Cáo sẽ không nhỏ nước mắt đâu, đừng mơ!

Vợ chồng ông Nguyễn Trường Chinh, cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng, và cháu nội. (Hình: Tuổi Trẻ)

Sau khi ông Chủ tịch nước nhận hàng loạt tin nhắn xin ân xá cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng mà chưa được hồi âm, cộng đồng mạng quay trở lại Hải Phòng, nơi mà Chưởng bị tra tấn, bức cung để nhận tội. Hồ sơ cơ quan điều tra cho thấy trong thời gian ấy có sự góp mặt của hai khuôn mặt công an lớn nhất Hải Phòng, đấy là Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca.

Cuốn phim dĩ vãng quay lại một cách mờ mịt vì không ai xác định được Trọng hay Ca trực tiếp chỉ đạo vụ án, nhưng có còn hơn không, cứ cho là một trong hai người này, hoặc cả hai, từng nhúng tay vào và bây giờ là thời điểm tốt nhất cho họ quay đầu về công lý.

Thật là một ước mơ quá đẹp. Hai hung thần đất cảng từng giết người như ngóe, hét ra lửa mửa ra khói. Dương Tự Trọng lúc ấy vốn là đại tá công an, phó Gíam đốc Công an Hải Phòng, phụ trách Cơ quan điều tra nhưng cầm đầu băng đảng xã hội đen nhũng nhiễu dân lành; còn Đỗ Hữu Ca thì tìm tòi truy nã những ai chống lại chính quyền và kết quả mà Ca đạt được lớn nhất là mang cả gia đình Đoàn Văn Vươn vào tù còn y thì bình chân như vại. Nếu không có vụ hối lộ mới đây thì hắn còn an nhiên hưởng thụ những gì mà hắn kiếm được từ xương máu người dân trong những ngày hưu trí.

Đa số dân trên cộng đồng mạng cho rằng chính Dương Tự Trọng chịu trách nhiệm điều tra vụ Nguyễn Văn Chưởng nên hy vọng ông ta lên tiếng hầu giải oan cho tử tù oan khuất suốt 16 năm trời. Nhưng người ta quên một điều tối quan trọng: Dương Tự Trọng lên tiếng bằng cách nào?

Không lẽ y nói rằng lúc đó y nghe phong phanh có ép cung nhưng không thể can thiệp vì… đã muộn! Lập luận này không thuyết phục vì “nghe” không phải là bằng chứng có thể dựa vào để thẩm tra lại vụ án. Còn nếu chính Dương Tự Trọng vì quá… hối hận tự cho rằng mình đã buộc điều tra viên bức cung nạn nhân thì… y phải vào tù một lần nữa vì tội lợi dụng quyền hạn cản trở công lý. Y có cam tâm làm cái việc mà cộng đồng mạng gọi là “lên tiếng” hay không? Và quan trọng hơn, y có đủ can đảm vào tù một lần nữa sau tám năm chăn kiến?

Khả năng thứ ba: Trọng chỉ ra những nhân viên dưới quyền trực tiếp bức cung Nguyễn Văn Chưởng và yêu cầu tòa xét xử lại. Việc này có thể xảy ra nhưng không một điều tra viên nào ngu dại tới mức im lặng nhận tội trước tố cáo của Dương Tự Trọng. Tấm gương của Hoàng Văn Hưng nhận chiếc va ly đầy tiền của phó giám đốc công an Hà Nội bỗng trở  thành bốn chai rượu vang làm cho cả tòa án cũng cứng họng không biết giải quyết thế nào. Huống chi là một vụ án đã 16 năm trôi qua, mọi chứng cứ hầu như không thể khả dụng. Tại sao tới bây giờ Trọng mới xác nhận một việc làm đáng lẽ 16 năm trước y phải làm, trong khi vừa mới nếm mùi tù và vừa thoát được ra ngoài làm người tử tế?

Đôi khi sự tuyệt vọng làm cho chúng ta thấy một mảnh giấy bềnh bồng trên biển liền hy vọng nó sẽ cứu được con thuyền đang chìm dần trong đại dương bao la. Mảnh giấy ấy có thể là Dương Tự Trọng hay sao khi mà bản thân y chưa bao giờ có dấu hiệu gì khả dĩ có thể hy vọng rằng cải tà quy chính?

Mới hai ngày qua, y đã lên tiếng. Vâng Dương Tự Trọng không trực tiếp lên tiếng nhưng nhờ vả nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lên tiếng giúp y. Qua bài thơ “Sống không hèn” nhà thơ từng vào tù vì chống tham nhũng, từng có những bài thơ thật hay, từng được người dân cả nước quan tâm nay “can đảm” làm cái loa cho Dương Tự Trọng kể ra cũng xứng tầm.

Cái tầm “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” hiện rõ trong từng con chữ mà Nguyễn Việt Chiến nắn nót, vuốt ve thậm chí tô son trét phấn cho nó với mục đích nâng Dương Tự Trọng lên “một tầm cao mới”!

Ở những câu đầu bài thơ mang tên “Sống không hèn” Nguyễn Việt Chiến viết:

Dương Tự Trọng nói với tôi như thế

Em sống không hèn

Và dám yêu những người đàn bà

Yêu em hơn chính cả cuộc đời của họ

Vậy là đủ, phải không anh !

Khúc này Nguyễn Việt Chiến bao biện: Sở dĩ Trọng tiếp tục sống không hèn vì “dám yêu những người đàn bà”… ôi chữ “những” thần thánh! Trọng không yêu một người vợ hay người yêu mà là những người đàn bà! Thật là tâm lý của một ông tướng công an, mặc dù đã thất sủng. Nguyễn Việt Chiến viết tiếp:

Sau tám năm hoạn nạn

Sống không hèn

Giờ Trọng trở về chăm sóc mẹ già

Thi thoảng làm ông lang đi chữa bệnh

Và làm thơ.

Ô hay, tám năm ở trong tù vì Trọng kêu bọn côn đồ xã hội đen giải vây cho anh ruột của mình, đang trốn tránh mạng lưới pháp luật chứ phải ra tay cứu giúp dân oan, đòi cải thiện nhân quyền hay tranh đấu vì môi trường đâu mà gọi là hoạn nạn? Nguyễn Việt Chiến trước khi làm thơ đã từng là nhà báo. Ngôn ngữ của nhà báo có khác, luôn vặn vẹo và uốn lượn khi nhận được quà.

Rồi một nhà báo nữa cũng xuất thân từ tờ Thanh Niên là Quốc Phong cũng vỗ tay hoan hô bài thơ trên trang facebook của mình. Quốc Phong công khai ủng hộ việc Dương Tự Trọng dẫn côn đồ đi cứu anh trai mình là hợp lý lẽ, việc vồn vập có chủ đích này khiến nhiều người tự hỏi phải chăng Dương Tự Trọng mượn hoa cúng Phật tự tô vẽ mình trước khi làm một “vố” khác để về hưu?

Còn một việc có vẻ trái với thông lệ, đó là từ khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhận được tin nhắn tới nay đã hơn hai tuần nhưng không một tờ báo nào dù đảng hay không đảng dám nhắc tới. Hình như cả một loạt truyền thông đều bị bịt mồm, mà việc bịt mồm hàng loạt trước một vụ việc sáng trưng như ban ngày thì có ích gì cho tuyên giáo chứ?

Ôi, chúng ta, những người dân khờ dại cả tin. Ai đời lại đi tin một con cáo sẽ nhỏ nước mắt cho một tử tù, trong khi tử tù ấy chính là sản phẩm do con cáo và đồng bọn làm ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: