Lâm Đồng tiếp tục di dời dân vì sạt lở

Lực lượng chức năng của Bảo Lộc đang phong tỏa đoạn đường bị sụt lún – Ảnh: VietnamPlus

Người dân ở một số nơi tại TP. Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) phải di dời vì sạt lở.

Theo VietnamPlus ngày 4 Tháng Tám 2023, trận mưa lớn đêm 3 Tháng Tám đã gây ngập lụt và sạt lở tại TP.Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai. Tình trạng ngập lụt xảy ra trầm trọng nhất tại các xã Đại Lào và Lộc Châu, ảnh hưởng đến hàng chục gia đình trong vùng.

Tại xã Đại Lào, mưa lớn gây ngập nặng ở các thôn 2, 4, 5 và 7.  Còn xã Lộc Châu ngập nặng tại các thôn Tân Ninh, Tân Bình, thôn 2 và 3. Ngay trong đêm, địa phương đã huy động hơn 40 người để trợ giúp hơn 30 gia đình di dời đến vị trí an toàn. Mưa lớn cũng gây ra tình trạng sụt lún, sạt trượt đất trên tuyến đường tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc (đoạn qua phường Lộc Sơn), lực lượng chức năng địa phương phải lập hàng rào và treo bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm tất cả các loại xe.

Trong đêm 3 Tháng Tám, nước sông Đạ Huoai dâng cao gây ngập lụt và sạt lở đất trên địa bàn huyện Đạ Huoai. Bị nặng nhất là tổ dân phố 7 (thị trấn Đạ M’ri) khiến nhiều gia đình phải di dời.

Một khu vực canh tác cây trồng của người dân tại Lâm Đồng bị ngập nặng sau trận mưa lớn kéo dài trong đêm 3 Tháng Tám – Ảnh: VietnamPlus

Sạt lở đất làm chia cắt tuyến đường liên thôn, ngập úng hàng chục hecta cây trồng của người dân và làm xói mòn, sạt lở nhiều đoạn trên sông Đạ Oai, đoạn qua xã Phước Lộc, xã Đạ Oai, Mađaguôi, Đạ P’Loa và Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai).

Lao Động ngày 4 Tháng Tám đưa tin TP. Bảo Lộc có 85 điểm taluy, đào đắp bờ đất có nguy cơ sạt lở. Trong đó, có 54 điểm taluy có nguy cơ sạt trượt và 31 điểm đào đắp bờ đất có nguy cơ sạt lở cao, nếu không có giải pháp thì với thời tiết bất lợi, mưa nhiều và kéo dài sẽ còn tăng số điểm sạt trượt và sạt lở hơn nữa.

Ngày 4 Tháng 8, ông Phùng Ngọc Hạp, Phó chủ tịch Ủy ban TP.Bảo Lộc, đã gửi công văn đến các phường, xã và phòng ban yêu cầu cung cấp thông tin, nhằm lập bản đồ chuyên đề vùng có nguy cơ sạt lở trên địa phận thành phố. Riêng đối với 54 khu vực có bờ taluy tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, Ủy ban TP.Bảo Lộc quyết định tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất tại các khu vực trên (nếu có quy hoạch là đất phi nông nghiệp) cũng như tạm dừng việc cấp phép xây dựng… để xem xét, đánh giá, đưa ra các giải pháp.

Trong khi TP. Bảo Lộc đang rà soát các địa điểm có nguy cơ sạt lở thì mới đây tuyến đường tránh phía Nam thành phố có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng đã bị nứt, sụt lún nghiêm trọng. Tại một số điểm, tuyến đường tránh này bị nứt gãy hoàn toàn, kết cấu mặt đường bị hư hỏng. Sát hai bên lề đường cũng ghi nhận tình trạng sụt lún trên mặt đất…

Đoạn trên đường tránh phía Nam TP.Bảo Lộc bị sụt lún, đứt gãy – Ảnh: Lao Động

Dự án tuyến đường tránh phía Nam TP. Bảo Lộc được khởi công từ Tháng Hai 2017, dự định đưa vào sử dụng trong năm 2019. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, đến nay, dự án mới thi công được khoảng 70% khối lượng.

Trước đó, Tuổi Trẻ ngày 2 Tháng Tám cũng cho biết, sau nhiều ngày mưa, hồ thủy lợi Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) xuất hiện vết nứt lớn ở phía thượng lưu công trình, gây sạt trượt đất khu vực lân cận, uy hiếp an toàn khu vực dân cư xung quanh trong phạm vi 2.5ha, phải di dời 5 gia đình.

Các vết nứt có chiều rộng từ 5cm đến 10cm, kéo dài sang khu vực sinh sống của hai gia đình. Khi cơ quan chức năng đang khắc phục vụ nứt ở hồ thủy lợi Đông Thanh thì xuất hiện thêm các vết nứt rộng đến 30cm và lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của dự án. Theo chiều dọc của các vết nứt trên đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, vị trí sụt lún đất lớn nhất sâu 0.5m, gây nứt tường nhà, sạt lở taluy và sụt lún toàn bộ phần sân bê tông nhà của hộ gia đình.

Nhà dân gần hồ thủy lợi Đông Thanh bị vết nứt đất làm hư hại hoàn toàn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Con đường dân sinh của thôn Đông Anh (Đông Thanh) men theo hồ chứa vào khu sản xuất nông nghiệp bị sụt lún từ 1 – 1.5m. Ngoài ra 500m đường giao thông tránh ngập có nguy cơ sụt trượt. Đến chiều 2 Tháng Tám, 500m đường tránh ngập có nguy cơ bị sạt trượt đất nếu tiếp tục mưa lớn và không khắc phục được các vết nứt ở phần thân đập.

Tình hình sạt lở đất ở tỉnh Lâm Đồng là do cấp giấy phép xây dựng tràn lan và thiếu kiểm soát; rừng thông nhiều nơi bị đổ thuốc độc, biến thành đất nông nghiệp hay dự án du lịch; bên cạnh đó vùng quy hoạch là rừng phòng hộ cũng bị trao tay bán lén lút để xây dựng vườn cây ăn trái mà nhà cầm quyền cũng không kiểm soát nổi. Mưa lớn và kéo dài chỉ làm lộ ra điều đó mà thôi, chứ không phải là nguyên nhân chính.

Với sự đe dọa hiện hữu này, Ủy ban tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với đoàn chuyên gia công ty Kawasaki Nhật Bản về việc chống sạt lở đất tại Đà Lạt, theo tin từ Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Bảy.

Đập chứa nước lớn của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) gây ra vụ sạt nứt đất – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất thiết lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, trước mắt thực hiện tại TP. Đà Lạt.

Trước đó, đoàn khảo sát của công ty Kawasaki Nhật Bản đã đi khảo sát hiện trường vụ sạt lở đất hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) làm chết hai người và các điểm có nguy cơ sạt lở cao như Khe Sanh, đường Đặng Thái Thân… Bàn về khu vực sạt lở nghiêm trọng ở đường Hoàng Hoa Thám, ông Takami Kanno, Trưởng văn phòng đại diện công ty Kawasaki tại Hà Nội, cho biết qua hình ảnh vệ tinh có thể thấy hồi năm 2010 và 2015 khu vực này đã sạt lở một phần.

Diện tích sạt lở đất, gãy taluy là do đất đắp thêm để xây dựng mặt bằng, có kết cấu lỏng lẻo. Đánh giá thực tế, các chuyên viên nhận định vật liệu xây dựng taluy không đạt chuẩn, khiến taluy không chịu nổi áp lực của khoảng 20,000m3 đất đá đắp thêm, cộng với sự tích tụ của nước mưa.

Ngoài đề nghị Lâm Đồng phải chỉnh lý quy định xây dựng, đoàn chuyên viên Nhật Bản cho rằng Lâm Đồng cần lập bản đồ cảnh báo nguy hiểm với những khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

Trên cơ sở dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh sẽ phát giác khu vực có khả năng sạt lở. Sau đó cơ quan chức năng sẽ tới hiện trường xác nhận tình trạng, cần thiết sẽ khoan thăm dò địa chất, nếu là khu vực có nguy cơ sạt lở thì áp dụng các quy định quản lý xây dựng phù hợp.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: