy Nam đưa đường dắt nẻo cho, để tiếp xúc với bên đàng gái.

Nhưng bà cụ còn phải sắp xếp việc nhà cái đã, mà các cụ thì sắp xếp rất chậm, vì còn phải đợi cho ổ gà nở, đợi cúng mùng năm, đợi lễ cầu an, vân… vân…

Hy vọng và thất vọng vì Hiếu tự lực đi tìm việc, gõ vào cửa nào (những cánh cửa có mách là đang cần nhân viên) cũng nghe họ trả lời một câu: “Rất tiếc”.

Bên trong các hãng buôn mà Hiếu đã gõ cửa, vẫn có một buổi nói chuyện ngắn giữa chủ hãng và một nhân viên ruột, câu chuyện na ná giống chuyện giữa chủ hãng Vicolédo và thầy Trọng hôm nào.

Làng báo Sài Gòn mỗi ngày bán thêm được một số báo như đã nói và độc giả ấy vẫn trung thành bởi nàng còn ngóng một cái tin, quan trọng hơn là lời rao cần người nữa: đó là sự xuất hiện ảnh của nàng trên trang nhứt của nhựt báo Rạng Đông.

Những bức ảnh đã ra, Hiếu thấy là những người có chơn dung ấy không đẹp bao nhiêu, và có cả những cô xấu nữa là khác mà chắc báo đăng với tinh thần khuyến khích, và có lẽ phần nào cũng để vuốt ve một số người dự thi, càng đông, càng có lợi cho việc bán báo.

Vì thế mà càng trông đợi, Hiếu càng hy vọng. Giờ thì nàng không phải chỉ dám ước ao một giải an ủi nữa, mà mong cả các giải lớn, hạng ba, hoặc hạng nhì, nếu không là hạng nhứt.

Bên ngoài, độc giả rất là đa nghi. Người ta tin như đinh đóng rằng nhà báo hoặc hãng rượu đã có sẵn trong tay một cô em họ, một đứa cháu hay một cô nhân tình mà họ muốn lăng-xê, và cái giải nhứt, cái chức hoa hậu kể chắc như là có người nắm rồi, chỉ còn mong giải nhì, giải ba thôi để kiếm vài ngàn xài chơi.

Hôm nào báo cũng đăng ít lắm là ba ảnh ở trang ngoài, ảnh ba cô đẹp nhứt trong ngày và độ một chục ảnh ở trang trong. Người đẹp sao quá nhiều và tuy Hiếu không sợ cạnh tranh của ai, nàng cũng thấy cuộc chen vai thật là gay cấn.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: