Bà Trung và Hiếu bảo xích lô máy đậu tại góc Hàng Sao và Thống-Nhứt vì họ thoáng thấy đằng rạp xe hơi đen nghẹt và thiên hạ đứng đầy trên vỉa hè, họ phát sợ lên, không dám để người ta chú ý đến họ, vì tiếng nổ dữ dội của động cơ chiếc xe bình dân mà họ đi.
Hiếu dìu mẹ băng qua đại lộ, bà Trung mấy lần hốt hoảng trì lại vì sợ xe, rồi khi qua đến bên kia đường hai mẹ con đi bộ thật chậm. Nhưng sao mà họ cứ mau tới nơi quá và đỗi đường từ ngã tư đến rạp hát ngắn một cách đáng giận.
Hiếu dừng chơn lại với mẹ ngoài bìa đám đông. Tất cả thiếu nữ và thiếu phụ mà nàng thấy trong đám ấy toàn là hoa hậu cả, dưới mắt nàng. Sao mà họ đẹp đẽ thế với đủ màu áo, đủ lối tóc, và người nào cũng trắng trẻo còn hơn nàng nữa và nhứt là họ đi đứng cười nói lịch sự quá chớ không ngượng tay ngượng chơn như nàng trước một chỗ đông người.
Đám người ấy bỗng thưa lần và Hiếu đoán họ vào hết bên trong. Nhưng nàng vẫn không dám nhúc nhích. Bà Trung phải giục:
-Thôi, má con mình vô chớ con, thiên hạ đã vô hết rồi kia.
Khi cả hai bước tới rạp hát thì thấy chỉ còn vài người đàn ông leo heo đứng nơi thềm, người nào cũng có vắt một chiếc hoa nhỏ nơi túi áo trên.
Mẹ con bà Trung chìa thiếp mời ra trình cho họ, vì đoán rằng họ trong ban tổ chức thì một ông liếc sơ vào thiếp và la lên:
-Trời ơi, người ta đợi cô từ sớm tới giờ đấy.
Ông ấy chỉ nhìn Hiếu rồi nói với nàng thôi chớ không kể tới bà Trung, rồi ông ta tiếp:
-Thôi, mời cô đi theo tôi, xin cô mau bước một chút.
Nhưng ông ta không vào bằng cửa chánh mà lại đi vòng ra ngoài sau rạp bằng một ngõ cụt bên hông rạp.
Bà Trung và Hiếu sanh nghi, ngỡ hắn gạt gẫm gì đây nên khựng lại không chịu tiến nữa. Hắn nghe im tiếng bước sau, đoán hiểu nên day lại cười nói:
-Bà đây đi với cô chắc? Xin cứ theo tôi, chỉ có những người dự khán mới là vào rạp còn người dự thi thì vào hậu trường để ra sân khấu trình diện.
Nghe nói phải ra sân khấu, Hiếu sợ hãi quá, bất giác nắm lấy tay mẹ như để cầu cứu, và níu mẹ lại không cho bà Trung đi.
Bà Trung ngỡ hiểu được nỗi sợ hãi của con, dỗ nàng:
-Ông ấy có vẻ nói thật đó, con cứ đi, không sao đâu. Vả lại có má đây mà!
Rầu lòng, nàng để bước theo mẹ, tưởng chừng như lên đoạn đầu đài không bằng.
Cuối ngõ là sáu bực thang xi-măng đưa lên một cái cửa hẹp đang mở. Lần đầu tiên Hiếu sắp để chân vào hậu trường một rạp hát nên nàng hồi hộp ghê lắm.
Người dẫn đường biến vào trong và khi hai mẹ con bước lên tới đầu cầu thang thì trong ấy chạy ra bốn ông ăn mặc chỉnh tề.
-Cô Bích-Lệ hả? Một ông hỏi.
Hiếu còn đang ấp úng thì ba Trung đã mau miệng đáp:
-Con tôi tên Hiếu à không, tên Nguyễn-Thị-Nghĩa.
-Phải rồi, cô Nghĩa là Bích-Lệ mà.
Cả bốn ông đều tươi cười và một ông mặt đỏ gay dường như đã uống rượu, miệng ngậm điếu thuốc lá Phi-Luật-Tân rất dài, pha trò:
-Cô Bích-Lệ tới sau hết, nhưng chắc là sẽ đi trước thiên hạ hết.
-Ừ, cô Bích-Lệ nhiều hy vọng lắm.
-Thôi, mời bà đây với cô Bích-Lệ vào trong để rồi ban tổ chức còn mách lối ra sân khấu cho mấy cô nữa chớ.
