Giấy khai sinh ghi nhầm giới tính 14 năm trước, giờ không cơ quan nào dám sửa

Nhiều cơ quan cho rằng nhầm lẫn giới tính của cháu Hồng là sự việc hy hữu. Kỳ lạ hơn, ngày 4-12-2010, bà Trần Thị Liễu, phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Chánh, thời điểm đó ký cùng lúc vào giấy khai sinh bản gốc giới tính nam và bản sao lại giới tính nữ – Ảnh: Tuổi Trẻ

14 năm trước, một bé gái bị ghi nhầm giới tình từ Nữ thành Nam, giờ gia đình mới phát hiện và hành trình đi sửa sự nhầm lẫn này tưởng dễ, hóa ra lại khó không tưởng.

Bà Hồ Thị Phượng, 48 tuổi, mẹ cháu Hồ Kim Hồng (14 tuổi, phường Nghĩa Chánh, TP Quảng Ngãi) cho biết bà sinh cháu Hồng vào ngày 16-1-2009 tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Lúc sinh xong, bà Phượng không trực tiếp cầm giấy chứng sinh mà một người thân cầm hộ.

Sau khi từ bệnh viện về nhà, giấy chứng sinh do anh trai bà Phượng giữ. Đến ngày 4-12-2010, anh trai bà Phượng cầm giấy chứng sinh lên UBND phường Nghĩa Chánh làm giấy khai sinh cho cháu Hồng.

Trong bản chính giấy khai sinh làm ở đây, ghi giới tính của Hồng là Nam, nhưng những bản sao ghi Nữ. Bộ giấy khai sinh (bản chính và bản sao) cùng được cấp một ngày, cùng một cán bộ ký tên, đóng dấu, nhưng không ai nhận ra sự khác nhau một bên là Nam, một bên là Nữ.

Ngay cả nhà bà Hồng cũng chẳng để ý kiểm tra lại, trước khi cất vào tủ.

Thế rồi, từ nhỏ tới lúc 14 tuổi, Hồng chỉ sử dụng bản sao để nộp cho trường học, và một số cơ quan nhà nước khi cần thiết thôi, chứ chưa khi nào cầm tờ bản chính lên xem.

Bà Hồng cho biết, nhầm lẫn giới tính của bé Hồng chỉ được phát hiện khi bà dẫn con đi làm căn cước công dân. Theo quy định, Hồng phải trình giấy khai sinh bản chính, thế mới “lòi” ra cái sai từ 14 năm trước. Lúc này mới biết, trong giấy chứng sinh do Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp, phần giới tính ghi Trai.

Sửa có một chữ thôi, nhưng hồ sơ bị “đá qua đá lại”

Ngày 8 Tháng Sáu, bà Phượng có đơn gửi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, trình bày sự việc, đề nghị cấp lại giấy chứng sinh cho con. Bệnh viện trả lời hồ sơ bệnh án của bà Hồng đã bị hủy sau 10 năm, nên họ hết trách nhiệm.

Bà Phượng quay về UBND phường Nghĩa Chánh, được phường giới thiệu lên Sở Tư pháp. Sở này “đá” qua phòng tư pháp TP Quảng Ngãi. Cứ lòng vòng như thế nhưng không cơ quan nào giải quyết được.

Bà Phượng bảo không có căn cước, cháu Hồng không thể có các quyền công dân bình thường khác. Năm nay cháu bước vào lớp 9, bà Phượng lo hết năm học, cháu thi vào lớp 10 sẽ gặp rắc rối vì không làm được căn cước.

“Từ nhỏ đến lớn, con tôi đi học hay bất kỳ thủ tục gì đều làm giới tính nữ, chỉ có giấy chứng sinh và giấy khai sinh bản chính là giới tính nam, tưởng không rắc rối, ai dè rắc rối không tưởng”, bà Phượng nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ.

Về việc “gỡ khó” bằng cách thành lập tổ xác minh thông tin từ địa phương, trường học, người thân, hàng xóm… để có cơ sở sửa giới tính cho cháu Hồng, bà Lê Hải Yến, phó trưởng phòng hành chính tư pháp và hỗ trợ pháp lý (Sở Tư pháp Quảng Ngãi) nói đó cũng là giải pháp được tính đến, nhưng lại không tìm được văn bản pháp lý nào để áp dụng. Bà Yến cho biết thêm:

“Nói thật, trường hợp của cháu Hồng, có gửi lên Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cũng không giải quyết được. Vụ việc quá hy hữu, chưa từng có tiền lệ. Nhầm lẫn giới tính như cháu Hồng lần đầu tiên tôi tiếp nhận. Vụ này còn khó hơn nhầm lẫn họ tên, năm sinh, quê quán”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: