Tình trạng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc hiện đang bị liên tục đánh giá xấu về chất lượng nhiều người lo sợ sẽ bị mất thị phần trong những tháng tới.
Bà Đinh Anh Minh, Giám đốc Công ty AIKA Group (tại TP. Tsukuba, tỉnh Ibraki, Nhật Bản), cho phóng viên báo Thanh Niên biết, đầu Tháng Tám công ty bà mua 2 kiện hàng với 13 quả sầu riêng tươi nhập khẩu từ VN đưa về cửa hàng bán lẻ. Trong số đó, chỉ có 1 quả sầu riêng chín được, 2 quả bị sượng hoàn toàn, 2 quả bị non không thể chín, số còn lại thì bị nứt vỏ, cơm bị chua, quả thì 4 – 5 múi bóc ra chỉ lấy được 1 – 2 múi.
Tính ra, bà Minh chỉ thu hồi được 20% vốn, nhưng điều quan trọng là khách hàng của bà sẽ bỏ đi, uy tín của bà sẽ bị giảm sút.
Công ty Apple LCC (có văn phòng đặt tại Tokyo, Nhật Bản) của bà Lê Thị Kiều Oanh cũng “dính” 1 lô hàng sầu riêng non, bị lỗ nặng, và mất một số khách hàng lâu năm.
Bà Oanh cho biết, lô hàng 2,1 tấn sầu riêng nhập khẩu VN giá 210.000 đồng/kg. Khi đến Nhật Bản, toàn bộ hàng được phân phối cho cửa hàng bán lẻ đã đặt trước. Sau vài ngày giao hàng, đối tác tới tấp điện thoại phản ánh sầu riêng không chín, quả chín được thì cơm sống sượng, không ngọt, mùi chua…
Công ty bà Oanh buộc lòng phải thu hồi toàn bộ sầu riêng để kiểm tra. Kết quả có tới 70% bị thối hỏng. Bà Oanh nói:
“Chỉ riêng lô hàng này, chúng tôi bị lỗ 300 triệu đồng. Sau rất nhiều lần thương lượng, đối tác Việt Nam chấp nhận chia sẻ 50% tiền lỗ nhưng thiệt hại lớn nhất chính là mất đi niềm tin, uy tín với đối tác, người tiêu dùng ở Nhật Bản”.
So sánh giá cả và chất lượng sầu riêng ở Việt Nam và Thái Lan, bà Oanh cho biết, nếu làm hàng Thái Lan, bà rất yên tâm về chất lượng, dù giá cả hai bên bằng nhau trong cùng một thời điểm. Thời gian tới, nếu bà chọn được loại trái cây ổn định hơn, bà sẽ không nhập sầu riêng Việt Nam cho thị trường Nhật Bản nữa.
Loạn giá cả, loạn chất lượng vì “bạn vàng”
Có một thời gian, thương lái ồ ạt thu mua sầu riêng non để bán qua Trung Quốc. Họ đến từng vườn chỉ yêu cầu giao sầu riêng ngay với chiêu “cắt một dao”, nghĩa là cắt một lần sạch vườn, không kể sầu riêng có chín hay chưa.
Theo các chủ vườn, sầu riêng non thì không thể ăn ngay được, có thể thương lái sẽ dùng hóa chất để thúc trái chín và bảo quản được lâu. Vì giá mua cao nên nhiều người đã chấp nhận bán non. Tác hai lâu dài ai cũng biết, là ảnh hưởng đến uy tín trái cây Việt Nam, nhưng nhiều chủ vườn ham tiền, cứ nhắm mắt cắt theo yêu cầu.
Bây giờ, chiêu “cắt một dao” lại quay trở lại khi sầu riêng hút hàng, giá cả lên mỗi ngày. Theo một chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, lý do xảy ra thị trường bát nháo như hiện này, ngoài lòng tham của chủ vườn, trách nhiệm thuộc về các cơ sở đóng gói xuất khẩu. Bà phân tích:
“Nếu như cơ sở đóng gói kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng đưa vào, không chấp nhận những lô hàng kém chất lượng thì làm sao thương lái dám mua hàng non, chủ vườn cho cắt bán trái non”.
Vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Trong khi đó tại Thái Lan, nông dân được tập huấn hướng dẫn rất kỹ về quy trình canh tác, từ khi cây ra hoa, xả nhụy đã phải ghi chép, buộc dây đánh dấu, khi đủ ngày phải cắt trái kiểm tra, nếu chất lượng bảo đảm mới được phép cắt bán cho doanh nghiệp. Chính vì cách quản lý này nên sầu riêng của Thái Lan có chất lượng đồng nhất.
Thái Lan cũng có những quy định gắt gao về việc thu hoạch và bán sầu riêng chưa chín. Pháp luật Thái Lan quy định đó hành vi phạm tội và có thể chịu hình phạt lên đến 3 năm tù.
Riêng tại Việt Nam, dù có rất nhiều quy định, nhưng chúng luôn bị phá vỡ bằng… tiền. Hiện nay Bộ NN-PTNT chỉ mới “yêu cầu các đơn vị xây dựng quy trình canh tác, tiêu chuẩn thu hoạch sầu riêng” mà thôi. Còn bao giờ xong thì chẳng ai biết.
Sự bát nháo giành mua tranh bán sầu riêng hiện nay khiến nhiều nhà vườn làm ăn chân chính lo lắng. Họ sợ chỉ vào vụ mùa sau, khi khách hàng lớn từ chối nhập sầu riêng Việt Nam vì chất lượng không bảo đảm và ổn định, loại trái cao cấp này sẽ dội chợ và người nông dân sẽ phải kêu gọi “giải cứu”.
Lúc đó chắc chẳng ai đủ sức cứu sầu riêng, mà cũng không ai muốn “cứu” cách làm ăn gian dối như thế này.