Hiếu đã bớt sợ vì thấy mấy ông ấy không có gì đáng khiếp lắm. Nhưng khi vào đến bên trong thì nàng bị mặc cảm ngay tức khắc. Chỉ có chín cô đến dự buổi tuyển lựa cuối cùng nầy, nhưng Hiếu có cảm giác sao mà họ đông lắm thế. Nàng càng rối trí hơn nữa khi họ túa ra đón lấy nàng mà hỏi lăng xăng:
-Chị Bích-Lệ đây hả? Trời, chị đẹp quá, chị ăn chắc một cửa rồi chị ơi. Vô, vô đây…
Cả chín cô đều đẹp, và Hiếu không hiểu sao chính họ lại bảo rằng nàng đẹp. Họ lại ăn mặc sành lắm và sang lắm. Một cô lại mặc bơ-lu-dăng và săn-đai, thứ y phục mà Hiếu thường ao ước, khiến Hiếu thấy cô ấy như đẹp nhứt bọn.
Cô nào cũng có má đi theo cả, tuyệt nhiên không thấy ông bố nào hết. Nhưng má họ tuy cũng già nhưng trông cứ như còn trẻ vì lối phục sức và trang điểm của họ. Nàng hỏi những cô bạn mới:
-Sao chị nào cũng có má đi theo mà không có ba?
-Chị hỏi lạ? Ba đâu có rảnh như má. Vả lại từ thuở nhỏ đến lớn, có gì tụi mình chỉ mét má thôi chớ có mét ba đâu. Con trai mới mét ba chớ.
-Nhưng sao chỉ có chín chị thôi?
-Có lẽ mấy chị khác bỏ cuộc vì lẽ gì đó.
-Các chị có sợ không?
-Có, sợ thi rớt.
-Tôi muốn hỏi ra sân khấu có sợ không?
-Sợ cái gì chớ, cô mặc bờ-lu-dăng nói, chị nên xem họ như không có, hay có cũng không đáng kể vào đâu thì hết sợ ngay.
“Trời, làm sao mà xem cả ngàn con mắt tò mò ấy là không có được, và họ đều là những nhà tai mắt thì làm thế nào mà xem họ không đáng kể được !”.
Những cô gái dự cuộc tuyển trạch hoa hậu, cô nào cũng cầm một quyển sổ con trên tay và một cây bút chì nguyên tử. Họ xin địa chỉ lẫn nhau, và bây giờ họ bu cả lại để xin địa chỉ người đến trễ là Hiếu. Họ lại chép cho cô bé thật thà một bổn địa chỉ vì cô ta không hề nghĩ đến việc mang sổ theo để làm quen với ai cả.
Cả tám cô đều đề sau cái tên Bích-Lệ, bốn chữ Hoa Hậu Bồ Đào to tướng, không phải họ đùa hay mỉa mai đâu, mà họ tin chắc rằng Hiếu sẽ thắng, nếu trong bọn họ không có một đứa cháu gái, một đứa em gái nào của mấy ổng mà mấy ổng định lăng-xê.
Ngoài kia, người ta chào cờ vừa xong, và trong nầy các cô cũng vừa thôi đứng thẳng người. Một ông dặn dò:
-Hễ xướng ngôn viên nói câu giới thiệu vừa xong là quí cô dẫn hàng một ra sân khấu. Cứ đi tới, đưa hông ra khán giả, người nầy cách khoảng người kia độ năm tấc. Khi cô dẫn đầu, còn cách hông sân khấu bên kia độ một thước thì tất cả quí cô sẽ dừng bước lại và xây mặt ra, đoạn cúi chào khán giả.
Đó rồi quí cô tập trung bên trái, và ban giám khảo sẽ ra để tuyển chọn. Màn ngoài ấy lại kéo lên và họ nghe người xướng ngôn viên nói:
-Thưa quí vị, bổn hãng đã nhờ nhựt báo Rạng-Đông mở cuộc thi ảnh đẹp, hầu tìm những thiếu nữ Việt-Nam có nhan sắc khả dĩ không lép trước những mỹ nhân danh tiếng nhứt thế giới, mục đích là nâng cao quốc thể về một khía cạnh cho dẫu là khiêm tốn, khía cạnh “người nữ công dân đẹp trong một quốc gia lành mạnh”.
Thưa quí vị, quả thật thế. Quốc phong có lành mạnh thì người dân mới khỏe, mà có khỏe mới đẹp người ra.
Nay tờ nhựt báo nhiều độc giả nhứt là tờ Rạng Đông đã thi hành xong chặn đầu của sứ mạng, và đưa chúng tôi đến giai đoạn cuối cùng là cuộc chung tuyển hôm nay. Chúng tôi thật không biết nói chi để thành kính tỏ lòng tri ân đối với quí vị mà cuộc chứng kiến tăng phần long trọng và làm danh dự cho buổi lễ nầy.
Thưa quí vị, trước khi ban giám khảo và quí cô kiểu nữ ra mắt quí vị, chúng tôi xin giới thiệu nữ ca sĩ Bích-Ngọc sẽ cống hiến quí vị bản “Giai nhân kim cổ”.
Thưa quí vị đây, cô Bích Ngọc!
Trước câu nói cuối cùng nầy, một thiếu nữ từ ngoài cửa nhỏ thần tốc chạy vào như bị bão tố thổi đưa tới. Thiếu nữ ăn mặc và hóa trang rất là téc-ni-cô-lo, nhìn những hoa hậu tương lai mà mỉm cười một cách kẻ cả rồi chạy tuốt ra ngoài.
-Bích-Ngọc đó.
-Đẹp ghê !
-Sao không dự thi với tụi mình hé?
-Người ta đã nổi danh rồi, còn dự thi làm gì.
Họ lặng thinh, nghe cô nữ ca sĩ trổi giọng ca ngợi người đẹp từ muôn xưa, và người đẹp thời nay với những may mắn trên đời họ.
Cái ông ngậm thuốc lá Phi-luật-Tân đen và dài, bước đến nói:
-Các cô chuẩn bị đi để rồi ra ngoài.
-Ai đi đầu, cô áo vàng hỏi.
-Oẳn tù tì nè, chị nào thua thì đi đầu.
-Không, ông ấy nói, khỏi cần phải làm như vậy, lâu lắc lắm. Cô nào trẻ tuổi nhứt thì đứng đầu.
-Vậy phải xét thẻ kiểm tra à? Hay xét khai sanh? Ông ấy cười ngất mà rằng:
-Đâu dám làm khổ quí cô đến thế. Tôi xem thì hình như cô nầy trẻ tuổi hơn hết.
-Chị Lilie!
Thì ra ông ấy chỉ cái cô bơ-lu-dăng vàng, săn-đai đỏ, và cột tóc đuôi ngựa. Cô ấy không sợ hãi chút nào, nói:
-Đi đầu thì đi.
Ngoài kia thiên hạ vỗ tay rất giòn, và Hiếu hồi hộp vô cùng. Ông ấy nói:
-Nào quí cô đi ra!
Cùng một lượt với câu ấy, ngoài sân khấu xướng ngôn viên cũng nói:
-Thưa quí vị, đây các hoa hậu tương lai.
Họ đi ra gặp cô Bích-Ngọc đi vào ngược chiều. Cô ấy vẫn mỉm cười như lúc nãy và lần nầy nói:
-Chúc các chị may mắn !
Hiếu đi giữa hết cho đỡ sợ, nhưng vẫn nghe hai chơn mình run rẩy. Dưới kia tiếng vỗ tay không ngớt, họ chào từng người, thành ra có cả chín tràng pháo kế tiếp nhau và khi các cô day mặt ra cúi chào thì lần ấy tràng pháo tay tưởng như không bao giờ dứt cả.
Không nhớ chỉ thị khi nãy, các cô tự nhiên dồn lại một phía, vì đứng dàn trận ra như vậy trơ quá, với lại dồn lại, nghe thành một khối, đỡ sợ hơn.
Bấy giờ ban giám khảo mới xuất hiện, gồm ông chủ nhơn – mà xưng là giám đốc, bởi trong xã hội ta, danh từ giám đốc làm thiên hạ người ta khiếp đảm hơn, mặc dầu giám đốc chỉ là công nhân của chủ nhơn thôi – và bốn ông nữa được giới thiệu tên tuổi chức nghiệp hẳn hòi, nhưng Hiếu không nhớ tên ông nào cả.
Cả năm ông nầy đều có mặt trong hậu trường khi nãy và đều có dịp ngắm kỹ các cô, trừ Hiếu đến vào những phút chót.
Nhưng họ vẫn yêu cầu mấy cô đi qua, đi lại trước mặt họ, nơi sân khấu để mỗi ông ngồi lại bàn viết mà ghi điểm và ghi chú lu bù.
