Tác quyền từ những gì A.I. sử dụng: Vấn đề cực kỳ nan giải

Cuộc đình công của giới nghệ sĩ và kịch tác gia Hollywood đang diễn ra trong bối cảnh họ ngày càng lo sợ mất việc trước xu hướng các hãng phim sử dụng AI (ảnh: Katie McTiernan/Anadolu Agency via Getty Images)

Nếu trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng sản phẩm của bạn, nó phải trả tiền cho bạn. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời không dễ vì công nghệ tính toán thù lao loại này vẫn chưa có.

Các diễn viên, nhà biên kịch và những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình nói chung đang bị đe dọa trực tiếp bởi cái gọi là công nghệ AI (công nghệ sử dụng lượng cực lớn lớn dữ liệu trên mạng để học cách tạo ra dữ liệu mới theo mẫu có sẵn). Cái gọi là sáng tạo của AI thật ra đến từ chi phí lao động của con người, chủ nhân của kho dữ liệu. AI hoàn toàn không thể tạo ra bất cứ thứ gì nếu không có kho dữ liệu khổng lồ để cho nó học và sau đó vận dụng. Như vậy, nhân tố thực sự sản xuất ra dữ liệu chính là con người chứ không phải AI. Theo lẽ công bằng, khi đã xác định được chủ nhân của một kịch bản do AI viết thì phải trả thù lao cho người đó. Trong trường hợp Hollywood là các nhà biên kịch, các diễn viên, đội ngũ làm phim, và họ xứng đáng được hưởng.

Giả sử một chương trình AI mới có thể tạo ra một bộ phim truyện hoàn chỉnh chỉ bằng một nút bấm thì tác phẩm của AI phải dựa vào hàng tỷ bộ phim được dùng làm dữ liệu dạy cho nó. Do đó, bất cứ khi nào AI mang lại doanh thu, những người tạo ra những bộ phim trước đó phải xứng đáng được hưởng một phần lợi nhuận.

Không chỉ liên quan diễn viên và biên kịch mà cũng cần đề cập đến những người điều khiển máy quay, nhà thiết kế trang phục, phối âm và tất cả những người tham gia vào những gì mà AI dùng để học, để xào nấu và bắt chước trong việc tạo ra một tác phẩm mới. Nguyên tắc này cũng đúng cho nghệ sĩ, bác sĩ, kỹ sư hay bất kỳ ai làm việc trên máy tính. Tóm lại, việc trả tiền những người cung cấp dữ liệu cho AI học là hoàn toàn công bằng và hợp lý.

Từ lâu, các nhà kinh tế và công nghệ nổi tiếng như Jaron Lanier và E. Glen Weyl đã lập luận: “Big Tech không được phép kiếm tiền từ việc sử dụng dữ liệu của người khác mà không đền bù thoả đáng cho họ”.

Công ty HitRecord chuyên sản xuất các tác phẩm nghệ thuật và giải trí với hàng ngàn cộng tác viên trực tuyến đã trả tiền cho từng nghệ sĩ đóng góp. Nhưng thanh toán cho những gì AI sử dụng khó hơn nhiều vì quy mô quá lớn, hàng tỉ bit, byte dữ liệu và vô số con người tạo ra chúng. Muốn làm được, cần một phần mềm “đóng dấu” để các định các chủ nhân của dữ liệu. Các công ty công nghệ sẽ không bao giờ tự mình xây dựng phần mềm cần thiết này cả mà phải có luật lệ quy định rõ ràng.

Một câu hỏi được đặt ra: Ai sở hữu bản quyền đối với các dữ liệu đào tạo mà AI đã dùng, tức là ai sẽ được trả tiền cho sáng tạo mới của AI? Trong trường hợp ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình, câu trả lời không phải là nhà văn, diễn viên, người quay phim, nhà thiết kế trang phục, người hòa âm hay bất kỳ người nào khác, mà bản quyền thuộc sở hữu của các hãng phim lớn theo như hợp đồng đã ký. Khi ký hợp đồng với một hãng để làm một bộ phim, diễn viên đã đồng ý hãng phim sở hữu bản quyền bộ phim.

Hãng phim bỏ tiền làm phim nên họ có quyền kiếm tiền từ bộ phim theo cách họ muốn là chính đáng. Nhưng nếu hãng phim dùng bộ phim làm dữ liệu đào tạo để AI tạo ra bộ phim mới và diễn viên sẽ mất việc vĩnh viễn vào tay AI thì lại là vấn đề khác. Và một lần nữa, vấn đề này không chỉ xảy ra trong ngành điện ảnh và truyền hình mà còn cho rất nhiều ngành khác.

Lấy ví dụ ngành y tế. Công việc của bác sĩ tạo ra nhiều tài sản trí tuệ dưới dạng hồ sơ bệnh án. Các bác sĩ ký hợp đồng cho phép bệnh viện có quyền sở hữu duy nhất đối với những hồ sơ bệnh án đó nhưng nếu bác sĩ biết tài sản trí tuệ của họ được sử dụng làm dữ liệu đào tạo cho một AI khiến họ có thể mất việc vĩnh viễn thì câu chuyện rõ ràng trở nên phức tạp hơn nhiều.

Cả hai nghiệp đoàn đang đình công ở Hollywood đều bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tác hại của AI, nhưng những yêu cầu của họ về AI sẽ khó hoá giải được những cạm bẫy trong các hợp đồng làm phim họ đã ký. Một số nghệ sĩ đã kiện hai công ty AI Midjourney và Stability AI, cho rằng tác phẩm của họ đã được sử dụng làm dữ liệu đào tạo AI mà không được sự đồng ý hoặc bồi thường cho họ. Những vụ kiện tương tự ngày càng nhiều. Nhưng không chắc họ sẽ thắng nếu không có luật sở hữu trí tuệ đứng về phía họ. Ngoài ra luật lệ phải thay đổi và các chính sách công nghệ phải điều chỉnh.

Joseph Gordon-Levitt viết trên The Washington Post: Trước mắt, việc thanh toán tiền từ dữ liệu đào tạo AI nên được xem là bắt buộc và luật sở hữu trí tuệ phải sửa đổi làm sao để bảo đảm số tiền đó sẽ đến tay những người xứng đáng được hưởng. Các loại Generative AI như ChatGPT không được phép trở thành công cụ kiếm tiền cho bất kỳ gã khổng lồ nào khi họ học “chùa” dữ liệu mà không trả tiền cho những chủ nhân thực sự.

AI sẽ thay đổi mọi thứ nhanh hơn và ngoài dự đoán. Những thay đổi đó có thể tốt hơn hay tồi tệ hơn nhưng nguyên tắc là mọi người được sống trong một thế giới mà những gì chúng ta tạo ra sẽ được tận dụng tốt nhất nhưng cũng được đền bù thoả đáng và công bằng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: