Nhờ có các tiêu chuẩn chung giúp tương thích dễ dàng giữa các thiết bị khác thương hiệu, người bình thường đã có thể đưa công nghệ nhà thông minh vào trong ngôi nhà của mình. Có được bước tiến này là nhờ sự hợp tác của các công ty công nghệ và điện tử gia dụng.
Từ Matter…
Đèn thông minh, khóa thông minh và bộ điều nhiệt thông minh đã sẵn sàng tung ra thị trường với quy mô lớn nhờ kỷ nguyên hợp tác mới giữa những gã khổng lồ công nghệ và sự ra đời của tiêu chuẩn phần mềm mới giúp các thiết bị trong nhà tương thích với nhau dễ dàng.
Tính đến thời điểm hiện nay, nhà thông minh có một điểm yếu là: không một người bình thường “yếu công nghệ” nào dám nghĩ đến nó, vì sự bất tiện khi vận hành. Đèn thông minh, khóa cửa, bộ điều nhiệt, camera an ninh và các thiết bị thông minh khác khá phức tạp và không tương thích, để bẫy người dùng!
Nhưng cuối cùng, những người yêu nhà thông minh cũng có tin vui: nhà thông minh sẽ trở thành xu hướng phổ quát nhờ những đột phá cả về công nghệ lẫn sự hợp tác trên tinh thần “mọi người cùng thắng” (win-win).
Kết quả của “kỷ nguyên thân thiện với nhà thông minh” có được là nhờ một tiêu chuẩn phần mềm mới (new software standard) có tên Matter giúp kết nối dễ dàng các thiết bị thông minh và phần cứng với nhau.
Amazon và Google, hai đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ vừa hợp tác để giúp công ty điện tử âm thanh Harman chế tạo loại loa thông minh mới JBL “hiểu” được lệnh của cả trợ lý Alexa (Amazon) và trợ lý của Google.
Với dòng loa mới này (và là dòng loa đầu tiên trong nhiều dòng tương tự sắp trình làng), gia chủ có thể yêu cầu Alexa phát một bài hát và…Google dừng bài hát đó; hoặc Google tìm kiếm một sản phẩm mới và Alexa mua nó. Các nhóm làm việc tại Amazon và Google đã hợp tác để biến ý tưởng tương thích thành hiện thực.
Aaron Rubenson, phó chủ tịch phụ trách Alexa tại Amazon tuyên bố: “Chúng tôi rất ấn tượng về sự hợp tác với cam kết mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng”.
Nhưng Amazon và Google không phài là hai công ty duy nhất cho phép công ty thứ ba (ở đây là Harman) sử dụng công nghệ của họ. Một lý do chính để các công ty hợp tác cùng nhau là xu hướng biến nhà gia đình thành thông minh đã chậm lại khi doanh số bán các trang thiết bị thông minh dùng cho nhà thông minh giảm mạnh sau đỉnh cao 2021.
“Để kéo ngôi nhà thông minh thoát khỏi ‘rào cản chuyên môn’ khó tiếp cận đối với những người bình thường và biến nó thành “ngôi nhà ai cũng điều khiển được”, sự hợp tác là lựa chọn duy nhất” – Carolina Milanesi, chủ tịch công ty phân tích công nghệ Creative Strategies nhận xét.
Jitesh Ubrani, giám đốc nghiên cứu nhà thông minh tại công ty tình báo thị trường công nghệ IDC, giải thích, với Matter, người dùng bình thường không còn những câu hỏi ngớ ngẩn như: liệu máy tính xách tay của tôi có thể kết nối với Wi-Fi không, liệu trình duyệt web của tôi có thể hiển thị chính xác trang web không hay điện thoại có thể kết nối với tai nghe không”. Matter, được phát triển bởi các công ty thành viên của tổ chức Liên minh Tiêu chuẩn Kết nối (Connectivity Standards Alliance-CSA), chính là một “ngôn ngữ chung” giúp các thiết bị của các nhà sản xuất khác nhau tương thích với nhau.
Nhờ nó mà các công nghệ nhà thông minh có thể “chung sống” để người tiêu dùng không còn hỏi: khóa thông minh có bị vô hiệu hoá nếu chuyển từ hệ điều hành Android sang iOS, và ngược lại. Một số ít thiết bị tiên phong hỗ trợ Matter đã xuất hiện cách đây gần một năm. Nhưng trong một tháng trở lại đây, số tiện ích mới hỗ trợ Matter đã có nhiều hơn trên thị trường.
Theo Michelle Mindala-Freeman, phó chủ tịch điều hành CSA, đã có gần 1,800 ứng dụng và thiết bị hỗ trợ Matter đang được thử nghiệm hoặc đã được chuẩn thuận. Khả năng tương thích của các trang thiết bị trong nhà thông minh đã được nâng cao. Nếu bạn đang dùng loa thông minh Amazon Alexa, Apple HomePod hoặc Google Nest đời mới, bạn đã có sẵn Matter trong nhà mình.
Matter chỉ là một phần mềm, về mặt kỹ thuật là một lớp ứng dụng (app layer) mà các công ty công nghệ có thể thêm vào thiết bị họ sản xuất bằng cách upgrade phần mềm. Quá đơn giản!
Ví dụ, nếu bạn là người mua bóng đèn Philips Hue vào năm 2012 (khi Alexa chỉ mới là một ý tưởng trong đầu tỷ phú Amazon Jeff Bezos) thì đến giữa Tháng Chín này, bộ điều khiển không dây vận hành những bóng đèn đó sẽ được nâng cấp phần mềm để hỗ trợ Matter. Kết quả là tất cả bóng đèn Philips Hue, thậm chí cả những bóng đèn mua cách đây một thập niên đều trở thành thiết bị Matter.
Đến Tread
Ngoài Matter, CSA còn khai sinh ra một tiêu chuẩn khác, gọi là Thread. Đây là tiêu chuẩn liên lạc không dây tầm xa, tiêu thụ điện năng thấp với các lợi ích vượt xa những gì Matter mang lại.
Vì Thread có thể hoạt động ở khoảng cách xa trong khi sử dụng ít năng lượng nên nó có thể kích hoạt các thiết bị thông minh chạy bằng pin và không làm tắc nghẽn bộ định tuyến Wi-Fi (Wi-Fi router) của bạn khi có nhiều thiết bị được kết nối với nó.
“Tuy nhiên, có một điều Matter chưa có là con dấu xác nhận phẩm chất và sự chuẩn thuận của ngành,” Chris DeCenzo, kỹ sư chính cấp cao tại Amazon, một trong những người đồng sáng lập tiêu chuẩn Matter lưu ý. “Khi Matter lần đầu tiên ra mắt, một số thiết bị có sẵn được cho là tương thích với tiêu chuẩn mới nhưng lại không hoạt động trên phần lớn bộ điều khiển nhà thông minh hỗ trợ Matter (Matter-enabled smart-home controllers) bán trên thị trường, chẳng hạn như loa thông minh hỗ trợ Alexa thế hệ mới nhất của Amazon”. Do đó, Amazon, Google và các công ty khác đang ghi rõ các sản phẩm của họ là ‘có thể hoạt động cùng nhau’ để hướng dẫn người dùng đến các thiết bị có thể hoạt động với loa và trung tâm thông minh (smart hub) tương ứng.
Theo thời gian, sẽ thêm nhiều nhà sản xuất thử nghiệm các thiết bị hỗ trợ Matter của họ với tất cả các trung tâm và loa hỗ trợ Matter có sẵn”. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn chung còn phụ thuộc vào từng công ty thực hiện chúng. Ví dụ Tuo, một công ty khởi nghiệp về nhà thông minh có trụ sở tại New York City, gần đây đã phát hiện ra vấn đề khi tung ra sản phẩm đầu tiên của mình, một cảm biến tiếp xúc và nút lập trình được thiết kế để kích hoạt mọi thứ trong ngôi nhà thông minh.
Công nghệ mới giúp phổ biến nhà thông minh, nhưng vẫn còn một câu hỏi quan trọng: Người tiêu dùng có thực sự muốn làm cho ngôi nhà của họ thông minh không? Việc thuyết phục người dùng gia nhập vào phong trào nhà thông minh là tùy thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị. Càng dễ dùng càng tốt”.