Chính sách trên trời
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam (Bộ GTVT) đề xuất trong dự thảo Luật Đường bộ quy định rằng “Xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo lộ trình thực hiện và mức tiêu chuẩn khí thải do thủ tướng chính phủ qui định”. Theo đó, tất cả xe gắn máy trừ xe thuần điện sẽ phải đăng kiểm định kỳ về lượng khí thải với mức thu phí kiểm định là 35.000 đồng/xe.
Giải thích việc đề xuất quy định này, Bộ GTVT cho hay, phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Thậm chí, Bộ GTVT còn đưa ra “căn cứ khoa học” tính toán rằng việc bảo trì động cơ đúng cách sẽ giúp giảm lượng xăng dầu tiêu hao tới 7%, tương đương 130.632 đồng/năm theo thời giá thời điểm Tháng Mười Một 2018. Tức là, việc người dân đi đăng kiểm xe gắn máy hàng năm và nộp cho Bộ GTVT 35.000 đồng/xe là góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và còn giúp dân tiết kiệm chi phí xăng dầu…
Toàn những lý do “do dân, vì dân”. Đọc mấy bài báo “lề phải” chắc nhiều người phải rưng rưng trước tấm lòng bồ tát của các vị lãnh đạo Bộ GTVT. Thế mà trước nay, dân tình chỉ biết tới Bộ này là “bộ BOT”, “bộ vặt lông vịt”…, xem ra oan ức cho họ quá. Cộng đồng mạng nhẩm tính sơ sơ với 72 triệu xe gắn máy đang lưu hành tính đến cuối năm 2022, riêng tiền đăng kiểm với mức phí 35.000 đồng/xe theo đề xuất, Bộ GTVT đã thu về 2520 tỷ đồng/năm. Một con số không nhỏ chút nào. Đúng là “có làm thì mới có ăn”, càng vẽ nhiều thủ tục, càng thu khẳm.
Ừ thì cứ tin lãnh đạo Bộ GTVT “trong veo”, cũng như đồng bào đã tin vào những “chuyến bay giải cứu” với tinh thần “không để đồng bào nào bị bỏ lại”, nhưng nhiều người đặt câu hỏi rằng hiện nay cả nước mới có 5 triệu xe ô tô mà Cục đăng kiểm, Bộ GTVT đã để xảy ra tình trạng tắc nghẽn do cơ sở hạ tầng kỹ thuật lẫn trình độ kiểm định viên thiếu năng lực, tiêu cực, gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế xã hội; vậy với 72 triệu xe gắn máy thì Bộ GTVT lấy gì bảo đảm sẽ không gây những vấn nạn tương tự? Bộ sẽ tổ chức hoạt động đăng kiểm, kiểm soát khí thải 72 triệu xe gắn máy này như thế nào?
Được biết, Bộ GTVT chưa có hạ tầng kỹ thuật lẫn nhân sự phù hợp cho một khối lượng công việc lớn như vậy. Ngay cả các tiêu chí đánh giá đăng kiểm của Bộ còn thiếu cơ sở khoa học.
Phận đời dưới đất
Xoay quanh cái xe gắn máy ở Việt Nam, trừ giới “thượng lưu quí tộc”, quan chức và doanh nhân Đỏ, thì với đa phần người dân giới cần lao, chiếc xe gắn máy vẫn là phương tiện mưu sinh quan trọng nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Với mức thu nhập khoảng 6 triệu/tháng, việc chuyển đổi sang phương tiện ưu việt và “sạch” hơn là điều xa xỉ với đại đa số.
Trước mắt, mỗi đồng phí bảo hiểm phương tiện hay đăng kiểm, kiểm tra khí thải… đều đang bào mòn thu nhập người lao động vốn đã quá thấp cho cuộc sinh tồn. Chưa kể, mỗi lít xăng dầu, người dân đang phải trả từ 1000-2000 đồng cho thuế bảo vệ môi trường. Hàng chục năm qua, thuế môi trường gián thu qua giá xăng dầu là nguồn thu hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách. Số tiền này đã được nhà nước Việt Nam sử dụng vào việc gì để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân? Hãy trả lời những câu hỏi này trước khi nại tới lý do “bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường” để tiếp tục “đẻ” ra những sắc thuế, khoản thu mới đánh lên đầu người dân nghèo. Dân sinh đã quá cùng kiệt rồi!
“Thuyết âm mưu” về tham vọng bá chủ thị trường xe máy điện của VinFast
Có ý kiến rằng, chính phủ Việt Nam sắp đưa ra các qui định ngặt nghèo về môi trường để ép người dân chuyển từ xe gắn máy truyền thống sang sử dụng xe máy điện. Nếu đề xuất của Bộ GTVT được thông qua, phân nửa trong 72 triệu xe gắn máy đang lưu hành sẽ phải được thay thế trong ít năm tới.
Điều đó đồng nghĩa với việc đem lại cho VinFast và các doanh nghiệp lắp ráp-sản xuất xe điện nội địa một miếng bánh cực lớn. Câu chuyện này giống với việc qui định đội mũ bảo hiểm bắt buộc khi đi xe máy hơn 15 năm trước. Đồng ý là chính sách hoàn toàn đúng với lý do bảo vệ an toàn tính mạng người dân, nhưng câu chuyện phía sau là các doanh nghiệp thân hữu của giới quan chức đã chuẩn bị sẵn để đón đầu một thị trường béo bở đem lại món lợi kếch xù.
Trong bối cảnh VinFast của Phạm Nhật Vượng đang thua lỗ nặng ở thị trường xe hơi điện, trong khi mảng kinh doanh cốt lõi của họ – bất động sản – lại đang gặp khủng hoảng, thì việc mở ra “lối thoát” ở thị trường xe máy điện có doanh thu tiềm năng không khác gì “ánh sáng cuối đường hầm”, chết đuối vớ cọc gỗ. Động thái mà VinFast đang ráo riết dồn sức triển khai xe ôm công nghệ và dịch vụ giao hàng sử dụng xe máy điện do chính hãng sản xuất có thể được xem là bước chuẩn bị cho công cuộc chiếm lĩnh thị trường xe máy điện nội địa.
Cách đây ít ngày, UBND TP.HCM ban hành nghị quyết 98 “về cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới được Quốc hội thông qua cho phép HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch…”
Như vậy, đây có thể không là “thuyết âm mưu” được thai nghén bởi tập thể gồm ông Phạm Nhật Vượng cùng giới chức Thành Hồ và ông Thủ tướng Phạm Minh Chính (vừa lãnh trách nhiệm Chủ tịch hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ) mà nó thật sự là một kế hoạch lớn trong việc chia miếng bánh “chuyển đổi phương tiện giao thông” cho khoảng 9 triệu xe gắn máy đang lưu hành ở Thành Hồ. Nếu đúng vậy thì đây là một kế hoạch thao túng chính sách “vĩ đại” của ngài tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hy vọng những chiếc xe máy điện VinFast không gãy càng, rụng bánh hay tự bốc cháy như nhiều chiếc xe hơi do VinFast sản xuất.