Bộ Công an vừa ra Thông tư số 32, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Theo đó, từ ngày 15 Tháng Chín, cảnh sát giao thông sẽ được bố trí cán bộ hóa trang để phối hợp xử lý vi phạm giao thông.
Cụ thể, tổ cảnh sát giao thông được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến, địa bàn được phân công.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang. Cụ thể gồm sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông đường bộ phức tạp.
Thông tư cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Bộ phận cán bộ hóa trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong tổ cảnh sát giao thông phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Giải thích dễ hiểu như thế này: Từ giữa Tháng Chín, công an có quyền tổ chức một nhóm giả làm thường dân, mang theo máy bắn tốc độ đi tìm mấy “cái lùm” tốt làm chim cú vọ.
Theo diễn giải trên mạng xã hội, Thông tư số 32 cũng cho phép công an giả danh dân giang hồ hành hung người dân khi dám cự cãi với công an giao thông mặc sắc phục. theo kiểu “phối hợp hành động”.
Thông tư này vô hình chung đã làm một việc không mấy tốt đẹp, là “tố cáo” chính lực lượng công an đã vi phạm pháp luật khi đã tổ chức những nhóm công an mặc thường phục núp lùm bắn tốc độ làm cơ sở phạt người lái xe.
Một người trên mạng xã hội viết: “Rõ ràng thông tư này hợp thức hóa sai trái của công an từ mấy năm nay. Họ làm sai, rồi biến cái sai thành cái đúng. Chỉ có chế độ công an trị mới có cái quyền to lớn như thế”.
Thế nên có người khuyên rằng, từ giờ trở đi khi đang lái xe trên đường, nếu “được” công an mời vào thì cũng nên nhẹ nhàng nói chuyện, trình bày hoàn cảnh, với mong muốn “giải quyết nhanh gọn lẹ, đôi bên cùng có lợi: Công an có bánh mì, còn mình thì không bị mất thời gian”.
Độc giả báo Tuổi Trẻ bình luận rằng, “trong tình hình trộm cướp, lừa đảo gia tăng như hiện nay, (việc công an mặc thường phục làm việc) chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho bọn xấu lợi dụng!”. Điều lo xa này có lẽ không thừa, vì đã có trường hợp bọn lưu manh thường giả làm cảnh sát hình sự để tổ chức cướp giựt, hay lừa đảo.
Trước khi có Thông tư 32, người dân đã lên án việc công an giao thông mặc thường phục, và cả mặc cảnh phục “núp lùm” bắn tốn độ. Nhiều người cho rằng hành động đó không những không minh bạch, mà còn mang cố tình gây khó dễ cho người dân, để bắt chẹt lấy tiền.
Đến giữa Tháng Chín này, công an giao thông sẽ có quyền làm như thế, chỉ có điều hành động đó có đứng trên luật pháp và hiến pháp không thì phải chờ các vị luật sư trả lời.