Hiếu đứng núp sau nhiều cô bạn một giờ ấy và đang rầu chín ruột sẽ phải bị điểm binh như vậy. Khi nãy, đi có đoàn và nếu bị chú ý thì cũng phần nào thôi vì sự chú ý ấy đã phân tán, giờ bao nhiêu con mắt đều đổ dồn vào một người thì người ấy khó lòng mà tự nhiên được.
Các địch thủ của nàng càng dạn dĩ, nhanh nhẹn bao nhiêu thì Hiếu càng bị mặc cảm bấy nhiêu, và càng bị mặc cảm, nàng càng run rẩy, run thật sự chứ không phải chỉ hồi hộp thôi.
Nhưng trời, đã đến phiên nàng rồi! Và đây là người mới đối với ban giám khảo nên các ông ấy chăm chú vào nàng nhiều hơn ai cả.
Hiếu nghe ống quần của nàng rộng quá và dài quá, và bị vướng chân vướng cẳng dữ lắm mỗi lần đi tới đi lui. Không biết dưới kia họ có thấy được nàng run hay không, chớ lũ bạn sau lưng thì chúng nó ác ghê, chúng nó cười nói gì lu bù nàng không nghe rõ, nhưng đoán là chúng nó đang chế giễu nàng.
Những phút sau đó mới là khó chịu chớ. Trong khi họ âm thầm thảo luận với nhau và cả cô ca sĩ thứ nhì mới đến, ra hát giúp vui cho khán giả khỏi phải đợi lâu, thì các cô cử tử, cô nào cũng làm thinh và nghiêm trang lạ.
Họ đã hy vọng nhiều quá và từ lâu rồi nên đến phút quyết liệt, họ đâm sợ. Chắc chắn có nhiều cô đặt tương lai của họ vào cái chức hoa hậu ấy, và nếu hụt thì cả một sự sụp đổ sẽ diễn ra.
Hiếu thì khác hẳn. Nàng thầm mong cho không được, để ra về hầu xong cái nợ làm bia cho thiên hạ dòm ngó.
Nếu rủi ro được làm hoa hậu, nàng sẽ khổ sở thêm không biết bao nhiêu.
Cô ca sĩ thứ nhì đã hát xong bài hát. Tiếng hoan hô cô ấy dịu đi thì một sự im lặng kỳ lạ bao trùm cả rạp hát. Người ta không thấy trò gì kế tiếp nên đoán rằng kết quả sắp được tuyên bố nên họ nín thở mà đợi.
Ban giám khảo còn thảo luận thêm lối hai phút nữa, hai phút quá nghiêm trọng đến nặng nề khó thở, rồi thì các ổng trao cho xướng ngôn viên một mảnh giấy con.
Cả chín ứng cử viên đều nghe như họ bị một chứng tê liệt thình lình, vì quá lo sợ.
-Thưa quí vị, xướng ngôn viên bắt đầu nói, và sau mỗi tiếng của ông ta, các cô hoa hậu tương lai có cảm tưởng rằng ông ta là đoàn trưởng của một toán lính sắp hành quyết một tội nhân, đếm một… hai… ba… bốn, và khi tiếng “mười” thốt ra xong thì một loạt súng sẽ nổ lên, mười viên đạn sẽ chụm nhau xoi nát tim họ.
Thưa quí vị, đây là quyết định cuối cùng của ban giám khảo. Chúng tôi sắp xin long trọng tuyên bố quyết định ấy, và liền sau khi công bố kết quả, cuộc liên hoan văn nghệ bắt đầu.
Sau đó quí vị nào có thiếp mời riêng, xin tự động đến tửu lâu “Sơn-Hải” đúng bảy giờ tối.
Và đây, thưa quí vị, hội đồng giám khảo xin long trọng tuyên bố cô Bích-Lệ đã được chọn là người xứng đáng chức Hoa Hậu Bồ Đào năm 1961.
Hiếu bỗng nghe rụng rời suýt té sụm xuống nhưng kỳ lạ thay nàng lại bỗng nghe mình bay bổng lên. Tám người bạn “đồng chí” đã áp tới ôm lấy nàng mà đưa lên cao, trong tiếng hoan hô vang dậy của những người dự khán dưới kia.
Cả đến những người thắc mắc cũng vỗ tay hoan nghinh người con gái có một khuôn mặt vô cùng mỹ lệ và dễ thương ấy. Họ thắc mắc vì sao ban giám khảo chỉ xét vẻ đẹp của gương mặt và dáng đi các ứng cử viên mà thân thể bị phong tục cổ truyền không cho phép phơi bày ra.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP