Ngày 2 Tháng Tám, nhiều tờ báo trong nước đăng tin, Tập đoàn Vingroup sắp chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để cho VinFast vay đầu tư Dự án sản xuất xe hơi điện tại Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, đảo Cát Hải, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng. VinFast là công ty con của Vingroup.
Cụ thể, Vingroup sẽ phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 36 tháng và 4.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 24 tháng. Đây là loại trái phiếu “ba không”: (1) không chuyển đổi, (2) không kèm chứng quyền, và (3) không có tài sản bảo đảm.
Kỳ hạn lô trái phiếu này là 36 tháng được chia làm 3 đợt chào bán. Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên của trái phiếu là 15%/năm, lãi suất các kỳ tiếp theo bằng tổng của 4,5% cộng lãi suất tham chiếu (trung bình cộng lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank). Kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần và trả gốc một lần vào thời điểm đáo hạn.
Lô trái phiếu 4.000 tỷ đồng với kỳ hạn 24 tháng được chia làm 2 đợt chào bán. Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên là 14,5%/năm và lãi suất các kỳ tính lãi tiếp theo là 4% cộng lãi suất tham chiếu. Kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần và trả gốc một lần vào thời điểm đáo hạn.
Về việc đăng ký mua, nhà đầu tư cá nhân mua tối thiểu 500 trái phiếu (tương đương 50 triệu đồng) và tối thiểu 5.000 trái phiếu (500 triệu đồng) với nhà đầu tư tổ chức.
Nhiều người thắc mắc đặt câu hỏi mua trái phiếu “ba không” như thế có an toàn không?
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trên thế giới, trái phiếu thường không có tài sản bảo đảm. Như tại Mỹ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường là doanh nghiệp lớn, có báo cáo tài chính rõ ràng, tình hình tài chính ổn định và có xếp hạng tín nhiệm.
Nói ngắn gọn, nếu bạn tìm hiểu và tin rằng Vingroup là doanh nghiệp có báo cáo tài chính rõ ràng, tình hình tài chính ổn định và có xếp hạng tín nhiệm, thì bạn cứ mạnh dạn đầu tư kiếm lời. Còn thấy không tin tưởng thì thôi, vì chính bạn tự chịu trách nhiệm khi “xuống tiền”.
Tại Việt Nam, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm, tình hình tài chính không mấy sáng sủa vẫn phát hành trái phiếu tạo nên tình hình “vàng thau lẫn lộn”, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Ngay cả Bộ Tài chính cũng đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn các rủi ro gắn với từng chủ thể tham gia trên thị trường, và đã có khuyến cáo:
“Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp là có rủi ro, khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu”.
Bộ Tài chính cũng nói rõ, rất nhiều người lầm tưởng ngân hàng nào bảo lãnh phát hành trái phiếu, là ngân hàng đó sẽ đứng ra trả vốn và lời cho nhà đầu tư khi đáo hạn. Thực tế, “bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư”.
Ông Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm, nhà đầu tư khi mua trái phiếu phải nắm rõ, có hai loại bảo lãnh. Thứ nhất, bảo lãnh phân phối. Nghĩa là, nếu nhà phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua hết trái phiếu còn lại. Thứ hai, bảo lãnh thanh toán. Có nghĩa là nhà đầu tư mua trái phiếu của nhà phát hành, trong trường hợp rủi ro, nhà phát hành không trả được nợ, thì ngân hàng sẽ trả thay.
Tuy nhiên, các ngân hàng thường là bảo lãnh phân phối và chỉ hỗ trợ cho việc phát hành trái phiếu mà thôi.
Một điểm quan trọng nữa mà ông chuyên gia ngân hàng này cho biết, có những đơn vị phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Về chuyện này, ông Hiếu cảnh báo:
“Nhà phát hành dùng tiền đó biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ cũ thành nợ mới, rất nguy hiểm. Trong trường hợp nhà đầu tư sau không tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp nữa, lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao”.