Tấm lưới bảo vệ chứa đầy rác trên đầu một cây cầu ở Hà Nội

Đi trên cầu vòm sắt qua hồ Linh Đàm, người dân nơm nớp lo sợ rác từ trên tấm lưới rơi xuống – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Đủ các loại rác thể rắn bị ném vào tấm lưới bảo vệ trên cao khiến người đi lại mỗi ngày trên cầu vòm thép qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thấp thỏm lo sợ.

Cây cầu vòm thép nối đường Hoàng Liệt và đường Nghiêm Xuân Yêm, nằm giữa hai cầu vượt lên xuống đường Vành Đai 3 trên cao, đoạn cắt qua hồ Linh Đàm, được Hà Nội khởi công đầu năm 2021, hoàn thành Tháng Tám 2022, có tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng ($2,695,550) chỉ dành riêng cho người đi xe gắn máy, cấm xe hơi, xe đạp và người đi bộ.

Cầu vòm thép có mặt cắt ngang rộng 7.5m, bề rộng phần xe chạy 6m, kết cấu nhịp dầm vòm dạng ống thép, tổng chiều dài cầu 297.2m.

Cầu vòm thép qua hồ Linh Đàm nằm dưới đường Vành Đai 3 và song song với cầu cạn Vành Đai 3 – Ảnh: VnExpress

Phàn nàn với Lao Động ngày 4 Tháng Chín 2023, ông Trần Văn Thiệu (52 tuổi, ngụ khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai) tỏ ra ngán ngẩm: “Đi trên cây cầu này, chỉ nên nhìn, ngắm hai bên hồ, chứ đừng dại gì ngẩng đầu lên”.

Ông Thiệu giải thích, từ khi cây cầu vòm thép được xây dựng xong, chủ công trình đã lắp đặt lưới mắt cáo bảo vệ an toàn trên cao, thì hàng trăm loại rác đã bị người dân xả từ cầu Vành Đai 3 xuống, vừa mất vệ sinh, vừa gây nguy hiểm cho người đang di chuyển bên dưới.

Anh Lê Cường (23 tuổi, ngụ Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) lo ngại nói có vô số vật thể (rác) còn nhỏ hơn mắt cáo lưới bảo vệ trên cao, nên có thể những vật thể này (không rõ là gì) sẽ chui lọt qua khe lưới bảo vệ để rơi xuống cầu vòm thép, gây nguy hiểm cho tính mạng của người dân đi qua cầu vòm thép. Để bảo vệ mình, anh Cường nói mỗi lần chạy xe trên cầu vòm thép, anh chỉ dám chạy chậm sát vào lề phải, không dám ra giữa cầu.

Các vật thể rắn không rõ là thứ gì bị ném vào tấm lưới bảo vệ giữa hai khe của cầu Vành Đai 3, trên đầu cầu vòm thép – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Khảo sát của Lao Động tại cây cầu này cho thấy đúng như người dân phản ảnh. Đứng dưới cầu vòm thép có thể nhìn thấy vô số “vật thể lạ” treo lơ lửng trên đầu, không biết sẽ bất thình lình rơi xuống lúc nào.

Tri Thức và Cuộc Sống ngày 31 Tháng Tám 2023 cũng chụp nhiều hình ảnh cho thấy “cả một bầu trời đầy rác” ở cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm.

Mặc dù chủ đầu tư dự án đã lắp đặt lưới an toàn tại khe hở của đường Vành Đai 3 để tránh tình trạng “vật thể lạ” rơi xuống cầu vòm thép, gây nguy hiểm cho người đi đường, nhưng việc không thường xuyên dọn dẹp rác trên tấm lưới bảo vệ, khiến người dân cảm thấy bất an khi đi trên cây cầu vòm thép.

Do lưới an toàn không được nhỏ khít nên vẫn có những “vật thể lạ” rơi xuống cầu. Di chuyển qua cầu vòm thép, nhìn lên trên khoảng không nhỏ nhoi trên đầu là thấy đống rác đong đưa trên mắt lưới, quá nguy hiểm.

Ảnh chụp cận những vật thể rác trên tấm lưới của Lao Động, cho thấy ý thức của người dân thủ đô và việc dọn dẹp vệ sinh ở Hà Nội thật tệ

Sau khi thông xe chiếc cầu cạn “Vành Đai 3 thấp” vượt hồ Linh Đàm hồi Tháng Mười 2020, nhà cầm quyền Hà Nội “dư tiền” đã bổ sung thêm hạng mục cầu cạn vòm thép vượt hồ Linh Đàm, nằm dưới đường Vành Đai 3, dành riêng cho người đi xe gắn máy.

Cầu vòm thép được kỳ vọng sẽ giảm lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân, chấm dứt tình trạng tắt nghẽn giao thông thường xuyên tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ – Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm.

Tuy vậy,  cầu vòm thép qua hồ Linh Đàm hiện không đáp ứng được kỳ vọng này.

Cuối cùng thì cây cầu mới xây tốn hơn $2.6 triệu trở thành nơi trú ngụ của rác, còn người dân chọn di chuyển trên cây cầu cạn “Vành Đai 3 thấp”, song song với cầu vòm thép –  Ảnh cắt từ video của VnExpress

Do có nhiều rác treo lơ lửng trên đầu, người dân đi xe gắn máy hiếm khi sử dụng cầu vòm thép qua hồ Linh Đàm mà toàn sử dụng cầu cạn “Vành Đai 3 thấp”, một cây cầu xây trước đó, nằm ở phía ngoài, song song với cầu vòm thép.

Chiếc cầu xây dựng hơn $2.6 triệu trông còn mới nay vắng người qua lại, đang biến thành bãi để xe hơi trái phép hai bên đầu cầu, thỉnh thoảng rác từ các công trình xây dựng vất bừa bãi trên cầu… đã biến cây cầu thành cũ kỹ và dơ bẩn.

Hà Nội “thổ đu” thật phung phí và mất vệ sinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: