Tin liên quan:
Đắk Nông: Sau hai tiếng nổ lớn, mặt đất nứt một đường dài 200 mét
Như tin đã đưa, một hiện tượng địa chất hy hữu này xảy ra vào lúc 11 giờ đêm ngày 31 Tháng Bảy tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, sau hai tiếng nổ lớn, người dân cảm nhận được mặt đất rung chuyển mạnh, họ vội vã chạy ra khỏi nhà, và được chính quyền cho sơ tán đi nơi khác để bảo đảm an toàn tính mạng.
Đến sáng 1 Tháng Tám, người dân phát hiện nhiều vết nứt gãy trên mặt đất có chiều dài khoảng 200m, rộng 10 – 15cm.
Khi người dân chưa hết hoang mang, chính quyền địa phương cũng chưa tìm được nguyên nhân gây ra hiện tượng này, thì chiều ngày 2 Tháng Tám, tại khu vực đồi thôn 8, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, xuất hiện thêm vết nứt mặt đất lớn, kéo dài hàng trăm mét.
Ngoài ra, tại khu vực thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song cũng có hiện tượng rẫy của ba gia đình xuất hiện vết nứt kéo dài khoảng 300m, độ sâu từ 20cm đến 2m. Sau khi phát hiện, UBND xã Nam Bình đã thông báo, cảnh báo khu vực nguy hiểm đến các hộ dân trong vùng.
Cùng ngày, trên Quốc lộ 14, đoạn qua trung tâm thành phố Gia Nghĩa xuất hiện vết nứt dài gần bờ hồ Đại La. Ngay sau đó, tại khu vực trên xảy ra hiện tượng sạt lở, làm hư hỏng nhà cửa và tài sản của người dân địa phương.
Chính quyền địa phương cho biết, họ phải tổ chức cho 16 gia đình ra khỏi khu vực có hiện tượng sạt lở.
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, vết nứt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở, nguyên nhân do mưa lớn kéo dài khiến đất bị bão hòa, sức bền giảm.
Báo VNExpress trích lời ông Văn cho biết, vết nứt thường bắt đầu từ trên đỉnh của khối trượt, nếu vết nứt rộng thêm, khả năng trượt sẽ càng cao. “Trong vài ngày, nếu vết nứt phát triển từ 200 mét đến hàng cây số, có nghĩa khối trượt đang dịch chuyển và nguy cơ sạt lở lớn có thể xảy ra”, ông nhận định.
Vẫn theo lời ông Văn, hiện tượng trượt lở này có thể dự báo được. “Về lâu dài cần xây dựng bản đồ dự báo cảnh báo sớm”, ông nói. Trước đây từng có đề án quan trắc toàn diện nhằm xây dựng bản đồ cảnh báo cho tỉnh miền núi, trong đó có Đà Lạt, Đăk Nông, tuy nhiên đề án đã dừng 1-2 năm.
Dư luận cho rằng các chuyên gia cần phải nhìn nhận sâu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở này. Đất bị bão hòa, sức bền giảm không chỉ vì do mưa lớn kéo dài, mà còn do con người đã tàn phá thiên nhiên không thương tiếc. Ngoài ra, sự quy hoạch dựa vào quyền lợi của người lãnh đạo các tỉnh thành, đã phá vỡ thế cân bằng của đất, của thiên nhiên, để rồi giờ này người dân phải lãnh hậu quả tàn khốc.