Mới đây, một bài viết của báo Trung Quốc về việc sản xuất ngành xe hơi, điểm qua sự rầm rộ phát triển của VinFast, được đăng trên tờ như Minnews, Laiitimes… có tựa đề khá thẳng thừng “Bản thiết kế của Trung Quốc ẩn sau những ngôi sao xe điện của Việt Nam” (China’s plan hidden behind Vietnam’s star electric car companies), đã khiến dân tình nồng nhiệt ủng hộ VinFast chưng hửng, vì có nhiều điều được nói cho thấy sản phẩm yêu nước của ông Phạm Nhật Vượng, không hoàn toàn là made in Vietnam.
Khi báo chí Trung Quốc “cười nhẹ”
Ngay vào đầu bài, cách bình luận giễu cợt về sự phát triển tốc độ của VinFast, được mô tả là “sáng bần nông, tối làm chủ ông” (a farmer in the morning, and the son of the emperor is in the evening). Tờ Min giải thích việc rùm beng của VinFast, bởi cách tạo dư luận trong việc đến Hoa Kỳ để IPO (Initial Public Offering – phát hành cổ phiếu) và đầu tư $4 tỷ vào việc xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ. Theo giới thiệu, giá trị thị trường ước tính tối thiểu của VinFast đã đạt $50 tỷ, “cũng gần bằng hãng xe hơi Weilai của Trung Quốc”, báo này nói.
Tiết lộ về nguồn lực thiết kế và sản xuất từ Trung Quốc cho VinFast, bài viết khẳng định sự phát triển của VinFast phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của các giải pháp bên ngoài, cả về nhân lực và nguồn cung linh kiện.
Một trong những chi tiết ít ai biết, là Công ty TNHH Taizhou Jingchaoli Moulding (gọi tắt là ‘Jingchaoli’) đến từ Chiết Giang, Trung Quốc chính là đối tác quan trọng trong việc giúp cho VinFast phát triển. Jingchaoli còn là nhà cung cấp giải pháp cho các hệ thống trang trí nội ngoại thất cho VinFast.
Theo Lin Guogui, Giám đốc điều hành của Jingchaoli khẳng định, hai sản phẩm xe điện của VinFast là VF35 và VF36 mà VinFast quyết định ra mắt tại Mỹ vào Tháng Mười năm ngoái, đều được hỗ trợ bởi thiết kế Binfa của Ý, cùng sự tham gia của Jingchaoli trong xây dựng kỹ thuật hệ thống. Đây là điều mà nhiều người hâm mộ VinFast ngỡ ngàng khi biết, vì trong các lời quảng cáo cho mình, VinFast chỉ thường nhắc về Ý, Đức.
Bài báo tiết lộ Jingchaoli không phải tham gia mới gần đây vào công việc của VinFast, mà đã cùng thực hiện các dự án liên quan đến sản xuất xe hơi của VinFast từ cuối năm 2018. Trong 4 năm qua, Jingchaoli đã cung cấp cho VinFast các giải pháp bao gồm: Thiết kế kỹ thuật sản phẩm, sản xuất khuôn mẫu nội ngoại thất xe, gia công khuôn mẫu, công cụ kiểm tra lắp ráp và hỗ trợ quy trình hệ thống khác.
Ngoài ra, Jingchaoli còn tham gia hỗ trợ hoàn thành sản phẩm ở nhà máy nội thất VinFast trong suốt quá trình. Lin Guogui nói với tờ Travel Finance, rằng loại hỗ trợ dự án này là một giải pháp hệ thống cho các dự án chìa khóa trao tay, bao gồm thiết kế bố trí nhà máy sản xuất thảm nội thất và dây chuyền sản xuất tấm cửa, dây chuyền sản xuất bảng điều khiển, dây chuyền sản xuất bảng điều khiển trung tâm, dây chuyền sản xuất bao phủ, dây chuyền sản xuất thảm. Giải pháp hệ thống lập kế hoạch thiết bị dây chuyền và máy công cụ hàn liên quan, v.v. Nói trắng ra, là toàn bộ theo đơn đặt hàng, sau đó chuyển giao, giúp sản xuất.
Vì sao VinFast đột nhiên được nhiều người nói tới?
Trong bài viết trên tờ Laitimes, có tựa đề “Khám phá người khổng lồ: Giải pháp của Trung Quốc ẩn sau những ngôi sao xe điện của Việt Nam” (Discover the giant | Chinese solution hidden behind Vietnam’s star electric vehicle companies), phân tích rằng VinFast khéo quảng bá thương hiệu cho mình, bằng cách đầu quân sản xuất ở Mỹ, thuận theo các yêu cầu của Mỹ.
Thuận lợi của VinFast được phân tích rằng “Sau khi xe điện trở thành sự đồng thuận toàn cầu, vốn toàn cầu rơi vào một vòng quay điên cuồng mới. Là thị trường vốn có giao dịch sôi động và giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ cũng có lượng vốn đầu tư vào các công ty xe điện mới nhiều nhất thế giới. Vì giá trị thị trường của Tesla sắp đạt đến giới hạn nên Rivian và Lucid, vốn cũng rất nổi tiếng về vốn, họ nhìn thấy hoạt động kinh doanh mới chỉ bắt đầu và thị trường cần nhiều công ty như VinFast để chia sẻ rủi ro đầu tư. Danh sách ban lãnh đạo của VinFast phù hợp với các giá trị Mỹ, cộng với quyết định đầu tư vào Mỹ, đương nhiên sẽ giành được sự ưu ái của các nhà đầu tư Mỹ”.
Kết luận về một tương lai của VinFast, hãng xe được coi là có sự đỡ đầu kỹ thuật từ Trung Quốc, nhưng lại làm ngơ về nguồn gốc thật, bài báo kết luận như một lời nhắc nhở với VinFast “Tuy nhiên, vòng phát triển mới của xe điện không chỉ đơn giản vì hệ thống điện của xe nhiên liệu được thay thế bằng truyền động điện. Sự phát triển trong tương lai của nó vẫn cần nhiều tài năng kỹ thuật ô tô cấp thấp hơn, tài năng và dữ liệu lớn AI, khả năng sâu về kỹ thuật điện”.
Bài báo cũng không quên nhấn mạnh rằng với sự trợ giúp từ Trung Quốc, VinFast sẽ không thể vươn lên, nếu thiếu người đàn anh bí mật này: “Chúng ta có thể mạnh dạn dự đoán rằng tương lai VinFast sẽ cần nhiều hơn các giải pháp của Trung Quốc. Giống như lúc này Jingchaoli vẫn chọn chưa tham gia đầu tư vốn vào VinFast, mới chỉ có Lin Guogui đã quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp VinFast…”
Dân mạng Việt Nam vào cuộc
Ngay sau khi có các tin tức này lan đi khắp nơi, dân mạng Việt Nam cũng bắt đầu tìm kiếm thông tin, và nhận ra những chi tiết quan trọng về sự nghiệp của VinFast. Tóm tắt: VinFast thuê công ty Launch Design ở Thượng Hải TQ nghiên cứu và phát triển nguyên chiếc xe điện VF e34, đồng thời VF thuê công ty TQ này chịu trách nhiệm tìm và cung ứng linh kiện luôn.
Dân mạng cũng tìm ra thêm được bản tin từ Ủy Ban Kinh Tế và TM Thượng Hải khẳng định công ty Launch Design của TQ đã thắng thầu nghiên cứu và phát triển nguyên chiếc xe cho VF, và VF chỉ việc nhập về bán. Vài ngày sau khi có các phát hiện này, bản tin gốc ở Trung Quốc được ai đó yêu cầu xóa, gỡ bỏ. Tuy nhiên, bản lưu trên wikipedia Baidu thì vẫn còn.
Một người ẩn danh gửi lên Facebook hóa đơn điện tử của công ty VinFast nhập hàng từ Trung Quốc, ngay cả ốc vít cũng nhập thẳng từng đơn vị. Có người đặt câu hỏi là vậy VinFast là công ty lắp ráp theo mẫu cho trước, hay là nhà sản xuất?
Một văn bản khác được tìm thấy, ca ngợi hoạt động của công nhân Trung Quốc trong đại dịch, và dù khó khăn nhưng không bỏ bạn hàng Việt Nam thân thiết của mình, có ghi như sau:
“Năm 2019, Longchuang Design đã cạnh tranh trên cùng một sân khấu với một số công ty thiết kế ô tô đẳng cấp thế giới và cuối cùng đã giành được đơn đặt hàng nghiên cứu và phát triển xe (dự án VFe34) trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ từ VinFast, một nhà sản xuất ô tô Việt Nam. Một công ty thiết kế ô tô độc lập của Trung Quốc đã cung cấp các phương tiện hoàn chỉnh cho thị trường Đông Nam Á đã tạo ra một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử thiết kế ô tô Trung Quốc. Tất cả quy trình R&D của xe đều dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế của Châu Âu và Mỹ, được khách hàng đánh giá cao và tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp về sức mạnh R&D ô tô của Trung Quốc.
Do ngành ô tô Việt Nam còn yếu và thiếu sự hỗ trợ của chuỗi công nghiệp, công ty cũng chịu trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, lựa chọn nhà cung cấp tích hợp hàng nghìn bộ phận, tiến hành sản xuất thử nghiệm tại Trung Quốc và cuối cùng là xuất khẩu sang Việt Nam như CKD.
Hiện một số nhà cung cấp linh kiện của dự án này đã đầu tư, xây dựng nhà máy tại địa điểm của khách hàng nước ngoài, sản phẩm xe nguyên chiếc cũng đã ra mắt tại Việt Nam và nhận đơn đặt hàng hơn 40,000 chiếc (giá 190,000 NDT/đơn vị), giảm bớt vấn đề dư thừa công suất trong ngành công nghiệp ô tô trong nước và hiện thực hóa việc chuyển đổi thiết kế ô tô Trung Quốc từ “đem vào” sang “đi ra ngoài”.
VFe34 là mẫu xe điện quốc gia đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, lấp đầy khoảng trống trong lịch sử ngành xe hơi Việt Nam. (Cựu) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặc biệt đến thăm nhà máy Hải Phòng và dây chuyền sản xuất của VinFast, nơi sản xuất VFe34. VinFast cũng đã tận dụng lợi thế của VFe34 để đạt được giá trị thị trường tăng từ 0 lên 390 tỷ nhân dân tệ trong vòng 5 năm, nằm trong top 10 công ty xe hơi toàn cầu về giá trị thị trường. Huy động được $2 tỷ, sẽ là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, VinFast vì thế được mệnh danh là “Tesla châu Á”. Đầu năm 2022, Longchuang Design và VinFast bắt đầu hợp tác phát triển mẫu xe chuyên sâu lần thứ hai”.