Theo báo cáo của Bộ GDĐT vào ngày 29 Tháng Tám, tính đến cuối năm học 2022 – 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên (từ lớp mầm non đến lớp 12) so với định mức quy định. Theo số liệu thống kê, so với năm học trước đó, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 người.
Ngoài chuyện do số trẻ em sinh ra nhiều hơn, dẫn đến số học sinh vào lớp mầm non tăng cao, một nguyên nhân quan trọng khác khiến số lượng giáo viên sụt giảm trầm trọng đó là giáo viên nghỉ hưu và nghỉ việc ngày càng nhiều.
Theo số liệu từ Bộ GDĐT, năm học 2022 – 2023 toàn quốc có số lượng giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc nhiều (10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc). Giáo viên nghỉ việc chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế – xã hội phát triển, giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Lương thấp kéo dài làm giáo viên chán nản bỏ dạy
Mới đây, lá đơn xin nghỉ việc của một giáo viên trước thềm năm học mới 2022-2023 đã gây xôn xao dư luận xã hội dù lý do nghỉ việc không hề mới: Đó là lương không đủ sống.
Trong đơn, cô giáo Trịnh Thị Kim Tuyền, người gắn bó với bục giảng 14 năm trời đã phải “giũ áo ra đi” khi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, nên cô “phải làm thêm công việc bên ngoài để trang trải cuộc sống”. Cho đến lúc công việc phụ chiếm quá nhiều thời gian, mà lương lại cao hơn công việc chính, cô Tuyến đành chọn giải pháp nghỉ việc.
Do thiếu giáo viên trầm trọng, ngay từ năm học trước, một giáo viên phải “chạy sô” sáng dạy trường trung học, chiều xuống trường tiểu học dạy tiếp. Đương nhiên, họ vất vả hơn, nhưng đổi lại được lãnh 2 đầu lương, nhưng sức người có hạn, với thời gian lên lớp dày đặc, các giáo viên này không thể có thời gian theo dõi học sinh, để giúp các em học tốt hơn ở trường.
Tình hình ở các thành phố lớn là thế, ở các vùng quê hay trên vùng cao thì còn tệ hơn nhiều. Thí dụ như ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), toàn huyện chỉ có 1 giáo viên tin học và 1 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, phải dạy cho học sinh… 18 trường tiểu học!
Rốt cuộc, có dạy cũng như không, vì thầy và trò chỉ “cỡi ngựa xem hoa” mỗi tuần 1, 2 tiết rồi thôi. Tuần sau gặp lại trò thì “chữ thầy trả thầy” hết, trò chẳng nhớ được gì.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành giáo dục vừa diễn ra, vấn đề thiếu giáo viên, địa phương khó khăn trong nguồn tuyển được nhiều địa phương đưa ra.
Hội nghị đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, nhưng hầu như không ai đặt vấn đề tiền đâu để làm. Một giáo viên lắc đầu nói: “Đừng trông mong gì ở hội nghị này, chỉ tốn tiền tổ chức thôi. Ngay cả vấn đề căn bản nhất là tăng lương giáo viên được đề nghị từ thời ông Bộ trưởng Bộ GĐDT bây giờ còn ‘ở truồng tắm mưa’ cho đến nay vẫn chưa thấy giải quyết, thì còn bàn vấn đề vĩ mô làm gì?”
Một giáo viên khác, người cũng vừa xin về hưu sớm để có thời gian nhiều hơn dạy tiếng Anh cho người sắp định cư bên Mỹ, chia sẻ:
“Anh cứ nhìn vào dự toán ngân sách thì biết nhà nước này có chăm lo cho giáo dục hay không? Năm nào cũng thế, ngân sách dành giáo dục không bằng 1/10 ngân sách dành cho bộ máy công an. Thế mà họ cứ đòi hỏi chúng tôi phải dạy tốt, học sinh phải học tốt!”
Một nhà báo giấu tên nói với đài RFA rằng, ngân sách dành cho bộ máy đàn áp của công an càng lớn, chứng tỏ xã hội này ngày càng bất ổn.
Và cũng có thể nói, ngân sách dành cho giáo dục càng thấp, nguy cơ bị nô lệ ngày càng nhiều.