Đi chợ đồ cổ Sài Gòn

Không gian chợ đồ cổ trong một con hẻm ở quận Bình Thạnh – Ảnh: Lao Động

Muốn tìm mua những món đồ cổ ở Sài Gòn thập niên 60 -70 – 80 thì tìm đến chợ đồ cổ nằm trong con hẻm 311/27 Nơ Trang Long, phường 13, Bình Thạnh, Sài Gòn.

Ngôi chợ này khởi đầu từ ý thích tụ tập bạn bè để giao lưu, trao đổi đồ cổ với nhau của nhạc sĩ Cao Minh 14 năm trước. Lúc ban đầu, chợ chỉ họp một phiên vào cuối tuần, hiện nay họp đều mỗi ngày và khách đông nhất vào cuối tuần.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, hiện là chủ khu chợ, cho Lao Động biết: “Nơi đây vốn là nhà của nhạc sĩ Cao Minh, anh ấy hay rủ bạn bè đến chơi và trở thành nơi giao lưu, trao đổi đồ cổ của những người có chung niềm đam mê với anh. Hình thức này hoạt động một thời gian, sau đó thành họp chợ”.

Năm 2017, bà Hợp ghé qua khu chợ xem thử vì hay tin nơi đây đang được nhạc sĩ Cao Minh rao bán và khi nhìn những vật dụng từ thời ông bà, cha mẹ mình vẫn thường dùng như chiếc bàn ủi con gà, chiếc đèn dầu… đang được bày bán trong khu chợ đã giúp bà quay về tuổi thơ.

Các gian hàng bán đồ cổ còn thu hút trí tò mò của những bạn trẻ – Ảnh Lao Động

Tự nhận là không sành đồ cổ, chỉ mong muốn mọi người có không gian tĩnh lặng thưởng thức không khí Sài Gòn xưa nên bà Hợp quyết định sẽ kiên trì lưu giữ mô hình này và xem đó là một niềm vui của bản thân.

Đến nay, chợ đồ cổ của bà Hợp đã thu hút hơn 30 gian hàng, bày bán các mặt hàng có tuổi đời vài chục năm đến hàng trăm năm từ khắp nơi trên thế giới, từ xe gắn máy cổ, đồng hồ cổ, máy đánh chữ, đèn dầu, bàn ủi con gà, cung tên, bật lửa zippo… cho đến những bộ sưu tập tiền, tem, đĩa nhạc.

Chợ đồ cổ Sài Gòn họp trong không gian có vẻ hoài cổ của quán cà phê Cao Minh hiện là chốn được nhiều người dân mê đồ cổ lui tới, trong đó không chỉ người già, trung niên mà còn có cả người trẻ, với sự tò mò muốn nhìn thấy những đồ vật “thời ông bà”.

Khách hàng đến đây không chỉ mua mua bán bán mà còn đàm đạo trao đổi về những món đồ cổ yêu thích với người cùng sở thích và có sự am hiểu.

Các gian hàng chỉ họp chợ ở tầng 1, còn tầng 2 là không gian để khách tới thưởng thức cà phê, ăn nhẹ và nghe nhạc.

Cái máy ảnh chụp bằng phim từ hơn 20 năm trước được bày bán ở chợ đồ cổ – Ảnh: Lao Động

Những món đồ ghi dấu quá khứ được phân làm 4 loại: Đồ cũ (tuổi đời từ 50 năm đổ lại), đồ xưa (có tuổi đời từ 100 năm đổ lại), đồ cổ (tuổi đời từ 100 năm trở lên) và cổ vật (tuổi đời từ 500 năm trở lên).

Ở đây, người mê xe cổ có thể ngắm nghía một chiếc Mobylette 50cc – “hot trend” một thời tại Việt Nam vào những năm 1960-1970.

Tại chợ đồ cổ, những chiếc xe gắn máy cũ còn tốt có giá từ 20-30 triệu đồng/chiếc. Những loại xe ít được ưa chuộng thì giá chỉ khoảng 7-10 triệu đồng/chiếc.

Những món đồ cổ trong khu chợ có giá từ vài chục ngàn cho đến vài chục triệu đồng, tùy theo niên đại và giá trị lịch sử văn hóa. Có chiếc cân cũ đã rỉ sét nhưng giá lên tới một triệu đồng, và cũng có chiếc thùng đong gạo thời Pháp giá chỉ 500 ngàn đồng.

Theo chia sẻ của các chủ gian hàng, đồ cổ thường được nhập về từ ba nguồn chính: Từ gia quyến của những nhà sưu tầm quá cố;  từ Việt kiều tại nhiều quốc gia; từ các mối do khách quen giới thiệu. Những vị khách tới đây mua đồ cổ, nhiều khi không chỉ tìm được món đồ ưng ý mà còn tìm được bạn tâm giao.

Những người mê đồ cổ ngoài thú vui sưu tầm còn thích tìm bạn cùng sở thích để trao đổi, đàm đạo – Ảnh: Lao Động

Thường những món hàng đắt tiền, tầm 50 triệu đồng trở lên sẽ không được trưng bày trong chợ, khi khách yêu cầu thì giao dịch sẽ được thực hiện tại nhà người bán.

Một chủ gian hàng có mặt tại đây 14 năm trước là ông Nguyễn Tân (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) kể, mỗi một món đồ mà ông sưu tầm được, ông đều hào hứng muốn bày ra để có cơ hội chia sẻ với mọi người.

Ông nhớ lại: “Thuở mới bắt đầu tập tành bán những món đồ này, mọi thứ vẫn còn rất sơ khai, chỉ có mấy bàn cà phê nhỏ được xếp ngay ngắn cạnh nhau, rồi anh em bày ra những món đồ mà mình sưu tầm được cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Cốt cũng là để giao lưu, trao đổi những món đồ độc lạ, tất cả đều xuất phát từ đam mê”.

Bà Phùng Ngọc Bích (ngụ quận Tân Bình), khách thường xuyên đến đây vào dịp cuối tuần với chồng, thổ lộ đối với bà, những vật dụng có tuổi đời hàng chục năm, từ thời cha mẹ của bà mà vẫn được lưu giữ đến ngày nay, như thế mới đáng trân trọng và thường mang lại cho bà nhiều cảm xúc khi được sở hữu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: