Vụ án chuyến bay giải cứu ngày càng lộ rõ những sâu mọt của quốc gia không ngoại lệ bất cứ một bộ ngành nào, bất cứ một cấp vụ nào, kể cả thượng tầng chính phủ. Vụ án trình ra trước người dân cả nước hiện trạng mục rửa vì quyền lực không bị kiểm soát, vì sự dung túng của luật pháp mà người nắm cán cân pháp luật phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của mình đối với những vi phạm động trời.
Tắc trách trước nhất đến từ chính sách. Một quốc gia dân chủ không thể nào có chuyện một vụ án mà gần như cả chính phủ tham gia. Một vụ án có tính cách vô nhân đạo xuất phát từ sự chuyên quyền, bao che, cùng nhau phạm pháp. Vụ án chuyến bay giải cứu và Việt Á cho thấy sự khốn nạn không giới hạn của guồng máy chính quyền từ Chủ tịch nước tới Phó thủ tướng, từ Bộ trưởng tới Thứ trưởng, từ Bộ Y tế tới Bộ Quốc phòng, từ Bộ Ngoại giao tới Bộ Giao thông Vận tải… Tất cả cùng nắm tay nhau hút đến giọt máu cuối cùng của người dân cùng khổ, những người chỉ biết trông cậy vào nhà nước khi dịch bệnh tràn lan.
Ra tòa, tất cả đều cúi đầu nhận án với tâm thế rất “hồn nhiên”. Một Thứ trưởng không biết việc mình nhận tiền là phạm pháp. Một cán bộ gộc khác xin tòa cho về nhà sớm để phụng dưỡng cha mẹ. Họ có học hay vô học mà không biết việc mình làm di hại tới biết bao sinh mạng? Hình như họ có học, nhưng mái trường xã hội chủ nghĩa đào tạo họ chỉ biết làm sao để kiếm tiền chứ không dạy họ bài học sơ đẳng về luật pháp.
Khi tòa án ngưng tranh luận để “khắc phục hậu quả” bằng cách cho phạm nhân trả lại tiền đã tham ô thì xã hội chừng như rơi tự do trong không gian chán nản. Một đất nước có luật pháp lại bất lực không thể truy tìm tài sản mà phạm nhân cất giữ hay phi tang. Tính chất bất lực ấy lộ rõ trong khung chữ “khắc phục hậu quả” đang khiến cho xã hội bất bình nếu không muốn nói là phẫn nộ.
Phía sau biện pháp khắc phục ấy là bóng tối của thứ luật pháp bị khuynh loát bởi những “trùm cuối” đầy quyền lực. Sẽ có những bản án được giảm nhẹ vì có công với cách mạng, vì từng là người hết lòng phục vụ cho đất nước ở lãnh vực nào đó, vì từng bỏ ra cả đời để phục vụ chính sách này dự án nọ… Nói chung là người ta đang cấu kết với nhau để giảm án cho những khuôn mặt nổi cộm trong hai vụ án chấn động này.
Không chờ đâu xa, ngay sau khi tòa tuyên bố tạm ngưng để nghị án thì một bức thư gồm 71 chữ ký của giáo viên dưới lá tâm thư đứng đầu là Hiệu trưởng Lê Xuân Trung xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Chử Xuân Dũng – cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Lý do xin được liệt kê như: Khi còn làm giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, ông Dũng đã dành nhiều tâm huyết giúp ngành giáo dục xây dựng thành công mô hình THPT công lập, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cuối năm 2020. Trong quá trình công tác, ông Dũng luôn là người thầy có tâm đức trong sáng, có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng và đạt được nhiều thành tích.
Một tuần lễ sau bức tâm thư này bị cộng đồng mạng xã hội tố cáo là hầu hết các chữ ký trong thư là giả mạo, còn riêng tay hiệu trưởng Lê Xuân Trung từng là đệ tử ruột của bị cáo Chử Xuân Dũng. Tay này còn bị tố cáo nhiều tội danh khác đáng bị đem ra xét xử nếu tòa xét thấy hành vi của Lê Xuân Trung là lợi dụng kẻ hở của luật pháp để khuynh loát bản án với ý đồ cá nhân.
Hành vi của Lê Xuân Trung rõ ràng là cố tình gây nhiễu loạn trong hồ sơ một bị cáo. Nếu xét về mặt luật pháp đúng nghĩa thì làm gì có việc gây án xong lại xin giảm án vì lý do hài hước như vừa nói, chẳng qua hệ thống pháp luật Việt Nam vốn chấp nhận tiền lệ này nên làm sao xử được Lê Xuân Trung mặc dù trên nguyên tắc hành động của y là phạm pháp.
Cái khác biệt của tòa án Việt Nam và những tòa án khác của thế giới là Bộ luật hình sự của Việt Nam bị tòa toàn quyền vo tròn hay bóp méo từng đối tượng trước tòa. Ở Việt Nam không ai lại không biết câu chuyện ăn cắp hai con vịt để nhậu bị tù giam bảy năm trong khi tham nhũng 36 tỷ của nhà nước thì bị ba năm tù giam vì có công này công nọ.
Đừng mơ luật pháp sẽ trả lại công bằng cho ai đó vì hai chữ “công bằng” hình như không có trong tự điển tòa án Việt Nam. Cũng đừng mơ những tên tội phạm hôm nay sẽ đền tội xứng đáng những gì chúng đã làm vì chúng còn mạnh lắm. Sau lưng chúng còn những trùm cuối hết sức thông minh sẵn sàng bỏ tiền ra cho chúng “khắc phục hậu quả”.
Và cũng đừng mơ khe hở luật pháp mà tòa án các cấp đang áp dụng sẽ bị bịt đi, vì xin lỗi, cái khe hở ấy đủ lớn để cho một con bò có thể chui qua mà không sợ mất cọng lông nào.